Tiệm vàng tìm cửa thoát

Cả nước hiện nay ước khoảng hơn 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ đang phải loay hoay tìm lối thoát khi Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sắp có hiệu lực. Theo giới chuyên gia, các tiệm vàng khó đáp ứng điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng cũng như sản xuất vàng nữ trang. Như vậy, bài toán đặt ra cho các tiệm vàng là tiếp tục bán vàng trang sức hay bỏ nghề.

Cả nước hiện nay ước khoảng hơn 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ đang phải loay hoay tìm lối thoát khi Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sắp có hiệu lực. Theo giới chuyên gia, các tiệm vàng khó đáp ứng điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng cũng như sản xuất vàng nữ trang. Như vậy, bài toán đặt ra cho các tiệm vàng là tiếp tục bán vàng trang sức hay bỏ nghề.

Làm cửa hàng ủy nhiệm? 

Để được cấp phép kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 các tiệm vàng nhỏ lẻ phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh mua bán từ 2 năm trở lên, số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, điểm bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Có thể thấy, với những quy định chặt chẽ như vậy sẽ có rất ít tiệm vàng đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐQT độc lập DongABank, về kinh nghiệm các tiệm vàng có thể đạt điều kiện nhưng về vốn điều lệ, cơ sở vật chất, số thuế đã nộp, đặc biệt về mạng lưới kinh doanh vàng ở 3 tỉnh, thành phố… sẽ rất ít đơn vị đạt được.

Thực tế hiện nay các tiệm vàng kinh doanh vàng miếng và nữ trang có vốn cao lắm chỉ khoảng 20-30 tỷ đồng. Như vậy, ít nhất sẽ có 90% tiệm vàng không được kinh doanh vàng miếng, chỉ được kinh doanh vàng nữ trang nếu không muốn đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, chủ một tiệm vàng ở quận 5, TPHCM, thừa nhận các tiệm vàng kiếm lợi chủ yếu từ hoạt động kinh doanh vàng miếng, cầm đồ và mua bán ngoại tệ. Còn hoạt động mua bán vàng trang sức mãi lực rất kém, nguồn lợi nhuận đem lại từ hoạt động kinh doanh vàng nữ trang không đáng kể.

Từ cuối năm ngoái đến nay hoạt động mua bán ngoại tệ bị NHNN kiểm soát gắt gao nên các tiệm vàng cũng bị hạn chế nguồn thu, nay nếu không được tiếp tục kinh doanh vàng miếng, chắc chắn sẽ có nhiều tiệm vàng tính đến chuyện chuyển nghề.

Theo Nghị định 24 có thể thấy trước mắt 5 NHTM trong nhóm 5+1 (ACB, Techcombank, Sacombank, DongA Bank) đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Ngoài ra, còn các doanh nghiệp kinh doanh vàng tiềm năng khác như PNJ,  DOJI dễ dàng đáp ứng điều kiện mới để kinh doanh vàng miếng.

Nhiều thông tin cho biết đã có nhiều tiệm vàng lớn, có uy tín tính đến chuyện hợp tác với NHTM và các doanh nghiệp để trở thành cửa hàng ủy nhiệm bán vàng miếng, giống như đại lý thu đổi ngoại tệ mà các NHTM hiện nay vẫn có.

Kinh doanh nữ trang?

Không chỉ kinh doanh vàng miếng phải xin phép, các tiệm vàng muốn sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cũng phải có giấy phép con từ NHNN và phải đáp ứng đẩy đủ các yêu cầu của NHNN về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất hoặc thuê gia công.

Giao dịch tại một tiệm vàng ở chợ Bà Chiểu, TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch tại một tiệm vàng ở chợ Bà Chiểu, TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất trang sức mỹ nghệ cũng phải đăng ký gia công trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Theo TS. Phan Thanh Hải, chuyên gia về ngoại hối, tinh thần của Nghị định 24 là thu hẹp lại mạng lưới sản xuất vàng nữ trang nhỏ lẻ, nên NHNN sẽ hạn chế cấp phép hoạt động sản xuất gia công vàng nữ trang.

Nhiều ý kiến lo ngại việc cấp lại giấy phép sản xuất vàng nữ trang sẽ gây khó cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này là cần thiết không chỉ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tránh tình trạng các tiệm vàng nhỏ mọc lên nhiều, trong khi chưa có được sự bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động.

Với những quy định chặt chẽ trên, tới đây các tiệm vàng nhỏ lẻ có 1-2 thợ gia công vàng chuyên nhận gia công, thực hiện nhu cầu đổi vàng nữ trang cũ để mua lại vàng nữ trang mới của người dân, nếu muốn được sản xuất, gia công vàng nữ trang phải tính đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng vàng nữ trang. Theo một lãnh đạo NHTM, vẫn còn cửa thoát cho các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay.

Theo đó các tiệm vàng có thể làm đại lý bán vàng nữ trang cho các doanh nghiệp nữ trang có thương hiệu lớn như SJC, PNJ, DOJI… và hưởng chênh lệch, hoa hồng, nhưng sẽ không còn cửa ăn gian tuổi vàng. Thực tế, trong hoạt động kinh doanh vàng nữ trang trên thị trường tự do từ trước đến nay, các tiệm vàng cũng kiếm lợi nhuận rất lớn nhờ vào việc gia công, sản xuất vàng nữ trang, bởi hoạt động này có thể lập lờ tuổi vàng, người dân bị “móc túi” khi bị mua đắt bán rẻ, bị tiệm vàng tìm mọi cách ép giá mua thấp với các lý do trọng lượng hao hụt, không đủ tuổi, móp méo… nhưng cũng đành chịu vì không có cơ sở pháp luật để khiếu kiện.

Nay với Nghị định 24, nếu cơ quan quản lý nhà nước thực thi nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, trong đó sản phẩm nữ trang của các doanh nghiệp phải có cơ sở kiểm định chất lượng, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ. Khi đó buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ phải làm ăn nghiêm túc, lấy chất lượng dịch vụ để cạnh tranh thay vì kinh doanh chụp giựt như hiện nay.

Các tin khác