Trong thời gian qua, một thực trạng đáng buồn là 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC hoặc là đối tác đầu tư cho 41 dự án ở Việt Nam. Đặc biệt lĩnh vực điện nước ta thu hút các nhà thầu Trung Quốc nhiều nhất với tổng số dự án áp đảo.
Trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phần lớn các công trình điện, xi măng đều là các sản phẩm G7 do các nhà thầu uy tín quốc tế làm tổng thầu như Sumitomo, Misubishi, F.L.Smith, Polisius… Các nhà thầu này có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực nhiệt điện và xi măng, họ khai thác triệt để việc giao cho các nhà thầu phụ Việt Nam thi công và chế tạo hầu hết kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn.
![]() |
Lilama hiện đang thực hiện tổng thầu EPC |
Bản chất của việc giao cho thầu phụ Việt Nam làm vì họ biết năng lực chế tạo cơ khí Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ công trình, hơn nữa giá thành chế tạo thường chỉ khoảng 50-70% so với giá họ mua ở các nước khác hoặc ở nước họ. Sau WTO, nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào, lập tức chúng ta đứng ngoài rìa và mất việc. Họ không hề làm như G7. Họ đem lao động sang để làm thổ mộc, vật tư thiết bị sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn họ chuyển sang, kể cả bu lông, ốc vít. Vì vậy cần phải nhìn nhận một thực tế khách quan: lý do tại sao chúng ta thua trên sân nhà?
Muốn làm tổng thầu EPC (được hiểu là cùng trong một gói thầu, nhà thầu thực hiện cả 3 nội dung công việc: tư vấn; mua sắm vật tư, thiết bị cho dự án; thi công xây lắp công trình), trước hết các nhà thầu Việt cần tập trung vào đầu tư lực lượng tư vấn thiết kế. Đây là vấn đề có thể nói là yếu nhất của chúng ta. Đương nhiên việc này không thể một sớm một chiều làm ngay được, mà vấn đề đặt ra là phải có chính sách, cơ chế để doanh nghiệp trong nước có thể tiến lên làm tổng thầu EPC. Cách đây mấy năm, Lilama lần đầu tiên được Chính phủ giao làm tổng thầu EPC Nhà máy điện Uông Bí mở rộng với giá trị hợp đồng khoảng 300 triệu USD. Cộng đồng doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mừng vì Chính phủ đã tạo điều kiện để doanh nghiệp cơ khí có đất phát triển. Lãnh đạo Lilama đã dũng cảm đầu tư chất xám, tuyển hàng trăm kỹ sư cơ điện từ các trường, đầu tư hàng triệu USD mua phần mềm phục vụ công tác điều hành dự án, thuê chuyên gia nước ngoài… Và với sự khởi động này, ngành cơ khí tin tưởng sẽ có cơ hội làm chủ vận mệnh của mình trong các dự án tiếp theo, xóa kiếp làm thuê, thành ông chủ trên mảnh đất của mình.
Muốn trở thành một nhà tổng thầu EPC chuyên nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường về năng lực công nghệ, quản lý và tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Bên cạnh đó, việc hợp tác của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa có ý thức trong việc chung tay xây dựng cộng đồng và kết nối quan hệ quốc tế rộng rãi. Bản thân ngành cơ khí vốn đã yếu, lại đầu tư khép kín công nghệ, nên gây lãng phí lớn do đầu tư trùng lặp. |
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã kiến nghị với Nhà nước nhiều lần về điểm yếu của ngành cơ khí. Chúng ta thiếu lực lượng nghiên cứu phát triển, trước hết là lực lượng tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo. Thiếu hẳn các chuyên gia đầu ngành cho lĩnh vực cơ khí chế tạo dạng công trình sư và tổng công trình sư.
Thực tế đòi hỏi cần bỏ cấp chủ quản, tạo sức mạnh liên kết, hợp tác đầu tư toàn ngành, xây dựng các tập đoàn chế tạo máy đủ mạnh. Cần phải tranh thủ và tận dụng mọi khả năng để liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp nhận được công nghệ chế tạo cơ khí tiên tiến, hiện đại và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khắt khe của thế giới, cũng như cùng liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài để tham gia đấu thầu và thực hiện EPC các dự án lớn đầu tư trong nước cũng như ở nước ngoài.
Để giúp các doanh nghiệp trong nước thắng thầu, tham gia với tư cách thành viên liên doanh hoặc làm thầu phụ các gói thầu EPC cần có những chính sách vĩ mô đồng bộ của Chính phủ và tăng cường năng lực, trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư. Điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp trong nước phải tăng cường năng lực về mọi mặt, đặc biệt về năng lực tư vấn thiết kế, công nghệ, quản lý nhân sự và tính chuyên nghiệp. Tình thế mới đòi hỏi tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thêm sức mạnh nội tại để có thể vững vàng tham gia dự thầu và thắng thầu EPC trên mảnh đất của mình.