Mở đầu cuộc trò chuyện, anh Lâm Thiếu Quân (ảnh), Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Tiên Phong (ITD), hào hứng cho biết anh đang dồn tâm huyết hỗ trợ TPHCM hạn chế nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cải thiện nguồn thu ngân sách bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.
Cơ hội rèn luyện, trải nghiệm
![]() |
Lâm Thiếu Quân tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành thủy lợi cảng biển Trường Đại học Bách khoa TPHCM năm 1986 và chọn nơi khởi nghiệp là công trình xây dựng cảng Bến Nghé - một công trình trọng điểm của TPHCM lúc bấy giờ.
Đến năm 1992, khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh mẽ, anh vạch ra một hướng đi mới: chuyển sang Công ty Thương mại quốc tế Intraco (Singapore). Làm việc trong môi trường quốc tế, anh được tiếp cận nhiều giải pháp công nghệ mới (tự động hóa, điện tử, tin học, viễn thông…) và có cơ hội rèn luyện tiếng Anh. Vừa làm việc, anh vừa theo học văn bằng 2 chuyên ngành ngoại thương và không lâu sau đó được công ty bổ nhiệm vị trí trưởng phòng.
Từng mang các giải pháp công nghệ mới của Intraco tiếp thị với các doanh nghiệp trong nước, Lâm Thiếu Quân rút ra một kinh nghiệm quý báu: “Để một ý tưởng, giải pháp thành công trên phương diện thương mại, cần có những kiến thức về kỹ thuật, thương mại, mối quan hệ với khách hàng…
Nếu chỉ có kỹ thuật không, chưa chắc có người sử dụng. Khi vừa có kỹ thuật vừa có góp ý của khách hàng, giải pháp sẽ thực tế hơn. Đến khi có giải pháp thực tế rồi, làm sao để tái tạo nguồn thu nhập nuôi dưỡng những ý tưởng khác là cả vấn đề”.
Đến năm 1995, một số bạn cũ của anh là giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đứng ra thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ tin học và điều khiển CATIC, với mục đích ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế đời sống. Lâm Thiếu Quân nhận lời về làm phó giám đốc CATIC.
Tại đây, anh thỏa sức vận dụng kinh nghiệm kinh doanh lẫn vốn kiến thức về khoa học ứng dụng mới để phát triển CATIC, nắm bắt cơ hội với các đối tác nước ngoài. Khi hãng Siemens vừa vào Việt Nam, CATIC nhanh chóng hợp tác, trở thành đại lý đầu tiên của hãng này tại Việt Nam chuyên cung cấp các sản phẩm điện, tự động, truyền động điện.
Từ năm 1996 đến năm 1998, trong khi đang làm phó giám đốc CATIC, Lâm Thiếu Quân đã sáng lập và làm giám đốc cùng lúc 2 công ty: Công ty Kỹ thuật điện Toàn Cầu (hoạt động trong lĩnh vực chống sét) và Công ty Tin học Siêu Tính (cung cấp các giải pháp tổng thể về phần cứng, phần mềm, tư vấn chuyển giao công nghệ cho ngành nhà hàng, siêu thị, khách sạn).
Anh cũng đã cùng với các lãnh đạo của CATIC thành lập Công ty Công nghệ tự động Tân Tiến (cung cấp ứng dụng tích hợp hệ thống điện - tự động hóa và kỹ thuật điều khiển). Dù các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng khâu quản lý vẫn được tổ chức bài bản và làm ăn có hiệu quả. Sau đó anh còn sáng lập nhiều công ty khác như Cơ điện Thạch Anh, Phần mềm Tiên Phong, Thiên Vận, Định vị Tiên Phong…
Bí quyết thành công
Từ kiến thức sách vở và học hỏi qua các chuyến công tác nước ngoài, cùng trải nghiệm thực tế, phản hồi của khách hàng tại các buổi hội thảo, anh chú ý vận dụng viết thành các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn. Thấy ý tưởng nào làm được, anh bắt đầu tập hợp nhóm kỹ sư hiện thực hóa ý tưởng đó. Đến khi ra sản phẩm thành công, tổ chức hoạt động có hiệu quả, lại tách thành công ty riêng.
Do vậy, chỉ trong vòng 1 thập niên, cứ đều đặn mỗi năm anh sáng lập thêm 1 công ty. Bận rộn quá nhiều chức vụ, trách nhiệm, Lâm Thiếu Quân cùng đội ngũ lãnh đạo CATIC trăn trở: Những công ty thành viên hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau nên chính sách có sự khác biệt, cần phải có một chính sách chung để quản lý. Do vậy năm 1999 Tiên Phong ra đời với tư cách công ty mẹ của các công ty đã thành lập trước đó.
Chuyện nghe có vẻ nghịch lý, chẳng khác nào “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, nhưng đó là một thực tế phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động. Bí quyết thành công của Lâm Thiếu Quân là tôn trọng sự khác biệt. Mỗi công ty đi theo một định hướng khác nhau, người lãnh đạo cao nhất phải đủ uy tín, có tài lèo lái, cân đối lợi ích để quản lý những công ty con trong một thể thống nhất.
![]() |
Tổng giám đốc ITD Lâm Thiếu Quân phân tích về giải pháp giám sát hành trình 4G trên ô tô. |
Để có thương hiệu Tiên Phong như hôm nay, không thể không nhắc đến cách dùng người của Lâm Thiếu Quân. Có một điểm chung là các giám đốc thuộc Tiên Phong đều tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa. Điều kiện tuyển dụng nhân viên của Tiên Phong đòi hỏi phải am hiểu công nghệ, giỏi tiếng Anh và kinh doanh giỏi. Chỉ tiêu doanh số của một nhân viên kinh doanh mỗi năm phải bán được 4 tỷ đồng.
Lâm Thiếu Quân cho biết: “Trong điều hành công ty, với nhân viên chúng tôi cần giải pháp chứ không cần giải thích. Tức là đưa ra một vấn đề, giao giải quyết nó như thế nào, phương pháp nào để đem lại hiệu quả cao nhất. Có những nhân viên kinh doanh đạt doanh số bán hàng tới 25 tỷ đồng/năm. Với những con người giỏi như vậy, nếu không biết giữ sẽ bị mất. Mức lương trả cho họ phải cạnh tranh được trong thị trường lao động đang ráo riết “săn đầu người” hiện nay”.
Ứng dụng vào đời sống
Tiên Phong đang cung cấp nhiều giải pháp công nghệ như giao thông thông minh, hệ thống chống sét, quản lý in ấn tốc độ cao, hạ tầng viễn thông, thanh toán trực tuyến, điều khiển tự động công nghiệp, mạng truyền thông MetroNet…
Lâm Thiếu Quân tự tin: “Thông thường tốc độ phát triển của các công ty công nghệ phải gấp đôi tốc độ phát triển của GDP. Nước ta đang trên đà phát triển nên tốc độ phát triển công nghệ ứng dụng rất nhanh. Nhu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất, nhà máy và nhu cầu tiêu dùng rất lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những công ty công nghệ”.
Với trình độ chuyên môn thạc sĩ quản lý công nghệ thông tin, cử nhân kinh tế, kỹ sư thủy lợi, trong chiến lược kinh doanh của mình, Lâm Thiếu Quân luôn nỗ lực đem những phát minh, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực đời sống, giúp các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết nhiều vấn đề nóng như ùn tắc giao thông, quản lý đô thị, khai báo thuế…
![]() ![]() | |
Ông LÂM THIẾU QUÂN, |
Trước đây khi báo cáo thuế, doanh nghiệp phải viết ra giấy để nộp lên cơ quan thuế. Từ các báo cáo này, cơ quan thuế phải cho đánh máy nhập liệu vào hệ thống, mất nhiều thời gian và khả năng xảy ra sai sót cao, mà cũng không lấy đâu ra người để nhập liệu hết báo cáo của hàng trăm ngàn doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, Lâm Thiếu Quân nghiên cứu đưa ra giải pháp khai báo thuế bằng mã vạch hai chiều, giúp rút ngắn thời gian xử lý và dữ liệu chuyển vào hệ thống chính xác 100%. Nhận được sự ủng hộ của Tổng cục Thuế nên Cục Thuế TPHCM đã tiên phong triển khai ứng dụng cách khai báo thuế này, sau đó được nhân rộng trên cả nước.
Thấy các nhân viên ngành điện hàng tháng đến từng nhà ghi số đồng hồ điện vào sổ, sau đó phải về nhập liệu vào máy tính rất bất tiện, anh Lâm Thiếu Quân nảy ra ý tưởng sử dụng dụng cụ ghi số điện bằng máy tính cầm tay.
Với dụng cụ này, nhân viên ghi số điện chỉ cần nhập chỉ số tiêu thụ điện, máy tính sẽ tự tính toán xem có chính xác hay không, lúc về chỉ cần cắm dụng cụ này lên giá là toàn bộ dữ liệu sẽ chuyển vào hệ thống máy chủ. Với thiết bị này có thể in ngay hóa đơn để khách hàng biết số tiền phải trả. Chính sáng kiến này đã giúp ngành điện và ngành nước cắt giảm các thủ tục rườm rà, mang lại sự thuận lợi cho khách hàng và hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông đô thị, Tiên Phong có nhiều giải pháp đột phá. Khi ô tô qua các trạm thu phí, việc mua vé rất bất tiện. Vào những giờ cao điểm, từng đoàn xe nối đuôi nhau chờ mua vé qua trạm. Anh Lâm Thiếu Quân nảy ra ý tưởng triển khai giải pháp thu phí tự động một dừng, nghiên cứu rồi giới thiệu giải pháp với Bộ Giao thông - Vận tải và giải pháp này đã trở thành chuẩn quốc gia áp dụng hiện nay.
Năm 2004 CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) mạnh dạn ứng dụng công nghệ thu phí một dừng của Tiên Phong ở xa lộ Hà Nội. Giải pháp này đã giúp CII giảm số lượng nhân viên quản lý trạm từ 300 người xuống còn 20 người, hoạt động hiệu quả, chính xác và tạo sự thuận lợi cho người dân. Đến nay, 70% hệ thống thu phí trên khắp cả nước đã ứng dụng công nghệ này của Tiên Phong.
Ứng dụng khoa học công nghệ tốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, phát triển con người, nâng cao chất lượng sống của người dân. Đó cũng là mục tiêu kinh doanh, đồng thời là trách nhiệm của Tiên Phong đối với xã hội. Hiện nay Tiên Phong là công ty mẹ của 12 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính: điện - điện tử, viễn thông - tin học, tự động - điện công nghiệp, hạ tầng giao thông. Không tập trung vào thị trường kinh doanh đại trà, Tiên Phong chủ yếu đánh vào thị trường ngách với những sản phẩm công nghệ chất lượng kỹ thuật cao và có yêu cầu tích hợp ứng dụng nhiều công nghệ với nhau. Chống sét, thu phí tự động, máy in tốc độ cao… là những lĩnh vực Tiên Phong đang đứng vị trí hàng đầu tại Việt Nam. Bình quân doanh thu của Tiên Phong khoảng 600-700 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế 60-70 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. |