Tiếng chiêng ngân Mường Động

Đất Mường Động có một người đam mê văn hóa Mường đến cháy bỏng. Đó là ông Bùi Tiến Xô, chấp nhận sống khổ, bán cả trâu bò để sưu tầm chiêng cổ. Hơn thế nữa, ông vẫn cần mẫn đi giao lưu, giúp đỡ nhiều xã, xóm bản dựng lại các câu lạc bộ văn hóa.

Đất Mường Động có một người đam mê văn hóa Mường đến cháy bỏng. Đó là ông Bùi Tiến Xô, chấp nhận sống khổ, bán cả trâu bò để sưu tầm chiêng cổ. Hơn thế nữa, ông vẫn cần mẫn đi giao lưu, giúp đỡ nhiều xã, xóm bản dựng lại các câu lạc bộ văn hóa.

Người bị giời hành

Đất tứ Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) vẫn còn nhiều bí ẩn chờ khám phá. Bản thân ông Xô cũng là một bí ẩn với chính mình. Chẳng thế mà ngay hôm gặp, lúc ông đang sửa xe máy cho khách, tôi gần như bị tự ái bởi… sự hờ hững của ông. Cố nán lại chờ sửa xong chiếc xe cho khách, ông Xô vào bếp lấy ấm đun nước và bảo vợ thịt gà đãi khách. Sau này tìm hiểu ra, đó là cái “chất” của người vùng cao nơi đây, rằng không vồn vã với khách, nhưng thật cái bụng và phải sau khi pha xong ấm nước họ mới bắt đầu nói chuyện vui vẻ.

Trong câu chuyện ông Xô thổ lộ, ông quê gốc ở xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn, vì chuyện mưu sinh ông về nhập khẩu tại thôn 168, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Ông Xô tâm sự: “Tôi là người có duyên nợ với đất Mường Động. Đấy, tôi cũng chân lấm tay bùn, nghèo khổ, giờ vẫn phải sửa chữa xe máy để kiếm ăn. Nhưng đã nói đến văn hóa và chiêng Mường, tôi không dứt ra được đâu”.

Sinh năm 1952, với 62 tuổi đời đã có 30 năm ông Xô đã sưu tầm chiêng và cố gắng gìn giữ những nét văn hóa dân tộc Mường. Năm 1976, trong lần làm mộc cho một gia đình ở Bản Lác (huyện Mai Châu), ông Xô đã sưu tầm được chiếc chiêng đầu tiên trong một tình cảnh khó khăn. “Năm đó nhóm thợ của tôi làm thuê gần 2 tháng trời, đến khi phải thanh toán tiền khách hàng khất tháng sau đến lấy hoặc trong nhà có chiếc chiêng đồng cổ, nếu ưng trả bằng chiêng, khỏi cần tiền” - ông Xô hồi tưởng.

Nhóm thợ và ông Xô không đồng ý lấy chiêng. Nhưng sau khi quan sát, ông Xô lại thấy thích thú. Ông nói với nhóm thợ sẽ lấy tiền ở nhà trả công cho thợ còn ông mang chiêng về. Bận đó, vợ ông vô cùng bực tức, vì chồng đi làm chẳng những không mang tiền về, lại khuân tiền nhà đi. Ông Xô phải giải thích mãi vợ mới chịu hiểu. Từ đó, ông thường tìm cách tiết kiệm tiền để đi đến đâu, hễ thấy chiêng quý là mua. Tôi hỏi, vì sao ông quyết định bỏ cả một đống tiền ra để mua chiếc chiêng đầu tiên trong cuộc đời mà lúc đó chưa hề biết giá trị thực của nó?

Ông nói: “Tôi thấy nó bị ô-xi hóa, lại còn bị thủng nữa. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi thấy mê nó, đúng là cái duyên. Sau này hỏi các nhà chuyên môn, họ bảo nó có tuổi đời khoảng 400 năm. Vậy là quý quá rồi”.

Những lần sưu tầm lẻ, ông chỉ phải bán một ít ngô, lúa là mua được chiêng. Nhưng năm 1993, trong một lần đi làm, ông dò hỏi ở huyện Đà Bắc có gia đình đang lưu giữ 8 chiếc. Đến hỏi mua gia chủ hét giá quá đắt. “Họ bảo quản 8 chiếc chiêng rất cẩn thận. Tôi nài nỉ, họ đồng ý bán 10 triệu đồng. Khi ấy là cả một khối tài sản lớn. Tôi về nhà gom tiền, vay anh em nhưng chỉ được vài đồng. Thế là phải bán sạch đàn bò 8 con để lấy chiêng. Mỗi chiếc chiêng bằng một con bò” - ông chia sẻ.

Năm 2000, cũng ở khu vực huyện Đà Bắc, ông Xô vào một gia đình có chiếc chiêng cổ, đường kính 60cm. Họ nói giá 7 triệu đồng. Trong túi không có tiền, ông về gãi đầu nói chuyện với vợ tìm cách “rước” chiêng. Vợ con ông phản đối gay gắt, nói ông bỏ tiền mua nhiều thế làm gì, trong khi gia đình còn nghèo túng. Ông vỗ về vợ: “Mình thông cảm cho tôi, tôi lấy chiêng về, nó không mọt được đâu. Tôi phải gìn giữ chúng”. Bà Ni, vợ ông cho biết: “Thấy ông ấy khổ vì chiêng, tôi thương lắm, nhưng tôi và các con cũng khổ lắm chứ. Năm đó, không còn tiền mua gạch ngói, ông ấy phải tự đóng gạch, nung gạch xây lấy cái nhà cấp bốn kia cho con trai lấy vợ. Ông ấy đúng là bị giời hành”.

Hết lòng truyền thụ văn hóa

Đến nay ông đã có 55 chiếc chiêng Mường, trong đó 18 chiếc cổ, 28 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Khối tài sản ấy được rất nhiều “đại gia” trả giá cao, nhưng ông lắc đầu. “Đồ xứ Mường bị chảy máu, nhà sàn cổ bị chảy máu, văn hóa cũng bị mai một. Điều đó khiến tôi như cũng bị thương. Nên tôi phải giữ chiêng, giữ nhà sàn, giữ những món đồ lưu giữ ký ức văn hóa Mường và nhiều làn điệu, câu hát, các lễ hội” - ông Xô giảng giải, như thể kho tàng văn hóa Mường đã ngấm vào trái tim ông và giờ khởi phát.

Với bộ sưu tầm trọn vẹn của mình, ông Bùi Tiến Xô có thể chơi bất cứ bản nhạc nào mình thích. Ông rút chiếc dùi và thết đãi chúng tôi những bản nhạc dân ca Mường. Những tiếng chiêng ngân vang, bay bổng gợi về một thời hồng hoang, như thúc giục bàn chân thôn bản lên nương, lên rẫy hay săn thú rừng, gợi nhắc về quá vãng của một nền văn hóa giàu bản sắc.

Ông Xô giới thiệu chiêng Mường.

Ông Xô giới thiệu chiêng Mường.

Yêu văn hóa Mường từ nhỏ và là người có thể tự chế tạo ra nhiều nhạc cụ dân tộc, ông Xô cũng có thể chơi nhiều nhạc cụ khác như như khèn, sáo ôi, sáo mèo, tiêu, nhị, đàn bầu, đàn tam... mặc dù chẳng qua trường lớp đào tạo. Dù thế, ông cũng không thôi lo lắng người biết chơi nhạc cụ dân tộc giờ ít quá, biết bao lễ sắc văn hóa của người Mường cũng mai một.

Từ năm 1999, ông Xô nghĩ đến chuyện phải truyền dạy cho người khác. Ông cũng mở những lớp dạy đánh cồng chiêng miễn phí. Người dạy, người học tự nguyện, chỉ mong sao văn hóa Mường, văn hóa Chiêng ngấm vào nhiều người nữa, đặc biệt là lớp trẻ. Ở xã Liên Vũ, xã Đú Sáng (Kim Bôi), ông Xô thành lập được câu lạc bộ với 60 người, trong đó nhiều người có khả năng sử dụng tốt một số nhạc cụ.

Ông Trần Văn Đức, xã Vĩnh Tiến, tâm sự: “Tôi cũng rất yêu nghệ thuật văn hóa Mường và vô cùng cảm phục ông Xô. Ông ấy luôn nhiệt tình bảo lưu văn hóa, hết lòng giúp truyền dạy dù cuộc sống rất khó khăn. Ông ấy là người cuối cùng ở Mường Động còn giữ được nhiều vốn văn hóa bản địa và đang tích cực nhân rộng các câu lạc bộ văn hóa chiêng”.

Các tin khác