Khi nắng chiều dần khuất dưới chân đồi, khắp nơi như được khoác trên mình màu xanh xen lẫn sắc hồng phai của lộc đâm chồi, cũng là lúc tiếng trống tầm vang lên báo hiệu giờ đi làm về. Mọi người cười nói vui vẻ sau một ngày làm việc vất vả. Với người dân nơi đây, tiếng trống tầm là sự thể hiện tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc anh em.
Xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có 7 dân tộc anh em là Tày, Mường, Mông, Dao, Thái, Dáy, Kinh. Cuộc sống của người dân nơi đây bao đời gắn bó với cây lúa, cây chè, sống hòa thuận không phân biệt dân tộc, hễ nhà ai có việc là cả thôn, cả bản cùng đến giúp đỡ.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, bao lần sáp nhập rồi chia tách, nhưng người dân thôn Cao I của xã Chấn Thịnh vẫn còn lưu giữ được nét đẹp truyền thống độc đáo: tiếng trống tầm.
Ông Lê Công Khế, người đã có hơn 20 năm nay đánh trống tầm, cho biết hình dáng trống tầm cũng không khác gì trống bình thường ở các vùng quê miền Bắc.
Cái “khác biệt” của trống tầm nơi đây là không chỉ dùng vào những ngày hội hè, lễ tết mà được sử dụng hàng ngày như một phương tiện thông tin, giao tiếp trong sản xuất, sinh hoạt của người dân thôn Cao I.
![]() |
Ngày nào cũng vậy, đúng 6 giờ 30 phút sáng khi tiếng trống tầm vang lên 1 hồi 3 tiếng, không ai bảo ai người dân trong thôn mang dụng cụ lao động ra ruộng, lên đồi chè làm việc. Trong các vụ sản xuất chính các hộ trong thôn tự bàn bạc đổi công cho nhau, nghĩa là hôm nay gia đình này làm cho nhà mình thì hôm sau mình sang nhà họ để trả công.
Vì vậy ở đây không có khái niệm “nông nhàn”. Bởi dù việc nhà mình đã xong nhưng việc nhà hàng xóm chưa xong, người dân vẫn đi làm bằng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Mọi người làm việc hăng say, không phân biệt việc nhà mình, việc nhà hàng xóm, đã đi làm là làm cho được, đến khi nghe tiếng trống tầm vang lên báo hiệu mọi người mới ngừng việc nghỉ trưa.
Đúng 1 giờ chiều tiếng trống tầm lại vang lên báo hiệu giờ làm buổi chiều bắt đầu. Mọi người lại tiếp tục làm việc và đến 5 giờ 30 phút chiều tiếng trống vang lên kết thúc một ngày làm việc.
Từ đầu năm 2010, ông Khế do tuổi cao sức yếu đã giao "toàn quyền" đánh trống cho anh con trai cả Lê Văn Quý. Và từ đó đến nay vợ chồng anh Quý không ngày nào quên đánh trống tầm.
Anh Quý tâm sự: “Người dân quê tôi đã quá quen với tiếng trống tầm, coi nó như người bạn thân thuộc trong đời sống thường nhật. Lĩnh trách nhiệm đánh trống tầm tôi cảm thấy vinh dự nhưng cũng lo lắng nhiều vì sợ để xảy ra sai sót. Hôm nào có việc phải đi xa vài ngày, tôi đều dặn dò vợ rất kỹ không được quên đánh trống”.
Chị Hương nhà ngay ở kế bên cho biết nhà chị đã có đồng hồ báo thức, có tivi, điện thoại bàn và con trai chị có cả điện thoại di động, nhưng vẫn không thể bỏ được nếp sinh hoạt theo tiếng trống thôn, bởi tiếng trống đã gắn bó tình làng nghĩa xóm từ bao đời nay.
Ông Hoàng Văn Hướng, 71 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh qua 4 nhiệm kỳ, cho biết: “Sự ra đời của trống tầm xuất phát từ sinh hoạt mang tính cộng đồng của người dân nơi đây. Không sử sách nào ghi chép ngày tháng năm cụ thể trống tầm ra đời, chỉ biết rằng hồi xưa 11 thôn trong xã hầu như thôn nào cũng có trống tầm, mọi sinh hoạt đều gắn liền với tiếng trống.
Nhưng do nhiều nguyên nhân mà âm vang của tiếng trống tầm dần mai một, hiện nay chỉ còn thôn Cao I còn lưu giữ được. Và hàng chục năm nay, tiếng trống tầm đã ăn sâu vào nếp nghĩ, là âm thanh không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân thôn Cao I. Khi nghe tiếng trống tầm, người dân biết được là tiếng trống báo đi làm đổi công, tiếng trống báo họp thôn, hay tiếng trống báo hiệu trong thôn có gia đình cần mọi người đến giúp”.
Ông Phạm Khắc Được, Bí thư chi bộ thôn Cao I, cho biết để lưu giữ và phát huy vai trò của tiếng trống tầm, người dân đã đưa vào quy ước, hương ước của thôn. Và như vậy tiếng trống tầm không chỉ báo giờ đi làm, đổi công, hay thông báo nhân dân đến họp thôn, báo có người ốm đau, mà tiếng trống còn thúc giục, kêu gọi và triệu tập tinh thần đoàn kết của dân làng.
Cùng với tiếng trống tầm mãi ngân vang, diện mạo vùng quê nghèo này đang thay da đổi thịt từng ngày. Với phương châm cùng giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, đi lên. Hàng năm thôn gieo cấy hết 30ha lúa cho năng suất chất lượng cao.
Cây vụ 3 cũng được nhân dân tích cực tham gia trồng, cho thu nhập cao như khoai tây hàng hóa, rau màu... Những con đường đất trơn trượt dần được thay thế bằng đường bê tông, những lớp học lợp lá cọ dần được thay thế bằng trường lớp kiên cố... 100% số hộ có điện lưới quốc gia.
Trong thôn có 111 hộ dân, đến nay có 72% số hộ đạt gia đình văn hóa. Thôn Cao I cũng là thôn văn hóa không có người nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội.