Hôm nay 13-10, cộng đồng doanh nghiệp kỷ niệm tròn 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. 10 năm với nhiều thăng trầm của nền kinh tế, doanh nhân là giới chịu va đập nhiều nhất. Vì thế, nỗ lực của giới doanh nhân những năm qua là điều rất đáng ghi nhận và rất cần được tiếp sức, giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển bền vững. Nhân dịp ngày vui của giới doanh nhân, ĐTTC đã trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xung quanh vấn đề này.
Trưởng thành hơn sau khó khăn
PHÓNG VIÊN: - Cảm xúc của ông nhân dịp 10 năm doanh nhân - những người lính thời bình - được tôn vinh và có được ngày của riêng mình?
Sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính cho thấy sự tôn trọng của Chính phủ, các cấp chính quyền đối với nguyện vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tuyên bố về chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh là cam kết thể hiện trách nhiệm và niềm tin của họ đối với bước đột phá thể chế lần thứ hai của Chính phủ. Tất cả những điều đó sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư, kinh doanh thứ hai. |
Ông VŨ TIẾN LỘC: - 10 năm là quãng thời gian không dài nhưng đã mang đến cho giới doanh nhân nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là giới doanh nhân có ngày kỷ niệm cho riêng mình khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 09 (ban hành ngày 9-12-2011) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Dấu ấn quan trọng nhất là lần đầu tiên lịch sử lập pháp nước ta các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp 2013. Những điều này mang lại thêm nhiều ý nghĩa cho dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
- Đánh giá của ông về đội ngũ doanh nhân trong 10 năm qua, đặc biệt những nỗ lực trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vừa qua?
- 10 năm qua, vị trí của doanh nhân đã không ngừng được khẳng định trong đời sống kinh tế, chính trị của đất nước, nhưng cũng trong thời gian đó, chúng ta đã chứng kiến những bước thăng trầm của doanh nhân. Khi nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, cơ hội tiếp cận vốn rẻ, dễ dàng… khu vực doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh về số lượng.
Nhưng cũng chính từ sự phát triển bùng nổ có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, bài bản, chú trọng tay trái hơn tay phải, thiếu quản trị rủi ro, đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, phá sản.
Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, với những nỗ lực cải cách, ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với việc kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, quá trình sản xuất kinh doanh bắt đầu có những tín hiệu khả quan, dù còn chậm nhưng vững chắc hơn. Chính những bước thăng, trầm đó cùng nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức từ chủ quan lẫn khách quan, giới doanh nhân đã ngày càng trưởng thành hơn.
Từ đó tiếp tục ổn định sản xuất - kinh doanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Những doanh nghiệp trụ vững được trong bối cảnh khó khăn vừa qua thực sự là những dũng sĩ trong mặt trận kinh tế của đất nước. Các doanh nhân đã thực sự trưởng thành hơn, chất lượng doanh nghiệp được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự báo những khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Vì thế rất cần sự chung tay, giúp sức của những nhà hoạch định chính sách. Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân và sẽ nỗ lực không ngừng, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tăng niềm tin, kỳ vọng lớn
- Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng “cuộc đột phá thể chế lần thứ hai” trong kinh tế sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, kinh doanh thứ hai. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết cần tranh thủ thời cơ, nắm bắt các quan hệ thị trường, cung - cầu, hợp tác, cạnh tranh để phát triển. Muốn vận dụng đúng, sáng tạo các quy luật kinh tế trong kinh doanh, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, mức độ tinh thông nghề nghiệp để có thể ứng phó với mọi tình huống. |
- Chính phủ đã khởi động bước đột phá thể chế lần thứ hai kể từ khi đổi mới, với hàng loạt động thái quyết liệt từ đầu năm đến nay. Đó là các dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trình ra Quốc hội theo tinh thần doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Đó là Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách hành chính theo chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN; những chỉ đạo trực tiếp, vượt cấp của người đứng đầu Chính phủ đến tận các điểm nóng của bộ máy công quyền; là mệnh lệnh cắt giảm, đơn giản hóa từng thủ tục theo lộ trình cụ thể được cân đong đo đếm bằng thời gian và tiền bạc, đang một lần nữa cởi trói, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại rào cản về bộ máy, con người. VCCI sẽ làm gì để góp phần vào sự thay đổi?
- Với tuyên bố sát cánh cùng Chính phủ, VCCI cùng doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia xây dựng, phản biện, giám sát, thúc đẩy quá trình đổi mới chính sách và cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó VCCI sẽ chủ động đưa ra sáng kiến và thực tiễn tốt với Chính phủ; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định, thủ tục hành chính, kiến nghị kịp thời đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; tích cực tìm tòi khám phá cùng chính quyền các cấp khai thác lợi thế cạnh tranh vùng, địa phương, ngành; chủ động tham gia tư vấn đàm phán các hiệp định thương mại, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi chính sách.
Cùng với đó, việc Nghị quyết 19 giao VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp nhiệm vụ tư vấn, phản biện chính sách, định kỳ nghiên cứu khảo sát mức độ hài lòng, tín nhiệm của doanh nghiệp với Chính phủ, tôi cho rằng những trở ngại, khó khăn sẽ dần được loại bỏ.
- Hiện nay những điều gì khiến ông còn băn khoăn, trăn trở?
- Thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dù nhiều giải pháp tháo gỡ đã được đề ra. Kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp của VCCI 9 tháng năm 2014 đã phản ánh điều này. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, chuyển biến chính sách còn chậm. Đó là giờ nộp thuế lên tới 872 giờ so với trung bình các nước ASEAN+6 là 171 giờ.
Nếu chính sách thông thoáng hơn, bộ máy chính quyền tận tâm hơn, sự hỗ trợ doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Nhưng đó là cái giá phải trả cho quá trình phát triển. Khi đã nhận thức được rồi, việc tiếp theo là phải đột phá. Chính giai đoạn khó khăn vừa qua dạy cho chúng ta rất nhiều bài học.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận tình hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu có cải thiện. Nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi (trước thuế) đã tăng từ mức 29,7% vào quý I lên 32,9% vào quý II.
Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang dần được khôi phục. Báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy dự cảm của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và tốt hơn hẳn so với năm 2013.
18 doanh nhân vinh dự được nhận giải thưởng: EY- |
Thích ứng để thay đổi
- Ông kỳ vọng gì về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân thời gian tới?
- Nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước chưa dễ khắc phục ngay. Trong hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ở nhiều mặt như khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp chưa cao, vẫn còn khoảng cách khá xa về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt với cộng đồng kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu hơn thông qua đàm phán những hiệp định thương mại có yêu cầu rất cao, như TPP, Việt Nam - EU…
Những điều đó mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức. Với sân chơi rộng, điều kiện ngặt nghèo và cơ hội lớn hơn cần có sự đồng hành của Chính phủ và doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tôi tin trong điều kiện Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các biện pháp đổi mới thể chế, chúng ta sẽ tận dụng có hiệu quả cơ hội hội nhập mở ra lần này. Theo đó, chúng ta thu hút FDI không chỉ ở khâu lắp ráp mà còn ở khâu sản xuất linh kiện phụ tùng - công nghiệp hỗ trợ, vừa đáp ứng yêu cầu xuất xứ vừa đảm bảo lợi ích nền kinh tế.
Đã hội nhập phải cạnh tranh. Tôi kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức mà họ đã từng vượt qua để nắm lấy cơ hội. Bởi người Việt Nam rất giỏi trong việc thay đổi thích ứng với hoàn cảnh để tồn tại, phát triển. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, chính sự sàng lọc trong thời gian qua đã tạo nên một thế hệ doanh nhân có sức cạnh tranh hơn.
Đồng hành trong quá trình đó, VCCI, hiệp hội và doanh nghiệp sẽ cùng nỗ lực tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển thương hiệu. Phát triển rộng khắp doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời có biện pháp thiết thực hỗ trợ xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu lớn.
Từ đó, bảo đảm khả năng tự chủ của nền kinh tế, đưa sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đạt mức tiên tiến trong các nước ASEAN, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông.