Phóng viên có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, về việc làm thế nào để tạo môi trường tốt cho DN.
5 rào cản lớn
* PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về việc số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây?
* Luật sư PHẠM NGỌC HƯNG: Đúng là trong những năm gần đây số lượng DN thành lập mới tăng mạnh. Cụ thể, năm 2019, cả nước có 138.100 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đạt 1.730 ngàn tỷ đồng.
Còn trong năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng cả nước có gần 135.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2.235 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy sự hấp dẫn trong môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc số lượng DN thành lập mới, nhất là DN nội, không đồng nghĩa môi trường đầu tư tốt và đem lại hiệu quả phát triển cho nền kinh tế. Bởi các DN có vốn điều lệ thành lập lớn nhưng không hẳn có số vốn đưa vào hoạt động cao.
Mặt khác, thành lập mới nhưng sự tồn tại dài hơi mới thể hiện chất lượng hoạt động của DN. Cũng trong năm 2020, cả nước ghi nhận có hơn 100.000 DN rời bỏ thị trường. Do vậy, việc vẫn còn quá nhiều DN rời bỏ thị trường chứng tỏ môi trường kinh doanh đối với DN còn nhiều “hạt sạn” cần phải tiếp tục loại bỏ.
* Theo ông, các DN tư nhân đang gặp phải rào cản lớn nào?
* Tôi có thể tóm gọn trong 5 rào cản lớn nhất trong môi trường đầu tư mà DN gặp phải. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến DN trong nước mãi không chịu “lớn”. Một là, 90% số DN trong nước là DN nhỏ và vừa nên nội lực vốn, công nghệ sản xuất còn yếu. Hai là, DN tư nhân không có đủ năng lực quản trị, bộ phận pháp lý và tài chính đủ để ứng phó với các vụ việc tranh chấp thương mại tại thị trường xuất khẩu.
Điều này vô hình trung đã giữ chân DN trong “ao nhà”, bất chấp các hiệp định thương mại đang tạo nhiều cơ hội phát triển cho DN. Ba là, DN tư nhân đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể, giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước và DN tư nhân trong nước với DN tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài. Sự bất bình đẳng này thể hiện khá rõ nét trong các cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế, phí.
Đặc biệt là tiếp cận hỗ trợ liên quan đến nguồn đất đai đầu tư. DN tư nhân cũng thiếu các cơ hội tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra của hệ thống cơ quan chức năng còn khá nhũng nhiễu.
Hiện nay, dù Chính phủ đã có quy định về tần suất kiểm tra và quy chế phối hợp liên ngành kiểm tra nhưng tại nhiều địa phương việc kiểm tra còn dày đặc, gây phiền hà và gây gián đoạn hoạt động sản xuất của DN. Thậm chí có DN tư nhân trong nước phải tiếp hơn 20 đoàn thanh tra, kiểm tra/năm từ các bộ ngành.
Trong khi đó, tần suất kiểm tra ở các DN nhà nước hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2 lần/năm. Không những vậy, cùng một quy định nhưng mỗi địa phương hiểu và thực thi một cách khác nhau, gây khó cho hoạt động DN. Năm là, quy định kiểm tra chuyên ngành. Tuy từ năm 2019 đến nay, sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhiều bộ ngành phải cắt giảm quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng việc triển khai tại các bộ ngành còn rất chậm.
Thậm chí có một số bộ ngành còn ban hành thêm nhiều quy định mới gây khó khăn hơn cho DN. Khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho thấy, nhiều bộ ngành báo cáo với Chính phủ đã cắt giảm 50% thủ tục và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng thực chất chỉ thay đổi cách thức kiểm tra từ trước thông quan, sang kiểm tra sau thông quan ở kho của DN.
Điều này còn dẫn đến hệ quả việc thực thi công vụ của các cơ quan chức năng trở nên thiếu minh bạch hơn. Chưa kể, nhiều cơ quan, bộ ngành còn ban hành thêm quy định cũng như tăng thêm đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, gây khó khăn chồng chất cho DN.
Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin an toàn
* Vậy với ông, để khắc phục, dỡ bỏ những rào cản trên cần phải có những giải pháp mạnh tay nào?
* Theo tôi, Chính phủ cần tạo môi trường đầu tư an toàn đủ để DN được nói thật và làm thật. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự không dễ.
Hiện DN tư nhân trong nước đang chịu nhiều nhũng nhiễu từ cơ quan chức năng nhưng lại không thể nói, không dám nói vì “đấu tranh thì tránh đâu”. Họ còn bị chèn ép nhiều hơn khi công khai lên án những tiêu cực của các cơ quan chức năng. Nhiều DN chọn cách nói thông qua hiệp hội, nhưng những phản ánh này chỉ mang tính chất chung chung nên kết quả giải quyết không cao.
Về vấn đề làm thật, có nghĩa là môi trường đầu tư phải đủ tốt, đủ bình đẳng, đủ hỗ trợ để DN có cơ hội nâng cao nội lực sản xuất, chuyển đổi công nghệ, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.
* Làm sao để DN có thể mạnh dạn tố cáo các hành vi sai trái từ cán bộ biến chất của cơ quan công quyền?
* Chính phủ cần tạo kênh tiếp nhận an toàn, làm chỗ dựa để DN phản ánh những bất cập của cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi công vụ. Đồng thời phải xử lý nghiêm, kết hợp minh bạch kết quả xử lý cơ quan chức năng, cán bộ, công chức làm sai, làm cơ sở răn đe những cán bộ, công chức khác đang làm việc trong hệ thống công quyền.
Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả của việc thực thi chính sách, công vụ của các cơ quan chức năng, địa phương, công tác cải cách hành chính, chính sách thuế, ưu đãi đầu tư... Trong đó, tập trung hậu kiểm hiệu quả thực thi 2 vấn đề là giảm quy định kiểm tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra tại DN.
Trường hợp các cơ quan chức năng và địa phương vẫn lạm quyền, gây nhũng nhiễu cho hoạt động của DN thì có chế tài nghiêm khắc. Có như vậy mới từng bước thúc đẩy hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, gia tăng tỷ lệ đóng góp bền vững vào GDP chung của đất nước.