Sầu riêng ở Đắk Lắk vừa được thị trường Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu bằng đường chính ngạch Ảnh: MAI CƯỜNG
Loay hoay chuyển đổi
Anh Phạm Trí Độ (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 7 sào chuối Nam Mỹ đang cho thu hoạch, nhưng không thu hái mà lên TP Buôn Ma Thuột làm công nhân. Hỏi ra mới biết, nguyên cớ anh bỏ bê vườn chuối vì bị thương lái chê, ép giá, thậm chí không mua hàng. Chở chuối ra chợ bán lẻ để gỡ gạc chút vốn nhưng giá quá thấp, không đủ chi phí đi lại.
“Trước đó trồng cà phê nhưng năng suất thấp, cây già cỗi, nhiều năm liền giá xuống thấp, nên năm 2019, gia đình tôi nhổ bỏ để chuyển sang trồng chanh dây. Ngặt nỗi giá chanh dây cũng rớt thê thảm nên lại vay vốn chuyển sang trồng chuối Nam Mỹ. Giờ chuối cũng thất bại, nợ nần chồng chất, tôi đi làm công nhân kiếm tiền nuôi vợ con qua ngày”, anh Độ than thở.
Không riêng gia đình anh Độ, tại Đắk Lắk, nhiều nông dân cũng đang khốn đốn vì nông sản không bán được. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh không ổn định, bị rớt giá, bị ép giá…
Tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, đầu ra cho nông sản là vấn đề khó của địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, diện tích gieo trồng trên địa bàn khoảng 36.000ha, trong đó các cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su chiếm hơn 20.000ha.
Những năm qua, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, cộng với sâu bệnh hại trên cây trồng đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân. Bên cạnh đó, khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp là đầu ra, bởi trên địa bàn có rất ít doanh nghiệp liên kết với nông dân để thu mua.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, theo đánh giá, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được thì sản xuất nông nghiệp nơi đây cũng còn những hạn chế như manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững. Nông sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Làm sao để giải quyết đầu ra cho nông sản, giúp nông nghiệp phát triển bền vững, là bài toán đang cần lời giải của các tỉnh Tây Nguyên. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Ngọc Giao cho biết, ngành chức năng của huyện đang xây dựng lại bản đồ quy hoạch thổ nhưỡng, vùng trồng cho các loại cây trồng trên địa bàn. Qua đó, sẽ xây dựng các vùng trồng phù hợp để phát triển từng loại cây nông nghiệp. Huyện cũng định hướng người dân tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng về chất lượng để đáp ứng tiêu chí của thị trường.
UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, sẽ tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhóm giải pháp, như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả về số lượng và giá trị.
Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, người dân cần tuân thủ quy hoạch của ngành chức năng, không nên chạy theo thị trường, chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, dẫn đến cung vượt cầu. Ngoài ra, cần phải thay đổi tư duy làm nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi các giống cây trồng. Quá trình trồng, người dân cần phải hướng đến các mô hình sản xuất hữu cơ để nâng chất lượng sản phẩm, liên kết lại theo mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp.
Đối với ngành chức năng, Tiến sĩ Phan Việt Hà đề nghị, cần định hướng thị trường, định hướng sản xuất cho người dân cũng như xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng; khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng; cần mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản ổn định; kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức họp báo về việc tổ chức lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắk lần thứ 1 - năm 2022, sẽ diễn ra từ ngày 1-9 đến 4-9 với các hoạt động: hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững; hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng của huyện Krông Pắk và một số địa phương lân cận; bình chọn “Vườn sầu riêng đẹp - thân thiện môi trường”… --------- Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) thuộc Bộ NN-PTNT, Tây Nguyên dù có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng thời gian qua, nền nông nghiệp của các tỉnh phát triển chưa tương xứng. Người dân vẫn tự ý phát triển diện tích cây trồng không theo khuyến cáo, định hướng của ngành chức năng. Các sản phẩm nông nghiệp chỉ chú trọng vào số lượng, chưa tập trung về chất lượng, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. |