Tìm giải pháp kéo giảm giá xăng dầu trước đà tăng phi mã

(ĐTTCO) - Với mức tăng thêm gần 1.000 đồng/lít chiều 11-10 và là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong một tháng rưỡi qua, giá xăng trong nước đã lên mức cao nhất là 22.879 đồng/lít, cũng là giá cao nhất trong 7 năm qua của nhiên liệu thiết yếu này.
Giá xăng đang ở mức cao nhất trong 7 năm tính từ 2014.
Giá xăng đang ở mức cao nhất trong 7 năm tính từ 2014.

Giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh, nhất là 2 tháng qua, đã tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước. Tính đến đầu giờ sáng 12-10 (giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11-2021 đứng ở mức 80,41 USD/thùng. Nếu so với cùng thời điểm ngày 11-10, giá dầu WTI giao tháng 11-2021 đã giảm nhẹ 0,34 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12-2021 đứng ở mức 83,59 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên nhưng vẫn tăng 0,31 USD/thùng so với ngày 11-10.

Giá dầu Brent đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11-2014, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm rung chuyển thị trường.

Từ mức thấp nhất là 16 USD/thùng vào ngày 22-4-2020, giá dầu Brent đã tăng đều đặn, và hiện đã gần chạm mốc cao nhất của thời điểm khủng hoảng năng lượng năm 2014. Giá dầu thô tăng đã góp phần khiến giá xăng và dầu diesel chạm mức cao nhất mọi thời đại.

Nếu tính từ giữa tháng 8-2021 đến nay, giá dầu đã tăng gần 30%. Saudi Aramco ước tính, tình trạng thiếu khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs dự báo, mức tiêu thụ thậm chí còn tăng cao hơn. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết không có kế hoạch khai thác nguồn dự trữ dầu của quốc gia vào thời điểm này.

Giá các nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên cũng đang tăng vọt ở châu Âu và châu Á, thúc đẩy sự chuyển đổi sang các sản phẩm dầu như dầu diesel và dầu hỏa.

Bên cạnh đó, quyết định vào tuần trước của OPEC+, nhằm bám sát kế hoạch chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 11, đã khiến thị trường dầu càng thắt chặt. Theo các nhà phân tích, giá nhiên liệu đang gần mức cao nhất trung bình là 86 USD/thùng.

Nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng lên dẫn đến giá trong nước tăng mạnh. Trong 15 ngày trước kỳ điều chỉnh tăng giá xăng trong nước chiều 11-10, giá bình quân sản phẩm xăng RON92, dùng để pha chế xăng E5RON92, trên thị trường thế giới bình quân 88,156 USD/thùng, tăng 5,863 USD/thùng, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước.

Tìm giải pháp kéo giảm giá xăng dầu trước đà tăng phi mã ảnh 1 Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới từ 25-9 đến 11-10-2021. Nguồn: PVN
Trong khi đó, xăng RON95 là 90,246 USD/thùng, tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước.

Các loại dầu, gồm dầu diesel 0.05S cũng tăng 8,269 USD/thùng, lên 87,756 USD/thùng. Dầu diesel 0.05S tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước. Dầu hỏa cũng tăng hơn 10,3%, lên 88,052 USD/thùng...

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành chiều ngày 11-10-2021, Quỹ BOG tiếp tục chi mạnh 950 đồng/lít đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa 100-150 đồng/lít, để giữ mức giá tăng thêm dưới 1.000 đồng/lít.  

Nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giữa lúc giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, cơ quan điều hành giá tiếp tục sử dụng công cụ Quỹ BOG ở mức cao, tạo dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công thương – Tài chính chắc cho biết sẽ tính đến phương án tối ưu nhất, để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. 

Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu còn để góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, đồng thời duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý, để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính cho biết, đến hết quý II-2021, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 1.122 tỷ đồng. 

Trong quý II, tổng số sử dụng quỹ là hơn 4.220 tỷ đồng nhưng số trích Quỹ bằng 0. Trước đó, số dư quỹ đến hết quý I-2021 là hơn 5.340 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết tính đến ngày 31-3, trong tổng số 34 thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, có 9 thương nhân có số dư âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Các tin khác