Tìm kiếm, kết nối giao thương

Để chống suy giảm kinh tế, đón sóng đầu tư mới và không ngừng mở thêm thị trường xuất khẩu là những giải pháp đang được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nỗ lực thực hiện.

Để chống suy giảm kinh tế, đón sóng đầu tư mới và không ngừng mở thêm thị trường xuất khẩu là những giải pháp đang được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nỗ lực thực hiện.

Đón sóng đầu tư

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tỷ phú Thái Lan Vikrom Kromadit, người sáng lập Tập đoàn Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Amata Corp của Thái Lan, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam sau khi đã thành công với dự án Khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai.

Rất có thể ông sẽ đầu tư 20 tỷ USD xây dựng một khu đô thị công nghiệp mới tại Việt Nam. Nếu dự án này được tiến hành sẽ hiện đại hơn cả dự án bên Thái Lan. Những phát biểu trên của tỷ phú Vikrom Kromadit càng nhen nhóm hy vọng về làn sóng đầu tư từ Thái Lan vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thống kê, hiện có trên 250 dự án của các nhà đầu tư Thái Lan vào thị trường Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ USD. Thái Lan thuộc nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Trong đó có những cái tên quen thuộc đã có mặt khá lâu tại Việt Nam như: Tập đoàn SCG (chuyên về nhựa, giấy, hóa chất…), Tập đoàn CP (chuyên về nông nghiệp), Tập đoàn Amata (khu công nghiệp)…

Đặc biệt, sau trận lụt lịch sử tại Thái Lan vừa qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Thái Lan đang tính đến chuyện chuyển nhà máy, dự án đầu tư mới qua Việt Nam. Bởi trong khối ASEAN, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn hơn một số nước khác.

Khởi động cho năm 2012, Công ty Berli Jucker Public Company (BJC) của Thái Lan cho biết đang xây dựng 2 nhà máy tại Việt Nam. Tháng 2 vừa qua, Nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh OI-BJC Việt Nam, trong đó BJC góp 35% trong tổng vốn đầu tư hơn 47 triệu USD, đã đi vào hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, BJC còn có nhà máy lon nhôm liên doanh với một đối tác của Hoa Kỳ đang trong giai đoạn lắp đặt, chạy thử, dự kiến đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore trong tháng 5 tới.

Tương tự, sau nhà máy đầu tiên đặt tại Kiên Giang, Royal Foods - tập đoàn sản xuất thực phẩm và trái cây đóng hộp hàng đầu Thái Lan, cũng đã quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam với kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai trị giá 600 triệu baht (khoảng hơn 400 tỷ đồng).

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhằm giảm bớt rủi ro và tìm kiếm những cơ hội mới, các nhà đầu tư Thái Lan đang có sự chuyển dịch thường xuyên ra nước ngoài. Trong thời điểm này, với những lợi thế riêng, như nhân công giá rẻ và một thị trường tiêu thụ tiềm năng…

Việt Nam đang trở thành đích đến không thể bỏ qua. Ông Nguyễn Thành Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan, chia sẻ: “Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam trong mấy năm tới sẽ tăng mạnh. Dòng đầu tư đó đang được sự ủng hộ của các ngân hàng Thái Lan thông qua việc các ngân hàng này cũng đang có kế hoạch vào Việt Nam”.

Tuy xa mà gần

Từ đầu năm 2010 khi một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp khó, các doanh nghiệp bắt đầu tính đến phương án tìm kiếm các thị trường mới. Một trong số các thị trường được đánh giá an toàn và có tiềm năng là Chile. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, cho hay: “Khi làm ăn với Chile khâu thanh toán được đảm bảo và thủ tục lại đơn giản.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu qua Chile. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu qua Chile. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng với đó, Chile còn là điểm tựa lý tưởng cho Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang các nước Mỹ Latin khác”. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Chile như giày dép, quần áo (chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy và phụ tùng, thủy sản, cà phê, hàng tiêu dùng…

Phía Chile đánh giá Việt Nam là một trong những nhà sản xuất hàng đầu của giày dép, dệt may, gạo và cà phê trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay kim ngạch xuất khẩu phát triển chưa tương xứng do nhiều doanh nghiệp còn dè dặt khi tiếp cận thị trường này.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là khoảng cách địa lý xa xôi, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng cao (khoảng 6%) khiến hàng Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiên, những lo lắng này của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phần nào được giải tỏa khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 2 nước có hiệu lực.

Trước đó, FTA đã được Chile và Việt Nam ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii, Hoa Kỳ vào tháng 11-2011. Nếu không có gì thay đổi, trong khoảng từ nay đến tháng 6-2012, FTA sẽ chính thức có hiệu lực. Nếu điều này thành hiện thực, 2 nước sẽ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng.

Cụ thể, Chile cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 99,62% dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2007) trong thời gian 10 năm.

Trong đó, 83,54% dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục loại trừ của Chile có 29 dòng thuế, trong đó Việt Nam không xuất khẩu qua Chile các mặt hàng này. Như vậy, Chile mới nghe thì xa nhưng sau FTA lại hóa gần với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các tin khác