Tuy nhiên, câu chuyện bao giờ dòng tín dụng được khơi thông vẫn khó dự đoán khi cung cầu vẫn lệch pha.
Tìm cách rã băng tín dụng
Công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, tín dụng đã thoát tăng trưởng âm. Tháng 3, tín dụng tăng 0,98%, mức tăng này đã kéo lại tăng trưởng dương cho cả quý I. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 25-3, tăng trưởng tín dụng tăng 0,26% so với cuối năm 2023, đạt 13,6 triệu tỷ đồng. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).
Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu so với mức tăng trưởng 2,06% của cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng quý I năm nay vẫn rất yếu. Trong bối cảnh đó, các nhà băng đang phải dẫn dắt nhu cầu tín dụng bằng hàng loạt gói vay lãi suất ưu đãi.
Đơn cử, Agribank đang dành 65.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN lớn, tập đoàn/tổng công ty và các DN đầu tư dự án thuộc 6 ngành trọng điểm, lĩnh vực xanh; 80.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, và gói 8.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
VietinBank có gói 300.000 tỷ đồng, lãi suất thấp nhất 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. BIDV cũng có gói tín dụng với mức lãi suất cho vay đối với cá nhân thấp nhất 4,3%/năm, và đối với DN chỉ từ 4,8%/năm.
Ở khối tư nhân, các nhà băng cũng đồng loạt tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất, quy mô các gói thấp nhất từ 5.000 tỷ đồng, cao nhất khoảng 50.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, tuy được cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay đầu năm, nhưng môi trường kinh doanh không thuận lợi như mong đợi, lực cầu tín dụng yếu trong nền kinh tế khiến các NH phải đua nhau hành động, cụ thể giảm lãi suất thu hút nhu cầu vay.
Sau hàng loạt biện pháp, hiện đã có nhiều góc nhìn lạc quan về sự hồi phục của tín dụng. Lãnh đạo các NHTM cho biết, dư nợ tín dụng có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm và sẽ tăng trở lại vào các tháng sau đó. Nhóm DN sẽ dẫn dắt tín dụng ít nhất đến hết quý II-2024, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng trước khi tiêu dùng bán lẻ phục hồi và thúc đẩy mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành.
Thời điểm hiện tại, cũng có những tín hiệu hỗ trợ củng cố niềm tin này, như tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Mức tăng trưởng này được xem là tiền đề của việc các đơn hàng sẽ quay lại trong những tháng tiếp theo.
Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích thị trường, lĩnh vực bất động sản đang có những dấu hiệu ấm dần trở lại khi giá chung cư tại một số khu vực thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM tăng so với quý trước. Mặt khác, việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại có thể sẽ kích thích hoạt động đầu tư máy móc thiết bị, đẩy mạnh sản xuất gia tăng trữ lượng hàng tồn kho cho các tháng cuối năm. Đó là cơ hội để tăng trưởng tín dụng cải thiện trong vòng 6 tháng tới.
Cho đến thời điểm này, ngành NH chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế, và một trong những động lực tăng trưởng của ngành chính là tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Vì vậy, dự báo nếu tăng trưởng GDP năm 2024 quay về mức 6%, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ đạt ít nhất 13-14%.
Nhưng cung cầu vẫn lệch
Dẫu vậy, động thái từ phía Chính phủ vẫn cho thấy sự sốt ruột trong vấn đề tín dụng và lãi suất. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 3-4, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu ngành NH có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Bởi thực tế, NH ồ ạt giảm lãi suất cho vay nhưng DN lại vẫn chưa bắt được nguồn tín dụng rẻ này. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mức lãi suất vay trung bình hiện nay của các DN trong tập đoàn khoảng 7%/năm với DN tốt và khoảng 9% đối với các DN còn lại.
Năm 2023, tổng dư nợ của Vinatex giảm 11%, nhưng lãi phải trả cho NH tăng 10%. Dựa trên các hợp đồng tín dụng tập đoàn đang có của tháng 1 và 2-2024, cũng chưa cho thấy tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023.
Khả năng vốn tín dụng hỗ trợ dòng tiền cho DN bất động sản đáo hạn trái phiếu có thể sẽ diễn ra. Song nếu hỗ trợ quá nhiều, sẽ trở lại câu chuyện dòng tiền chạy lòng vòng nhưng không tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng nêu thực trạng, lãi suất của NH đã giảm tương đối, nhưng nhiều DN vẫn chưa được hưởng đúng lãi suất công bố vì có nhiều loại phí liên quan tới đó. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều DN nhóm này không tiếp cận được vốn NH.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam bình luận, các NH cũng đang đỏ mắt tìm khách hàng. Những khách hàng tốt nếu có nhu cầu đều rất dễ tiếp cận vốn với lãi suất vô cùng thấp. Nhưng cũng có những DN có nhu cầu vốn, NH lại không dám cho vay và nếu lãi suất giảm sâu hơn những DN này cũng không thể vay, vì không thể đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
Trong toàn cảnh nhiều mâu thuẫn như vậy, giới chuyên gia ước đoán, tốc độ tăng trưởng tín dụng hồi phục nhưng vẫn sẽ chậm. Có thể phải chờ đến tháng 6-2024, đà giảm của lãi suất huy động mới tác động rõ rệt lên lãi suất cho vay, đà hồi phục chung của nền kinh tế đủ độ chín để giúp DN củng cố sức khỏe, mới có thể kéo tín dụng đi lên nhanh hơn.
Trở lại hiện tại trong mảng tín dụng vừa qua cũng được lưu ý. Cụ thể 2 tháng đầu năm nay, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023, mức giảm diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế như ngành nông nghiệp giảm 0,17%, công nghiệp xây dựng giảm 0,13%, thương mại dịch vụ giảm 0,91%, cho vay phục vụ tiêu dùng giảm 1,77%.
Tuy nhiên, có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm gồm tín dụng bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023, và tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng rất mạnh 2,56% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đây lại là 2 trong số các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.