Tín dụng tăng có gây bất ổn vĩ mô?

(ĐTTCO) - Tín dụng 6 tháng dự kiến tăng 5,5-6% cho thấy đà tăng trưởng đã phục hồi. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, tín dụng tăng tốc lại đặt ra vấn đề dòng tiền từ các NHTM có đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo bong bóng hay không.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đầu năm 2021, NHNN xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng (TTTD) và hướng tới kịch bản TTTD ở mức khoảng 12%. Theo đó, NHNN cấp hạn mức (room) tín dụng 10,5% cho Vietcombank; Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room tín dụng 6,5-7,5%; các NHTMCP room tín dụng 8-12%.
Theo số liệu NHNN vừa công bố, tính đến 15-6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Dự kiến đến cuối tháng 6, TTTD có thể đạt khoảng 5,5-6%. Diễn biến này cho thấy tín dụng đang tăng tốc trở lại sau khi trải qua thời kỳ ảm đạm trong năm 2020. 
Thực tế, do đã dự báo trước điều này, khi NHNN cấp room tín dụng ở mức thấp hơn kế hoạch, nhiều NH đã đặt mục tiêu tín dụng cao hơn gấp 2-3 hạn mức được giao so với TTTD toàn hệ thống.
Thông điệp này được thị trường hiểu rằng nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục có đợt nới room cho các NH sớm dùng hết hạn mức như những năm trước đây. Vì thế, chưa đầy 6 tháng, nhiều nguồn tin cho biết đã có khoảng 10 NHTM sử dụng hết hạn mức, gửi đề nghị nới room tín dụng và NHNN đang xem xét nới hạn mức cho các NH này.
Tín dụng tăng trưởng tốt là điều đáng mừng, song chỉ đáng mừng nếu dòng tiền này đi vào sản xuất kinh doanh. Còn hiện nay tín dụng tăng mạnh lại đang song hành cùng nhiều lo ngại về đường đi của dòng tiền này, khi thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh và nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất.
Với vấn đề được đặt ra, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, cho biết thị trường tiền tệ, bất động sản (BĐS), TTCK luôn thông nhau và việc dòng tiền dịch chuyển trong 3 thị trường này là điều bình thường.
Mục tiêu của cơ quan quản lý là tạo điều kiện cho cả 3 thị trường phát triển, nhưng phải điều hướng dòng tiền để đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo bong bóng. 
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia tài chính cho biết, khó có thể tin rằng phần lớn tín dụng đổ vào sản xuất kinh doanh. Thứ nhất, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước đang bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
Các DN còn khả năng vay sẽ không đổ xô vay vốn khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, bị đình trệ. Những DN yếu kém, mất thanh khoản rất cần tiền, trong khi các NH đã có bài học nợ xấu trước đây khi cho vay mạnh tay, nên sẽ không nới lỏng cấp vốn. Trong bối cảnh đó, rất có thể TTTD cao do dòng tiền đi vào BĐS và CK. 
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ cho vay CK rất thấp nhưng đó là con số ảo. Trên thực tế, có nhiều trường hợp khách hàng vay tiền với mục đích tiêu dùng, mua nhà nhưng tiền đó lại dùng để đầu tư CK. NHNN đã nhìn thấy bình thông nhau giữa thị trường tiền tệ, BĐS và CK. Với bình thông nhau đó, một khách hàng có thể vay tiền NH mua BĐS.
Khi đã có BĐS, khách hàng đó lại thế chấp để vay tiền đầu tư vào CK và ngược lại. Vì CK và BĐS là 2 tài sản có giá trị thế chấp rất lớn nên rất nhiều khách hàng dùng sự liên kết đó để thế chấp vay đi vay lại. Từ đó, họ có thể đổ tiền vào cả 2 thị trường một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có vẻ các NH không quan tâm điều đó. Chỉ cần khách hàng có tài sản thế chấp, NH sẽ cho vay bất kể đầu tư vào đâu. Vì vậy, con số thực dòng tín dụng NH vào CK và BĐS sẽ rất lớn. NHNN không nên nhìn trên con số cho vay kinh doanh CK và BĐS trên tổng dư nợ, mà cần nhìn vào diễn biến thực tế để có biện pháp kiểm soát. NHNN đưa ra những quy định để hạn chế TTTD vào các lĩnh vực BĐS và CK.
Thế nhưng cái van thực tế để hạn chế là các NH. Các NH phải có chính sách phù hợp để chặn đứng việc cho vay quá tay ở 2 lĩnh vực đó. Cần phải đặc biệt kiểm soát tránh tình trạng khách hàng dùng tài sản của họ để vay đi vay lại trên thị trường tài chính, tức tạo ra hiện tượng đòn bẩy và đẩy bong bóng ở 2 thị trường đó lên. 

Các tin khác