Bên cạnh đó, trong triển khai chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, quý 4-2017 ở mức 230.882 tỷ đồng và giảm nhẹ xuống mức 226.108 tỷ đồng vào quý 1-2018 nhưng đã tăng trở lại trong quý 2 và quý 3-2018 lên các mức tương ứng là 247.681 tỷ đồng và 291.219 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, hiện mới có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, OCB, Kien Long Bank, PVCombank… Bên cạnh đó, có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các ngân hàng được cấp phép hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered... và một số ngân hàng cổ phần trong nước như Sacombank, Techcombank, VietinBank.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến thời điểm cuối năm 2017 ở mức hơn 471.000 tỷ đồng cho thấy, tín dụng xanh vẫn còn khiêm tốn.
Một số ngân hàng thương mại cho biết, khó khăn về nguồn vốn cho lĩnh vực này là do việc đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn nhất dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.