Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN; hoàn thiện quy định liên quan đến định các khoản được trừ và không được trừ, điều chỉnh thuế suất thuế TNDN đối với một số nhóm đối tượng phù hợp với bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế TNDN.
Chia sẻ với Báo ĐTTC, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra định hướng sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng tăng cường ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nhiều DN đánh giá là tín hiệu tích cực và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại.

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) bổ sung quy định cho phép DN khấu trừ thuế TNDN đối với chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D); chuyển đổi số và các khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (kể cả khi tài trợ cho bên có quan hệ liên kết). Đồng thời, mở rộng phạm vi được hưởng ưu đãi thuế theo hình thức chi, khấu trừ thực tế, tạo động lực tài chính rõ ràng cho các DN đầu tư công nghệ.
“DN đánh giá cao nỗ lực sửa đổi luật nhằm tăng khả năng tiếp cận ưu đãi thực chất và hỗ trợ DN Việt vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua đầu tư vào công nghệ và sáng tạo. Đại diện nhiều doanh nghiệp công nghệ, sản xuất cũng ghi nhận, nếu được triển khai minh bạch, cơ chế ưu đãi thuế mới có thể trở thành bệ đỡ chiến lược cho sự phát triển dài hạn”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng DN và giới chuyên gia sẽ là yếu tố then chốt để hoàn thiện dự thảo, góp phần xây dựng hệ thống thuế hiện đại, minh bạch và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra định hướng sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng tăng cường ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nhiều DN đánh giá là tín hiệu tích cực và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại.
Đa số DN, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, sản xuất chế biến - chế tạo, dịch vụ tài chính và logistics, đều cho rằng đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn để duy trì năng lực cạnh tranh, thích ứng với biến động của thị trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào R&D, công nghệ, phần mềm quản trị, đào tạo nhân lực... rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao.
Do vậy, các chính sách ưu đãi thuế cụ thể, có hiệu lực tức thời, như khấu trừ chi phí, giảm thuế suất cho phần thu nhập từ đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy thiết thực để DN mạnh dạn đầu tư.
Với nhóm DN nhỏ và vừa, các ưu đãi mới sẽ giúp giảm áp lực chi phí khi triển khai hệ thống ERP, CRM, AI, blockchain,... và tăng khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại; thúc đẩy nội địa hóa sáng tạo, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu.
Một số DN lớn, có hoạt động R&D bài bản, cũng kỳ vọng rằng việc mở rộng đối tượng và phạm vi chi phí được ưu đãi (như tài trợ R&D, hợp tác với startup, đầu tư quỹ sáng tạo nội bộ) sẽ phản ánh đúng thực tế sản xuất - kinh doanh hiện nay. Cùng đó, giúp Việt Nam tăng sức hút đầu tư FDI chất lượng cao vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp 4.0.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) thực sự tạo ra ưu đãi rõ ràng, thiết thực và có tính ổn định lâu dài cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực này.
Đổi mới sáng tạo, bao gồm R&D, ứng dụng công nghệ mới, AI, dữ liệu lớn (big data), năng lượng tái tạo và chuyển đổi số đã và đang là trụ cột chiến lược trong mô hình tăng trưởng của DN hiện đại. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho những hoạt động này rất lớn, lại tiềm ẩn rủi ro thương mại, nên nhiều DN chỉ dừng lại ở mức "thăm dò".
“Do đó, chính sách thuế nếu thực sự tạo ra “lợi ích hữu hình”, ví dụ như cho phép khấu trừ 150-200% chi phí R&D; miễn thuế TNDN với phần thu nhập tạo ra từ sáng chế, sản phẩm đổi mới hay hỗ trợ hoàn thuế nhanh hoặc ưu đãi thuế suất thấp hơn với DN công nghệ thì sẽ giải tỏa được tâm lý e ngại, khuyến khích DN đầu tư mạnh cho các lĩnh vực R&D, chuyển đổi số, ứng dụng AI, công nghệ xanh”, ông Tuấn phân tích.
“Dự thảo luật cũng cần ban hành danh mục chi tiết các loại chi phí được tính là “chi phí đổi mới sáng tạo” được khấu trừ hoặc ưu đãi thuế. Ví dụ như lương nhân sự R&D; chi phí thuê ngoài nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền công nghệ, bằng sáng chế; thiết bị chuyên dùng cho đổi mới kỹ thuật; chi phí đào tạo nhân lực công nghệ cao”, ông Tuấn khuyến nghị.