Cụ thể, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về vấn đề này theo hướng dẫn chiếu đến Luật Đất đai.
Đồng thời, chỉnh lý tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một số nội dung đáng lưu ý: không quy định về hình thức mượn đất, vì đây là quan hệ dân sự sẽ do Bộ luật Dân sự điều chỉnh; bổ sung tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hình thức thuê đất để thống nhất với chính sách do dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất.
Về thế chấp nhà ở, Luật Nhà ở, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép chủ sở hữu nhà ở là tổ chức được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng Việt Nam, nếu thế chấp nhà ở, quyền sử dụng đất cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không xử lý được quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu vì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Do đó, điều 181 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng: chủ sở hữu nhà ở là tổ chức chỉ được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Quốc hội cho sửa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng: đối với việc thế chấp tài sản gắn liền với đất là nhà ở trong Luật Đất đai cần dẫn chiếu thực hiện theo Luật Nhà ở.
Để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, bỏ thủ tục công nhận chủ đầu tư trong Luật Nhà ở để thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư; đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp đối với trường hợp này. Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, lược bỏ nội dung “các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”, vì Luật Đầu tư không quy định đây là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…