Cuộc thi phóng sự - ký sự của báo SGGP - ĐTTC với chủ đề “Doanh nhân – Bản lĩnh và cống hiến” đã khép lại, 20 bài viết được đưa vào chung khảo, các thứ hạng được xét tặng, các tác giả được vinh danh. Nhưng đằng sau đó còn có bóng dáng lớn hơn, chính là nhân vật các bài viết. Chính do tấm gương của họ, tài năng đức độ của họ, nghị lực và những sáng kiến táo bạo của họ đã làm cho bài viết tỏa sáng, người đọc ngưỡng mộ.
Những điển hình thuyết phục
Một thời gian dài có một quan niệm ấu trĩ về sự giàu nghèo, nghèo khó mới là thanh bạch, giàu có gắn liền với sự bóc lột, từ đó xã hội có cái nhìn không mấy thân thiện đối với người giàu, doanh nhân ăn nên làm ra. Từ ngày xã hội đổi mới, chủ trương mở cửa làm ăn dân giàu nước mạnh, mọi chuyện đã đổi khác. Chuyện về Tổng giám đốc SMC Nguyễn Ngọc Anh là một trường hợp điển hình thời mở cửa đầy khó khăn đó. Chủ trương đã có, nhưng không dễ gì thay đổi thói quen, đầu óc trong những năm dài thời bao cấp. Hãy nghe anh kể, nào “lo và buồn nhứt khi mình có những tư duy, suy nghĩ về việc làm nhưng các xếp không cho”, nào “nhiều khi thấy lô hàng đó, tôi áp sát, tiếp cận nhưng không có tiền để mua”. Đó là “chuyện của một thời”, giờ đây chưa hẳn đã hết, nhưng chúng ta đã có một bước tiến dài. Và chính người bộ đội xuất ngũ ấy, là một người lính, đã làm việc với tinh thần “chiến đấu”, để từ một người kế toán ở quận trở thành một tổng giám đốc vẻ vang.
Dương Ngọc Minh, người nổi tiếng phá bỏ những định kiến, Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương với đặc sản con cá tra vang danh trên thương trường thế giới có một nghị lực đặc biệt. Không thể tưởng tượng được đó là người thanh niên xung phong nuôi tôm ở huyện Cần Giờ heo hút ngày xưa, sau bao phen “chìm nổi”, giờ là người đứng đầu doanh nghiệp, sau 8 năm hoạt động đã đưa số lao động từ 300 lên 12.000, tổng doanh thu trên 800 triệu USD. Và cũng không thể tưởng tượng được, cái sự “chìm nổi” ấy là có lúc anh phải lâm vào cảnh tù tội, do công ty vỡ nợ. Rồi ra tù, xây dựng lại từ hai bàn tay trắng, vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường.
Trong các bài viết có hình ảnh “ông chủ bụi” lúc nào cũng áo thun cộc tay, giày bảo hộ lao động, chiếc điện thoại “đời cô lựu”, lại là người đứng đầu công trình nhà máy lọc-hóa dầu trị giá 3 tỷ USD. Đó là Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Giang, người lúc nào cũng tất bật, “ngầu”, “bụi”, “hầm hố” - những từ công nhân đặt cho anh một cách thương yêu. Khi được hỏi “Sao lúc nào anh cũng xài đồ cũ vậy?", anh đáp: “Không, tôi còn có cái mới, đó là cách nghĩ, phương pháp xử lý công việc”. Đúng, và đó là mấu chốt trong cung cách làm ăn thời hiện đại.
Có một doanh nhân có câu nói thật đặc biệt, và cũng có thể nói là đặc sắc: “Phấn đấu trở thành người bình thường”. Bởi đó là câu nói của một ông chủ ngân hàng lớn, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, một dạo nổi đình đám trong giới ngân hàng cũng như trên báo chí. Và quả tình đọc bài viết, nhiều chuyện khiến ta gợi nhớ đến câu nói ấy, ví như chuyện “tín dụng bò” của anh, gắn công việc của ngành ngân hàng với người nông dân. Để thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, doanh nhân cần phải là bạn đồng hành của những người lao động. Cùng ngành ngân hàng, TS. Phạm Huy Hùng tỏa sáng theo kiểu khác. Bao giờ cũng vậy, sự thành đạt luôn đi cùng hai yếu tố: phát huy cái đúng và hạn chế cái sai, cái rủi ro. Với ngành ngân hàng, anh đã có nhận định vô cùng sáng suốt: “Rủi ro trong hoạt ngân hàng là rủi ro của tất cả các loại rủi ro”. Bao nhiêu chuyện đổ vỡ đều từ chuyện quản trị bị buông lỏng. Vấn đề này, đến nay vẫn là chuyện thời sự trong nền kinh tế. Từ đó anh có chủ trương đúng đắn là đi chậm mà chắc, cố hết sức tránh rủi ro.
Nội lực thâm hậu, tình người sâu lắng
Xã hội mở cửa, chủ trương hướng ngoại là tất nhiên, nhưng nhiều khi không khỏi đi quá đà, lâm vô tình trạng “lợi trong thì ít lợi ngoài thì nhiều”. Phương châm của Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhiệt điện An Khánh, hết sức đúng đắn khi luôn quan tâm, dành một niềm tin trọn vẹn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thành công trong thương vụ M&A, dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo chứng tỏ “Niềm tin Việt” của ông. Ông nói: “Người Việt Nam hoàn toàn có thể ở vị trí các ông chủ, thuê chuyên gia nước ngoài làm việc, mang lại lợi ích cho ta”. Phải có niềm tin lớn lắm mới nói được như vậy.
![]() |
Quang cảnh Lễ Tổng kết cuộc thi PS-KS "DOANH NHÂN - BẢN LĨNH VÀ CỐNG HIẾN". |
Không ít doanh nhân nữ tỏa sáng trong các bài viết vào chung khảo cuộc thi. Đối với bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, không cần phải giới thiệu nhiều vì là người vừa được tạp chí Forbes bầu chọn nằm trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhứt châu Á, doanh thu năm 2011 lên trên 1 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng. Và một nữ doanh nhân khác, Anh hùng Lao động Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang. “Nữ tướng Tây Đô” này năm 1968 mới 18 tuổi đã từ thành phố Cần Thơ vượt qua bom đạn vào vùng cách mạng tham gia ngành y tế Tây Nam bộ. Đó là cái gốc cho mọi chuyện sau này: Từng chịu đựng gian khổ, bà biết yêu thương người lao động, tổ chức việc hiến máu, cưu mang con em người lao động bị tai nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ, tổ chức đoàn bác sĩ tình nguyện đi về vùng sâu vùng xa. Bác sĩ là mẹ hiền, công ty dược không chỉ có bán thuốc.
Trường hợp Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, thật vô cùng đặc biệt. Hỏi sao ông về Việt Nam, ông đáp thật đơn giản: “Bởi vì tôi là người Việt Nam, quê tôi ở đây, làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh”. Đơn giản, nhưng không dễ với nhiều người khác. Và mọi chuyện cũng từ cái gốc của nó. Cậu học trò nghèo phải vất vả mưu sinh từ nhỏ, học giỏi ở Trà Vinh, thi đậu vào Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ - Sài Gòn (Đại học Bách khoa TPHCM ngày nay), đi nước ngoài làm phụ bếp, rửa chén, bồi bàn… vừa học vừa làm, được học bổng, ra làm việc trở thành nhà sáng chế, công nghệ in CTP sử dụng tia laser được ứng dụng rộng rãi trong in offset hiện đại. Ngày 1-1-2006, Tập đoàn Mỹ Lan ra đời với vốn đầu tư 10 triệu USD chuyên về công nghệ ngành in, hóa chất, quang điện tử được khánh thành tại khu công nghiệp Long Đức - Trà Vinh, đánh dấu một bước tiến trong ngành in Việt Nam.
Trường hợp Georges Guigon có thể viết thành một thiên truyện dài. Ông có một nửa dòng máu Việt, cha làm ở Công ty Lục lộ Đông Dương. Năm 1943 cha ông mãn nhiệm kỳ, đưa 9 đứa con về Pháp, chiến sự và địa lý chia cắt gia đình bên ngoại, kéo dài nửa thế kỷ. Những đêm đông giá buốt ở Lyon ông nhớ hoài về mùa thu Hà Nội, căn nhà ở phố Tràng Thi. Đến năm 1994, không chịu nổi nhớ nhung, ông bỏ tất cả xưởng trang trí nội thất ở Lyon, đặt vé về quê mẹ, đi hoài con phố Tràng Thi không nhìn ra được cái gì hồi xưa. Và rồi gần đến ngày về, tình cờ, như một phép nhiệm mầu, ông tìm ra được người chị Anna, đã đổi tên Việt là Nga, đã là bà nội của những đứa cháu. Máu Việt được nối lại, ông quyết định ở lại Việt Nam, sống lại đoạn đời cuối của tuổi ấu thơ, lập nghiệp tại vùng đất mới cằn khô. Và khu nghỉ mát Le Belhamy ở Hội An ra đời, sau bao thăng trầm giờ đang ăn nên làm ra. Tại đây có căn nhà cổ Nam Định 300 năm tuổi được đặt trang trọng chính giữa khu resort, như một minh chứng cho hoài niệm về một quê hương đất mẹ đầy thương yêu da diết.
Còn nhiều nữa nhưng tôi xin kết thúc bài viết ở đây. Bạn đọc sẽ ngạc nhiên sao tôi không viết về tác giả, như trong các cuộc thi khác, mà chỉ viết về nhân vật. Bởi như tôi đã nói trên, trong trường hợp này, chính các doanh nhân mới là người tỏa sáng. Là một thành viên Ban giám khảo, tôi đã thật khó khi chấm điểm các bài viết, các bài đều hay, mỗi bài mỗi vẻ, nhân vật đều là những người thành đạt, trải qua chặng đường khó khăn gian khổ, xứng đáng được vinh danh. Tôi muốn cả 20 bài viết đều được giải. Xin chúc mừng.
Tôi đặc biệt yêu thích những bài viết về người Việt kiều về nước lập nghiệp, sinh sống. Và yêu thích, mến phục hơn nữa các bài phóng sự về những người nước ngoài quyết định đến Việt Nam làm ăn. Nước ta nghèo, người tha hương trở về, người nước ngoài đến ở chứng tỏ việc đất lành chim đậu, cùng mối thiện tâm vô cùng lớn lao.