Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, TPHCM luôn tìm giải pháp tháo gỡ cho từng vấn đề, từng lĩnh vực. Năm 2011 TPHCM đã đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh và sức năng động của một đàu tàu kinh tế. Có được kết quả này là do lãnh đạo thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù để góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tìm hiểu sản phẩm của Nhà máy Cao su kỹ thuật Một năm bươn chải vượt khó
cao của TCT Công nghiệp Sài Gòn được đưa vào hoạt động năm 2011. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhìn lại năm 2011, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhận định: “Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TPHCM năm 2011 ước đạt 514.635 tỷ đồng, tăng 10,3%. Kết quả này chưa đạt chỉ tiêu GDP của năm 2011 là 12%, do lạm phát cao đã ảnh hưởng đến sức tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, TPHCM vẫn duy trì được tốc độ phát triển công nghiệp và nông nghiệp khá; thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đều có mức tăng trưởng khá.
Cùng với sự phát triển không ngừng về mọi mặt, TPHCM đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đối với một đô thị có gần 10 triệu dân.
Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, quá tải dân số, sức ép về việc làm, những bất cập trong hoạt động y tế, giáo dục... Thêm vào đó, mô hình quản lý đô thị hiện nay chưa tương xứng với sự phát triển của một đô thị hiện đại”.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với nhiều tác động bất lợi, TPHCM đã trải qua một năm đầy khó khăn. Do chính sách hạn chế tín dụng, giảm đầu tư công nhằm giảm tổng cầu nền kinh tế nên nhiều doanh nghiệp gặp rất khó khăn về vốn và thị trường.
Lãi suất vẫn ở mức cao và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô đầu tư. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán nhằm tái cấu trúc tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nên 2 thị trường này rơi vào tình cảnh đóng băng, tụt giảm mạnh.
Trong suốt năm qua, những thách thức, bất cập đó đã trở thành nội dung chính tại các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các kỳ họp HĐND thành phố và rất nhiều cuộc họp của UBND để xem xét, mổ xẻ, tháo gỡ khó khăn.
Cùng với việc phối hợp với các bộ, ngành trung ương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, TPHCM tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, kích cầu, bình ổn giá, vận động dùng hàng nội, khuyến nông... hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp vượt khó, tranh thủ cơ hội đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất hàng nội chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu.
Trong xu thế khủng hoảng cũng xuất hiện lợi thế là thiết bị, máy móc có giá rẻ, tạo điều kiện doanh nghiệp đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh nền kinh tế.
Phát huy thế mạnh, nâng chất tăng trưởng
Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM vào cuối năm 2011 đã mổ xẻ những nội dung rất nóng của kinh tế TPHCM: Xem xét một cách cụ thể các vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất; nghiên cứu tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp phù hợp với định hướng tái cấu trúc kinh tế của cả nước; tập trung nguồn lực để khắc phục khó khăn về nguồn vốn; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh; tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đa dạng hóa các hình thức bình ổn thị trường...
Chỉ tiêu quan trọng được TPHCM đề ra cho năm 2012 là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhằm thực hiện mục tiêu đưa GDP năm 2012 tăng 10% trở lên, huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, Thành ủy và UBND TPHCM đã chỉ đạo các ngành, các cấp phải tổ chức tốt việc theo dõi, phân tích, nắm sát tình hình, đề ra các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Để tạo điều kiện phát triển các nguồn lực, tạo thêm công ăn việc làm, TPHCM đã triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu thông qua đầu tư.
Trong hoàn cảnh thiếu vốn, thành phố đang xoay trở, chú trọng việc khai thác hơn 1.000 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp, có thể tạo ra nguồn vốn mới để giải quyết các yêu cầu dân sinh bức xúc.
![]() ![]() | |
Ông LÊ THANH HẢI, |
Dự báo năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn, tiếp tục gây áp lực về nguồn vốn để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển của thành phố và nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, đời sống của một bộ phận người dân thành phố thuộc diện nghèo, cận nghèo, công nhân lao động sẽ càng khó khăn hơn.
Do vậy trong những ngày cuối năm 2011 lãnh đạo thành phố đã dành nhiều thời gian làm việc với các tổng công ty, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.
Về nhiệm vụ năm 2012, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải xác định: “TPHCM nỗ lực giải quyết khó khăn để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, các chính sách điều hành vĩ mô tiền tệ cần linh hoạt hơn. Chính sách thuế phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tồn tại, phát triển.
Thành phố sẽ chủ động cùng các doanh nghiệp bất động sản bàn cách tái cấu trúc thị trường này, trong đó chú ý biện pháp điều chỉnh đầu tư phù hợp với nhu cầu thực tế. Những vấn đề có thể tháo gỡ được trong thẩm quyền của thành phố phải được khẩn trương giải quyết đến nơi đến chốn”.
Trong tình hình kinh tế có nhiều biến động, TPHCM vẫn xác định trách nhiệm làm tốt vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy kinh tế tri thức, tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao.
TPHCM đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, phần mềm, môi trường, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...
Trong năm 2012, TPHCM ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án lớn quan trọng, đầu tư kích cầu vào lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; tiếp tục chỉnh trang các đô thị hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới (Thủ Thiêm, Tây Bắc, cảng Hiệp Phước), nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở tái định cư, nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị theo hướng xã hội hóa; phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng...
Nền kinh tế toàn cầu còn nhiều diễn biến phức tạp, TPHCM không thể chủ quan. Cần sử dụng kinh nghiệm các năm qua để xây dựng kế hoạch khả thi, ứng phó linh hoạt với tình hình thực tế bằng nỗ lực cao nhất.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các công trình giao thông, y tế, giáo dục để vừa giảm nhẹ áp lực nguồn ngân sách nhà nước, vừa cải thiện đời sống nhân dân, an sinh xã hội tốt hơn qua phát huy nguồn lực đầu tư tư nhân.