TPHCM: Các trường đại học nội thành được phép cải tạo, xây mới

(ĐTTCO) - Theo Cổng thông tin UBND TPHCM, TP đã đồng ý về chủ trương cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và bệnh viện tại khu vực nội thành được xây dựng lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch được duyệt. 
Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM .
Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM .

Biểu tượng của các đô thị

Bắt đầu từ 2005, TPHCM có chủ trương chuyển dần các trường ĐH ra bên ngoài ngoại thành nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm. Cho đến nay một số trường ĐH đã chuyển toàn bộ ra bên ngoài, như ĐH Ngân hàng, ĐH Nông lâm, ĐH Văn Hiến…

Một số trường xây dựng cơ sở 2 ở bên ngoài và cơ bản chuyển sinh viên hệ chính quy ra khỏi nội thành, như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, nhưng vẫn giữ cơ sở cũ ở nội thành. Địa điểm này là nơi làm việc của ban giám hiệu, các phòng ban chức năng, giảng đường cho đào tạo sau ĐH, các khóa đào tạo ngắn hạn, viện và trung tâm nghiên cứu và hợp tác quốc tế, thư viện và viện bảo tàng ĐH, bảo tàng chuyên đề…

Thực ra, ở khu vực lõi của một TP lớn và lâu đời, việc hiện diện các trường ĐH có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm là điều cần thiết. Bởi việc này sẽ tạo hình ảnh trung tâm không chỉ có hoạt động thương mại, kinh doanh thuần túy, còn có các hoạt động và biểu tượng cho thấy bề dày văn hóa, giáo dục của quốc gia hay vùng miền. Điều này chúng ta thấy ở hầu khắp TP lớn của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các TP châu Âu như Paris, Vienna, Berlin... gần như TP nào có các trường ĐH lâu đời ở khu vực trung tâm (gọi là downtown) coi đó là niềm tự hào lớn lao.

Một thí dụ điển hình, năm 2005 Chính phủ Trung Quốc cho xây dựng TP ĐH Quảng Châu, cách trung tâm TP Quảng Châu 20km, nơi tập trung 10 trường ĐH và 7 viện nghiên cứu, nhưng khuôn viên các trường ĐH cũ như trường ĐH Tôn Trung Sơn, ĐH Y khoa, ĐH Tế Nam vẫn giữ nguyên, được tôn tạo thành biểu tượng văn hóa và là điểm thăm quan có giá trị của du khách.

Ở nước ta, Hà Nội vẫn giữ nguyên tòa nhà và khuôn viên Trường ĐH Đông Dương được người Pháp thành lập năm 1906, tọa lạc ở số 19 Lê Thánh Tông. Đây là công trình kiến trúc rất đẹp, cổ kính mang phong cách Pháp thuộc địa. Nơi đây còn có bức tranh tường khổng lồ nổi tiếng của họa sĩ Victor Tardieu (Pháp) vẽ năm 1921. Tòa nhà này hiện nay là nơi hàng năm diễn ra những sự kiện trọng đại như trao bằng tiến sĩ, tiếp đón các học giả hàng đầu trên thế giới và hội thảo khoa học quốc tế.

Mặc dù tuổi đời không lâu bằng, nhưng một số trường ĐH ở TPHCM cũng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, như ĐH Bách khoa (tên cũ là Trường Kỹ thuật Phú Thọ), ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (tên cũ là ĐH Văn Khoa), ĐH Mỹ Thuật, ĐH Kiến Trúc, ĐH Y khoa, ĐH Dược khoa, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…

Đặc biệt, trong khuôn viên một số trường còn lưu giữ những công trình kiến trúc hơn 150 năm tuổi, như 2 tòa nhà nằm trên đường Lê Duẩn có 2 đầu đối nhau trên đường Đinh Tiên Hoàng thuộc quản lý của 2 trường ĐH Dược khoa và Khoa học Xã hội và Nhân văn, được xây dựng vào năm 1870. Khi đó chúng là công trình nằm trong khuôn viên doanh trại quân đội của Trung đoàn bộ binh hải quân thứ 11 thuộc Pháp.

Xây sửa theo quy định chung

Do vậy, các trường ĐH có cơ sở 1 nằm trong nội thành không chỉ có nhu cầu cải tạo, còn có nhu cầu xây mới, xây chèn các công trình có những chức năng mới, phá bỏ những công trình xây sau 1975 đã xuống cấp trầm trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay có nhiều yêu cầu bắt buộc các trường ĐH phải thay đổi cho phù hợp.

Chẳng hạn, phòng thí nghiệm hiện đại tiếp nhận từ nước ngoài, trung tâm hợp tác quốc tế, trung tâm nghiên cứu ứng dụng, trung tâm liên kết vùng… nhưng trong thời gian dài không thể thực hiện được. Bởi lẽ, từ năm 2007, TPHCM ra chỉ thị các trường ĐH trong khu vực nội thành chỉ được phép sửa chữa và nâng cấp các công trình hiện hữu, không được xây mới. Tuy nhiên, sau 15 năm các quy định trên đã không còn phù hợp với thực tế phát triển hạ tầng giao thông công cộng và dịch vụ xã hội.

Thực tế cho thấy, so với 15 năm trước, hệ thống giao thông khu vực các quận nội thành đã tốt hơn, khi nhiều trục đường nâng cấp mở rộng, được xây dựng mới, hàng chục cầu vượt được xây dựng giải quyết các điểm nghẽn như Tân Sơn Nhất, Hàng Xanh, Cộng Hòa, Nguyễn Tri Phương. Nhiều cây cầu qua sông được làm mới như Ba Son, Bình Lợi, Nguyễn Văn Cừ.

Các loại dịch vụ như cấp và thoát nước, điện lưới, viễn thông, thu gom xử lý rác thải được cải thiện rõ rệt. Hệ thống bán lẻ và các dịch vụ thiết yếu cũng nhiều và tốt hơn. Đặc biệt dân cư thường trú ở khu vực lõi 930 ha và các quận trung tâm 1, 3, 10, Phú Nhuận tương đối ổn định, không còn gia tăng. Trong khi đó, các cửa hàng, khách sạn, dịch vụ bắt đầu giãn dần từ trung tâm ra bên ngoài ngày càng tăng, các khu đô thị mới hình thành hút bớt dân cư từ bên trong ra bên ngoài vành đai 2.

Trước tình hình đó, TPHCM thay đổi quan điểm cho phép các trường ĐH, cao đẳng, bệnh viện được nâng cấp, sửa chữa lớn, được xây các công trình mới. Tuy nhiên, việc xây mới hoàn toàn hoặc xây mới trên nền công trình cũ, không thể tùy tiện mà phải theo quy định chung của TP như: quy mô khối đế, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số xây dựng, khoảng lùi, cây xanh và các yêu cầu kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước.

Mục đích của các quy định trên là nhằm đảm bảo những công trình mới này không ảnh hưởng đến giao thông, gia tăng dân số, ngập nước và gây sức ép lên hạ tầng dịch vụ.

Ngoài ra, vì là công trình nằm ở khu vực trung tâm nên phải có kiểu dáng và màu sắc phù hợp, hài hòa với khu vực. Nếu không ảnh hưởng đến "phễu bay" của hàng không và an ninh quốc phòng, có thể cho phép xây nhà nhiều tầng tạo điểm nhấn ở khu vực trung tâm, không nên hạn chế chiều cao theo quy chuẩn nhà thấp tầng (dưới 7 tầng), như thế vừa lãng phí vừa không hiệu quả kinh tế.

Từ khi có chủ trương này, các trường đã bắt đầu rục rịch triển khai các công trình bị ách tắc lâu nay. Hy vọng quyết định này không chỉ giúp các trường ĐH tháo gỡ khó khăn, còn góp phần làm đẹp thêm khu vực trung tâm TPHCM.

Các tin khác