(ĐTTCO)-Năng động, sáng tạo gần như là đặc tính khi nói đến TPHCM. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiều vấn đề đang đặt ra đối với đầu tàu kinh tế của cả nước. Chính quyền thành phố sẽ có những giải pháp đột phá sáng tạo gì trong lãnh đạo điều hành để hội nhập thành công, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững?
Nhân dịp đầu năm mới 2016, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM (ảnh), đã trao đổi xoay quanh vấn đề này.
Thiết lập kênh kết nối doanh nghiệp và chính quyền
Phóng viên: -Các hiệp định thương mại đã, đang và sắp có hiệu lực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác… là điều kiện vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp trong nước nói chung và TPHCM nói riêng có thêm cơ hội phát triển. Đồng chí có thể cho biết, thành phố đã có sự chuẩn bị gì cho tiến trình hội nhập này?
Đồng chí NGUYỄN THÀNH PHONG: -Đây là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng với tiến trình hội nhập quốc tế và sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như của thành phố; nhiều thuận lợi nhưng không ít những khó khăn thách thức; từ công tác quản lý đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu hội nhập sâu rộng, mang lại lợi ích thật sự cho doanh nghiệp, người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thành phố đã chuẩn bị mọi điều kiện từ rất sớm, đặc biệt đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 10-12-2015 để triển khai các hiệp định này cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Các giải pháp trọng tâm là tổ chức tuyên truyền các cam kết của Việt Nam đối với các nước, lộ trình cắt giảm thuế, quy trình giám sát của các đối tác đối với quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; điều chỉnh, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị; tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; thiết lập kênh kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố nhằm phản hồi thường xuyên, định kỳ các vấn đề chính sách, đánh giá mức độ kỳ vọng của doanh nghiệp và xác định kịp thời các khó khăn vướng mắc để tháo gỡ…
Và đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh để quyết định phương án đầu tư có hiệu quả nhất.
- Bên cạnh những thuận lợi, dự đoán doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít khó khăn, không chỉ áp lực hội nhập từ bên ngoài mà còn do chính những rào cản, trở ngại bên trong. Cụ thể là những chính sách hỗ trợ chưa chạm tới doanh nghiệp. Thành phố cần có giải pháp đột phá gì, kể cả kiến nghị với Trung ương, để có thể giúp doanh nghiệp được tiếp sức kịp thời, nhất là nguồn vốn giá rẻ?
- Có thể nói, hệ thống doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ngoài những việc đã làm, TPHCM tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển.
Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy định thuộc thẩm quyền, ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để tăng cường tính liên kết, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh.
Triển khai chương trình kích cầu đầu tư vừa điều chỉnh, bổ sung với các nội dung mới, đối tượng mới, phù hợp với điều kiện mới; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để mở rộng thị trường. Tiếp tục cải cách hành chính ở những khâu, những công đoạn còn rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nâng giá, không bán đúng giá…
Giải pháp cho những bài toán khó
- Một trong những động lực để kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến với TPHCM chính là sự thuận lợi về giao thông, hệ thống cảng biển, logistics phát triển… Tuy nhiên, thành phố vẫn còn cảnh kẹt xe, ngập nước đô thị, đường sá ra vào các cảng vẫn còn ách tắc, hệ thống cảng biển, hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Liệu TPHCM có những quyết sách đột phá cụ thể nào để sớm hoàn chỉnh hạ tầng?
- Trong những năm qua, TPHCM tập trung nguồn lực, có cả nguồn lực nhà nước và huy động nhiều nguồn lực trong dân, nguồn lực bên ngoài để thực hiện các công trình, dự án quan trọng nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Cụ thể như xây dựng cảng biển, đầu tư xây dựng các trục giao thông xuyên tâm, đường vành đai, mở rộng nâng cấp các nút giao thông quan trọng tại các cửa ngõ ra vào thành phố, hệ thống cầu vượt, hầm ngầm đường sông Thủ Thiêm…
Việc này đã góp phần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy vậy, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường còn đang là những bài toán khó, phải tiếp tục có giải pháp khắc phục. Thành phố đang xây dựng 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM, trong đó có chương trình chỉnh trang đô thị, chương trình chống ngập, chương trình giảm ùn tắc giao thông, sẽ có nhiều dự án, công trình tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
- Một vấn đề cốt lõi khác đặt ra trong quá trình hội nhập là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố đã có sự chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thưa đồng chí?
-Quá trình hội nhập quốc tế mang lại cho TPHCM nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Là một đô thị đặc biệt, thành phố đã chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ Đại hội IX Đảng bộ TPHCM, đã thực hiện Chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế, phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo của người học, coi trọng thực hành, thực tế.
Hiện nay, thành phố vẫn còn tiếp tục thực hiện với những nội dung và có tính yêu cầu cao hơn, trong đó điểm nhấn là cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; nâng cao công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là các nghề tự do di chuyển lao động trong khu vực ASEAN như nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, tư vấn khảo sát và du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tái đào tạo nguồn nhân lực, lao động chuyên môn kỹ thuật trong giai đoạn tái cấu trúc và chuyển đổi do biến động về thị trường, ngành nghề dưới tác động của hội nhập.
-Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!