Dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 5/2021 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, giao thương nhộn nhịp bậc nhất khu vực phía Nam và cả nước.
Sau quãng thời gian phục hồi, thực hiện tốt “mục tiêu kép” thì đến nay, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của trung ương, với nỗi lực và quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ trong “vùng đen” dịch bệnh, kinh tế thành phố vẫn có những điểm sáng lạc quan, duy trì mức tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề vô cùng quan trọng để thành phố có thể hoàn thành "nhiệm vụ kép," vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh cho những tháng còn lại của năm 2021.
Nhiều lạc quan
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có dấu hiệu hồi phục do việc tiêm chủng vaccine hiệu quả và các quốc gia đối phó tốt hơn với dịch COVID-19. Trong khi đó, sức ép lạm phát và giá cả leo thang đã xuất hiện. Giá cổ phiếu tăng mạnh ở hầu hết các nền kinh tế phát triển. Việc hạn chế đi lại và khả năng tiêm vaccine cũng tác động đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI.
Trong nước, nhờ những thuận lợi từ kết quả của việc phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2020, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu giữ vững nhịp điệu tăng trưởng, không bị đứt gãy, giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Tất cả đã tạo nên động lực thúc đẩy chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực vừa khôi phục mức tăng trưởng kinh tế ở các ngành, các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội, vừa ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19.
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố có những dấu hiệu tích cực dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, nhất là làn sóng lần thứ 4.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 542.000 tỷ đồng, tăng 7,3%. Thu ngân sách đạt 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,9%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,2%, hóa dược tăng 2,6%, điện tử tăng 15,6% và cơ khí tăng 10,7%...
Những điểm sáng kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục thể hiện việc thực hiện tốt “nhiệm vụ kép."
Vừa qua, tại buổi làm việc, kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc thành phố thực hiện thành công “mục tiêu kép” khi trong 6 tháng đầu năm 2021 các chỉ số tăng và ổn định trên hầu hết các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Linh hoạt các giải pháp
Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, ngay từ thời điểm này, việc khoanh vùng, truy vết, dập dịch có ý nghĩa quyết định đến thành bại nhiệm vụ của cả năm 2021 nhất là khi quãng thời gian còn lại không còn nhiều. Các chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế cũng sẽ được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng theo từng diễn biến của dịch bệnh.
Ngay từ đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP xác định tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép," vừa phòng chống đại dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đây là định hướng để các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả năm 2021, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng các địa bàn nói trên là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng, sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm “mục tiêu kép” là nhiệm vụ nhất quán nhưng tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể của từng địa phương để lựa chọn thứ tự ưu tiên phòng chống dịch hoặc phát triển kinh tế-xã hội hoặc đồng thời cả hai để triển khai cho phù hợp, hiệu quả.
Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 6% trở lên, thu ngân sách nhà nước đạt 364.893 tỷ đồng (chiếm 24,79% trong tổng dự toán thu của cả nước).
Tháng 6/2021 vừa qua, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua các nghị quyết trong đó có giải quyết chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19. Điều này cũng chính là góp phần phục hồi sản xuất, ổn định tình hình lao động, việc làm, thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép" - vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư công và trong năm 2021 sẽ bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm như dự án xây dựng xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, tuyến metro số 1, metro số 2, khép kín Vành đai 2...
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly nhằm thực hiện “mục tiêu kép."
Theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố cho cả năm 2021 do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, dự báo, nếu đến tháng 8/2021 dịch COVID-19 được khống chế, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2021 của thành phố sẽ đạt 5,02%, dự báo cả năm 2021 sẽ đạt 4,9%.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để đuy trì tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc kiểm soát dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, thành phố cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa như dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 2... đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ khi đạt được tiến bộ khả quan về tiêm vaccine COVID-19, thành phố mới có tiền đề cho việc khống chế dịch, tạo tâm lý khả quan của người dân và doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, tái cấu trúc doanh nghiệp tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, chủ động nguồn nguyên liệu, khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia. Tâm lý ổn định và lạc quan của người tiêu dùng khi dịch được kiểm soát tốt sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm, du lịch, kích thích kinh tế tăng trưởng trở lại.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp thành viên thực hiện chuyển đổi số, đổi mới thiết bị, công nghệ... phù hợp xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời kiến nghị thành phố sớm ban hành gói hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho doanh nghiệp cũng như chăm lo an sinh xã hội cho công nhân mất việc, giãn việc.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng còn lại, thành phố sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh khó lường.
Việc phải áp dụng nhiều đợt giãn cách xã hội liên tục để kiểm soát dịch bệnh đã tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất vẫn nổ lực duy trì chuỗi cung ứng, linh hoạt và thích ứng nhanh trong việc khai thác các cơ hội thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do.
"Mục tiêu những tháng còn lại của năm 2021 là sớm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục lại hoạt động phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu kép đó, bên cạnh giải pháp dập dịch quyết liệt, hiệu quả, triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, Chính phủ và thành phố cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực tế hơn, cắt bớt quy trình, thủ tục hành chính để việc hỗ trợ được kịp thời, có hiệu quả," ông Trương Tiến Dũng nói.
Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế đặt ra ngay từ đầu năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận huyện, doanh nghiệp thuộc thành phố chủ động nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án, giải pháp trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tập trung bám sát cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, an sinh xã hội và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đặt ra.
Đối với việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giải pháp thúc đây giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trong điều kiện tác động dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động Tổ công tác đầu tư và Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố.
Sở Tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan Thành phố tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong đó có gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021; tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, để doanh nghiệp đây mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh đồng thời hạn chế nợ thuế quá hạn khó thu hồi, không để gian lận thương mại, buôn lậu xảy ra trên địa bàn.
Hơn bao giờ hết, trong muôn vàn khó khăn, thách thức, ý chí, quyết tâm và khả năng sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục được đẩy lên cao độ. Người dân có quyền kỳ vọng vào các chính sách của Trung ương và thành phố nhằm sớm xác lập lại trạng thái bình thường mới để kinh tế thành phố ổn định, phục hồi, tiếp tục phát triển cùng cả nước và vì cả nước.