Ngày 2/2, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến tình hình lao động việc làm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến hết ngày 1/2, trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 94% doanh nghiệp hoạt động trở lại, lao động vào làm việc chiếm trên 95% (khoảng 2,65 triệu người/2,8 triệu người).
Trong số đó, doanh nghiệp trong các khu chế xuất-khu công nghiệp chiếm trên 94%, tỷ lệ lao động vào làm việc khoảng 95% (267.000/281.000 lao động); doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đạt 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, tỷ lệ lao động vào làm việc đạt trên 95% (49.000/52.000 lao động).
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, do ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết rơi vào ngày thứ sáu (27/1), nên nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân, người lao động nghỉ đến thứ hai (ngày 30/1) mới đi làm trở lại.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có công nhân ở các tỉnh xa về quê ăn Tết, nên đến ngày 1/2 mới tái triển khai sản xuất kinh doanh.
Một trong những điều đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là tình trạng công nhân “nhảy việc” không phổ biến như nhiều năm trước.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết, có 499 doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý 1/2023 là 14.379 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc-da giày là 5.000 vị trí, điện-điện tử là 2.200 vị trí, hóa nhựa là 800 vị trí và 1.000 vị trí bán buôn.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các phiên, sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến cho người lao động khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, gần cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã có sắp xếp lại lao động, một số đã về quê trước Tết và hiện nay chưa lên. Do đó, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức sàn giao dịch trực tuyến ở các địa phương để doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn có thể gặp gỡ, trao đổi.
Liên quan đến sức mua của người dân địa bàn trong tháng Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sức mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán không giảm, tuy nhiên không khí mua sắm không sôi động như mọi năm.
Lý giải về điều này, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, do phương thức bán hàng của doanh nghiệp đã thay đổi, đa dạng hơn trước nên bán hàng qua nhiều kênh khác nhau như kênh truyền thống, kênh trực tuyến... vì vậy, khi đi mua sắm Tết, kênh truyền thống không còn là lựa chọn duy nhất của khách hàng như trước.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1 của Thành phố Hồ Chí Minh là xấp xỉ 57.000 tỷ đồng. “Đây là số liệu cao nhất của tháng 1 trong vòng 5 năm qua. Do đó, không có chuyện sức mua giảm,” Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Trước và sau dịp Tết Nguyên đán năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì chương trình bình ổn thị trường, lựa chọn các sản phẩm thiết yếu để tham gia chương trình.
Hoạt động này có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, chuẩn bị kế hoạch và nguồn hàng ổn định nên giá cả các mặt hàng không có tình trạng tăng đột biến.