TPHCM: Nâng cao năng lực bộ máy hành chính ngang tầm nhiệm vụ

(ĐTTCO) - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp ngang tầm với nhiệm vụ.

Chiều 29-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì.

Kinh tế TPHCM tăng trưởng trở lại

Góp ý tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, nếu như quý 1-2023, kinh tế TPHCM đã chạm đáy và nay bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để có được sự tăng trưởng trở lại này không phải là ngày một ngày hai mà là có sự chuẩn bị từ trước của TPHCM, cũng như sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và người dân.

TS Trần Du Lịch khẳng định, tiềm lực kinh tế của TPHCM rất lớn, trong đó có hơn 250.000 doanh nghiệp hoạt động, 450.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, lực lượng này chiếm 1/3 của cả nước. Ông cho rằng, các chính sách hỗ trợ của TPHCM mang tính dài hơi hơn và sẽ có tác động trong thời gian tới. Dù vậy, hiện nay, TPHCM đang đối diện với những khó khăn, tác động từ sự khó lường, khó đoán định của kinh tế thế giới.

Trong đó, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn do thị trường thế giới bị thu hẹp. Doanh nghiệp trong nước đang bị bào mòn dần nguồn lực. Thậm chí, tín dụng có tăng nhưng doanh nghiệp cũng không hấp thụ nổi. "Giờ có cho thức ăn, họ cũng không ăn nổi nữa", TS Trần Du Lịch ví von về sức lực của doanh nghiệp hiện nay.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với TS Trần Du Lịch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với TS Trần Du Lịch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, có một thực tế là cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp của TPHCM còn tâm lý sợ sai phạm, dẫn đến trì trệ trong công vụ.

TPHCM không được phép lỡ hẹn

Theo TS Trần Du Lịch, sang năm 2024, TPHCM phải đặt mục tiêu lớn nhất là tăng tốc phát triển bù cho năm 2023. Từ đó, ông đề xuất những nhóm giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, TPHCM phải có những giải pháp tác động, hỗ trợ thị trường. Thành phố lựa chọn những giải pháp về kinh tế là giải pháp hỗ trợ tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp của TP ngang tầm với nhiệm vụ thực hiện nghị quyết này.

"Bộ máy chính quyền TPHCM vừa xử lý những công việc hiện tại, vừa phải xử lý "trùng trùng điệp điệp" những việc tồn đọng trong nhiều năm, kể cả những việc mới. Tức là TPHCM phải xử lý "3 trong 1", đây là thách thức rất lớn của Thành phố", TS Trần Du Lịch nhận định.

Lãnh đạo sở ban ngành dự phiên họp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lãnh đạo sở ban ngành dự phiên họp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

TPHCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, đó là hỗ trợ thông qua cơ chế liên kết ngân hàng đang làm tốt, phải sử dụng được 3 định chế tài chính của Thành phố đang có, là Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC). Cùng với đó, giải quyết nhanh gọn thủ tục về thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp…

Về lâu dài, đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm Tài chính Quốc tế; dự án xây cảng biển trung chuyển Cần Giờ; xử lý dứt điểm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng để nhanh chóng đưa vào sử dụng trong năm 2023; xây dựng chính sách để chuyển chức năng 5 khu công nghiệp nhằm kêu gọi, thúc đẩy đầu tư; nghiên cứu chính sách cơ bản để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, công nghệ số…

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

TS Trần Du Lịch cũng đề nghị TPHCM rà soát lại mục tiêu chương trình chuyển đổi số Thành phố, đặc biệt nội dung chính quyền số tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng công vụ, nhất là dịch vụ công. Cùng với đó, xây dựng đề án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện 8.

Khơi thông thị trường bất động sản

TS Trần Du Lịch cũng góp ý, TPHCM tập trung tháo gỡ những dự án, công trình khu vực công lẫn tư đang bị ngưng trệ trong nhiều năm, nhất là dự án liên quan đến đất đai; phải tạo sức bật cho thị trường bất động sản ngay trong cuối năm nay. TPHCM cần tháo gỡ 2 điểm nghẽn, đó là điều chỉnh quy hoạch và định giá đất.

Trao đổi thêm, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho rằng, TPHCM cần tập trung khơi thông thị trường bất động sản, đây cũng là một giải pháp để tăng nguồn thu và đem lại nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác như xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Về tiết kiệm chi để tạo nguồn lực cho ngân sách Thành phố, trong 6 tháng đầu năm, chi ngân sách tăng do mạnh dạn áp dụng tối đa Nghị quyết 54 trong chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức. Chi đầu tư công cũng tăng mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên, để phát huy tác dụng thì phải có thời gian.

Theo Giám đốc Sở Tài chính, nguồn lực đất đai của Thành phố đang rất lớn. Trong đó, việc sử dụng nguồn lực đất đai của các đơn vị hành chính sự nghiệp đang còn vướng về chính sách chung. Đó là việc liên doanh, liên kết, kể cả hạ tầng còn trống mà Thành phố đề nghị thì Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định hướng dẫn việc sử dụng các mặt bằng này.

Hiện nay, việc liên doanh, liên kết trong cho thuê và khai thác vẫn đang "loay hoay". Khi nghị định được ban hành thì việc này sẽ được mở rộng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, TPHCM cũng đang triển khai phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, mạnh dạn đưa ra các cơ sở dư thừa, không sử dụng hoặc lãng phí để thu hồi, đấu giá.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, giai đoạn 6 tháng cuối năm, Thành phố đối đầu với cả "nguy" lẫn "cơ", trong đó "nguy" nhiều hơn "cơ".

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An góp ý. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An góp ý. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong đó, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm, thanh khoản doanh nghiệp kém, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi, giải ngân vốn đầu tư công một số dự án còn chậm; doanh nghiệp, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh các thách thức đó, Thành phố có cơ hội lớn khi kinh tế đang trên đà phục hồi, rõ nét nhất là du lịch và giải ngân vốn đầu tư công.

Đại diện các sở ban ngành phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đại diện các sở ban ngành phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trước những vấn đề trên, ông Phạm Bình An cho rằng, khả năng Thành phố khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% - 8% như đã đặt ra từ đầu năm.

Để ứng phó với các thách thức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đặt ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Thành phố cần chuẩn bị tốt để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch của Thành phố; tiếp tục thúc đẩy quyết liệt giải ngân đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh chi tiêu công, trong đó cần chi tiêu cho chuyển đổi số, hạ tầng số, kinh tế số, phát triển bền vững như kinh tế xanh, du lịch xanh, giao thông xanh…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, cần tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa, liên kết kích cầu với du lịch, thương mại, mở rộng tín dụng tiêu dùng, khuyến khích tiêu dùng xanh.

Đồng thời, triển khai các giải pháp phục hồi niềm tin của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó, Thành phố cũng cần chuẩn bị một số kịch bản về an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động trong trường hợp người lao động bị cắt giảm do khó khăn về đơn hàng, xuất khẩu.

Hai công cụ phát huy nguồn lực cho TPHCM

TS Trần Du Lịch đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn lực rất lớn đó là lực lượng doanh nghiệp Nhà nước. Ông đề nghị TPHCM đầu tư nghiên cứu ngay về một đề án sắp xếp, tổ chức lại, khai thác lực lượng doanh nghiệp Nhà nước.

Trong đó, xây dựng hai định chế, đó là Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM làm công cụ tài chính; xây dựng Tổng Công ty Xây dựng kinh tế và hạ tầng đô thị. Hai công cụ tài chính và xây dựng để thúc đẩy phát triển TPHCM. Còn các công ty dịch vụ công ích tổ chức lại theo hình thức phi lợi nhuận để làm dịch vụ công.

Đồng thời thoái vốn, cổ phần hóa các ngành nghề khác, khai thác hiệu quả nhất lực lượng doanh nghiệp, nguồn vật chất mà TPHCM có trong tay theo tinh thần Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Các tin khác