TPHCM nên hướng đến 'sàn giao dịch tín chỉ Carbon'

TPHCM nên hướng đến 'sàn giao dịch tín chỉ Carbon' ảnh 1

(ĐTTCO) - Trước thềm Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, xung quanh nội dung hội thảo.

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS. như thế nào là tài chính xanh và tại sao phải quan tâm trong lúc này?

TS. Hồ Quốc Tuấn: - Ở đây tôi chỉ bàn về một khía cạnh trong tài chính xanh là trái phiếu xanh. Thực ra cũng là một công cụ nợ như trái phiếu khác mà doanh nghiệp (DN) phát hành, chỉ khác một điều là hướng tới dòng tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ đầu tư vào những dự án tạo ra hiệu ứng tích cực đối với môi trường. Nhưng có 2 yếu tố buộc phải quan tâm.

Thứ nhất từ bên ngoài, do Việt Nam đã có những cam kết tham gia vào những hiệp định. Bắt đầu là Hiệp định Paris 2015, cam kết hướng tới phải giảm hoặc khống chế tăng nhiệt độ ở mức 2% hoặc thấp hơn nữa. Sau đó là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đưa ra mức độ tăng nhiệt độ 1,5%.

Như vậy có nghĩa chúng ta sẽ phải giảm phát thải khí carbon, đồng nghĩa các ngành sản xuất ngay từ bây giờ phải tính đến xanh hóa vì trong sản xuất lượng phát thải quá lớn. Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển nên giảm phát thải mới có cơ hội để các nhà tài trợ vốn thực hiện các dự án.

TPHCM nên hướng đến 'sàn giao dịch tín chỉ Carbon' ảnh 2

Thứ hai từ bên trong, để tăng trưởng kinh tế cần phải có hạ tầng, đổi mới hạ tầng và đầu tư công. Lấy thí dụ như khu vực ĐBSCL rất cần nâng cấp hạ tầng vì dự báo là khu vực bị tác động rất lớn bởi biến đổi khí hậu, nên cần nguồn vốn đầu tư rất lớn từ bên ngoài. Có nghĩa chúng ta cần tham gia vào những dự án xanh mới thu hút vốn, và trái phiếu xanh là một công cụ thuận lợi với lãi suất thấp hơn.

Thực ra đây cũng là thời điểm mà đa số các nước xung quanh chúng ta đang chạy đua thực thi xanh hóa nền kinh tế. Một minh chứng là ngay sau khi cam kết các hiệp định về biến đổi khí hậu, nhiều nước đang phát triển đã huy động được vài tỷ USD từ EU và Mỹ để đầu tư tiếp tục vào hạ tầng.

Do vậy thật đáng tiếc nếu như Việt Nam chậm chân trong việc xanh hóa nền kinh tế. Có nghĩa nếu Việt Nam không làm một dự án xanh sẽ không lấy được nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức quốc tế, và quan trọng hơn là yếu tố môi trường bị đánh giá thấp.

- Vào trung tuần tháng 9 tới đây, TPHCM cũng thức thời khi tổ chức một diễn đàn kinh tế lần thứ 4 năm 2023 cũng bàn về vấn đề kinh tế xanh, và ngày 6-9 tới Báo SGGP cũng tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Vậy theo TS. với TPHCM cần quan tâm các chương trình gì trên cơ sở triển khai mô hình thí điểm cơ chế đặc thù của NQ98?

- Theo tôi với lợi thế và đặc thù của TPHCM, ngoài trái phiếu xanh nên phát triển mạnh thị trường tín chỉ carbon. Nếu như DN huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu xanh để đầu tư nhằm giảm phát thải hay thực hiện những dự án xanh, thì DN cũng phải có nguồn tiền để trả nợ.

Nhưng nếu DN đã có dự án xanh, tức có thể tạo ra các tín chỉ carbon, thì bên cạnh những nguồn thu truyền thống từ bán sản phẩm, còn một nguồn thu khác là bán các tín chỉ carbon được tạo ra từ dự án xanh, đồng thời có thể đo lường mức độ tác động đến khí thải của DN, nếu tốt hơn có thể có thêm tín chỉ carbon cho phần lợi ích vượt trội này.

Đây chính là điểm cần có một sàn giao dịch tín chỉ carbon khi DN này thiếu có thể mua, DN thừa có thể bán. Nghĩa là bản thân thị trường trái phiếu xanh phải đi chung với thị trường tín chỉ carbon, một thị trường song song hỗ trợ lẫn nhau.

Được biết năm 2022, một thị trường tín chỉ carbon đã hình thành mà không có sàn giao dịch, nhiều DN đã đầu tư dự án xanh và cho ra các tín chỉ để bán trên thị trường thế giới, nhưng cũng có nhiều DN trong nước phải ra thị trường thế giới mua các tín chỉ này để được xuất khẩu hàng hóa. Với DN trong nước, họ có nhu cầu về kế hoạch kiểm kê hoặc đo lường phát thải khí nhà kính, và nếu tốt sẽ có một lượng tín chỉ dư thừa. Với DN FDI, nếu đạt tiêu chí có thể đem các tín chỉ này về cho công ty mẹ trong tập đoàn đa quốc gia.

Thực ra thị trường tài chính hiện nay đã nhìn thấy một thị trường giao dịch tín chỉ carbon rất hấp dẫn. Có những ngày giao dịch tín chỉ carbon ngầm với nhau rất sôi động không kém cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thậm chí còn có cả những sản phẩm phái sinh tín chỉ carbon.

Do vậy nếu có một sàn giao dịch tín chỉ carbon, thì không chỉ DN Việt Nam với nhau mà còn có DN Việt Nam với nước ngoài mua bán lẫn nhau.

Cho đến lúc này đã có tín chỉ carbon của Việt Nam, và theo một vài số liệu trên truyền thông đã lên tới 30 triệu tín chỉ carbon. Một vài tổ chức môi trường ở Việt Nam ước tính, rừng ở Việt Nam nếu đạt tiêu chuẩn mỗi năm ước tính có thể thu được 40 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon.

Đây là một con số rất lớn. Nếu chúng ta quy ra mức giá một tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn đang giao dịch ở thị trường Việt Nam từ 5-10USD (có những thị trường đang giao dịch một tín chỉ carbon cao cấp lên tới gần 200USD), khi có sàn giao dịch sẽ thu về nguồn môi giới rất lớn. Trong khi đó DN Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường như EU buộc phải mua một lượng tín chỉ carbon với mức giá cao.

- Như vậy tiềm năng về thị trường tín chỉ carbon đã quá rõ, vấn đề là biết khai thác và cần tính pháp lý để khai thông?

- Tôi được biết hiện nay Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu về trái phiếu xanh và thị trường tín chỉ carbon. Nhưng nếu nghiên cứu mà chậm chân sẽ bỏ lỡ cơ hội. Hiện nay đã có những ngân hàng Singapore nói với tôi rằng, họ đang có một kế hoạch sang Việt Nam mua tín chỉ carbon về Singapore bán.

Vậy tại sao chúng ta không tạo một sàn giao dịch ở Việt Nam và bán ở đây. Nếu như e ngại về pháp lý chưa đầy đủ có thể thử nghiệm, vì chúng ta đang có những chủ trương làm sandbox.

Như đã nói ở trên, TPHCM là nơi có lợi thế lập sàn giao dịch. Bởi lẽ TPHCM đang có đề án về trung tâm tài chính quốc tế, có mô hình thí điểm cơ chế đặc thù của NQ98, có một sàn giao dịch chứng khoán lớn cả nước, và cũng là một trung tâm tài chính của cả nước. Nhiều tổ chức quốc tế đang tiến hành đo lượng tín chỉ carbon ở TPHCM.

- Vậy theo TS. TPHCM nên làm gì trong lúc này để thu hút các DN xanh ở nước ngoài vào đầu tư?

- TPHCM nên có những buổi tiếp xúc và nói chuyện với DN. Theo tôi biết, có nhiều DN đã tự phát chuyển đổi xanh rồi. Như DN dệt may, muốn xuất sang EU sẽ phải đóng một mức thuế về tín chỉ carbon như là DN EU. Hay DN về nhựa, nhu cầu về chỉ tiêu nhựa sắp tới cũng đã có rồi nên các DN tự chuyển đổi.

Như vậy TPHCM không phải đi phát động nữa, mà tập hợp tất cả DN ở các lĩnh vực, tìm hiểu nhu cầu về thị trường xuất khẩu đang đòi hỏi gì ở DN. Có nghĩa TPHCM cần một hiệp hội DN xanh để kết nối tất cả và đưa ra một chính sách. Chúng ta không cần đi Anh hay Mỹ… mà chỉ cần các DN lớn chia sẻ kinh nghiệm. Và vai trò của thành phố là kết nối tất cả lại với nhau.

- Xin cảm ơn TS.

TPHCM cần có một sàn giao dịch tín chỉ carbon khi DN này thiếu có thể mua, DN thừa có thể bán. Nghĩa là bản thân thị trường trái phiếu xanh phải đi chung với thị trường tín chỉ carbon, một thị trường song song hỗ trợ lẫn nhau.

Các tin khác