TPHCM: Phải chuyển hóa cơ chế thành hành động

(ĐTTCO) - Thu ngân sách nhà nước hạn chế và nhu cầu tăng nhanh huy động vốn cho các dự án đầu tư công, có thể tiềm ẩn “hiệu ứng chèn lấn”, làm xáo trộn nhất định trên thị trường vốn, tạo thêm nhiều áp lực cho việc duy trì lãi suất thấp thời gian tới.

TPHCM: Phải chuyển hóa cơ chế thành hành động

Đó là nhận định trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TPHCM.

Lần đầu tiên hụt thu NSNN

Tính đến hết tháng 11-2023, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TPHCM đạt hơn 401.489 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán năm 2023, giảm 8,5% so với cùng kỳ 2022. Đây là lần đầu tiên TPHCM nằm trong các tỉnh, thành có mức hoàn thành ngân sách dự toán thấp nhất cả nước.

Trong 3 nguồn thu chính, chỉ có khoản thu từ dầu thô đạt 22.431 tỷ đồng, vượt 40,2% dự toán được giao, chiếm 5,6% tổng thu cân đối và giảm 15,8% so với cùng kỳ 2022. Nguồn thu nội địa đạt hơn 268.302 tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán, chiếm 66,8% tổng thu cân đối và giảm 4,7% so với cùng kỳ 2022.

Nguồn thu bị sụt giảm nặng nề do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; do tác động của lạm phát, sự bất ổn, trầm lắng từ thị trường chứng khoán, bất động sản, lãi suất…; cùng với đó là chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khiến nguồn thu thuế từ thu nhập cá nhân - vốn là thế mạnh của TPHCM, ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, số nợ đọng thuế trên địa bàn TPHCM còn khá lớn (40.000 tỷ đồng thu nội địa, 2.000 tỷ đồng từ hải quan, các khoản thu thuế được hỗ trợ giãn thuế, nguồn thu từ thương mại điện tử còn bỏ ngỏ…), chiếm tỷ lệ cao trong cả nước cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng nguồn thu NSNN.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị thế giới, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ đạt hơn 110.750 tỷ đồng, bằng 76% dự toán, chiếm 27,6% tổng thu và giảm 15,3% so với cùng kỳ 2022.

Trong khi đó, tính đến tháng 11-2023, tổng chi ngân sách lũy kế (không tính tạm ứng) của TPHCM đạt 76.321 tỷ đồng, bằng 60,4% dự toán năm và tăng 41,7% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương đạt 63.087 tỷ đồng, bằng 57% dự toán và tăng 20,7% so với cùng kỳ 2022. Chi ngân sách tại TPHCM đã ghi nhận sự phục hồi tích cực vào quý II và 2 tháng đầu quý IV năm 2023, có sự đóng góp tích cực của giải ngân đầu tư công.

Về cơ cấu chi ngân sách có sự thay đổi lớn trong chi cân đối ngân sách địa phương đạt 63.087 tỷ đồng, dù tăng 20,7% so với cùng kỳ 2022, nhưng chiếm tỷ trọng 82,7% trong tổng chi NSNN so với mức 97% cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, so với cùng kỳ 2022, chi đầu tư phát triển tăng 45,3% (đạt 20.830 tỷ đồng bằng 45,2% dự toán), chi thường xuyên tăng 11,3% (đạt 41.590 tỷ đồng bằng 69,2% dự toán), chủ yếu là các khoản chi về giáo dục và đào tạo tăng 24,3% (đạt 15.365 tỷ đồng bằng 73,1% dự toán).

Hai khoản mục còn lại đều giảm hơn so với cùng kỳ 2022, như chi cho sự nghiệp y tế giảm 24,8% và chi khoa học công nghệ giảm 14,3%.

3 khuyến nghị và 3 kịch bản cho TPHCM

Lý thuyết kinh tế và các nghiên cứu của Thorbecke (1993) 2 cũng như Quayes và Jamal (2007) 3, đã chứng minh rằng áp lực thâm hụt ngân sách kết hợp với tăng nhanh huy động vốn đầu tư công, có thể gây ra “hiệu ứng chèn lấn” trên thị trường vốn, đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân, gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường vốn và có thể làm sai lệch mục tiêu của chính sách tiền tệ (CSTT).

“Hiệu ứng chèn lấn” còn tác động tiêu cực đến khả năng đạt được mục tiêu vĩ mô. Thậm chí dẫn đến những kết quả không mong muốn trong việc vận hành các công cụ CSTT. Trong trường hợp xấu nhất, có thể xảy ra cú sốc lãi suất và hạn chế đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tại Trung Quốc, theo nghiên cứu của Zhang et al. (2022) 4, trong giai đoạn 2006-2018, “hiệu ứng chèn lấn” không chỉ làm giảm quy mô vốn khu vực doanh nghiệp tiếp cận được, mà còn tạo áp lực tăng giá vốn, lãi suất tăng trên thị trường vốn. Bài học từ Trung Quốc cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguy cơ tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong tương lai gần.

Trong bối cảnh đó, 3 khuyến nghị được đưa ra. Thứ nhất, cần thiết kế các chính sách huy động vốn đầu tư công một cách cẩn thận, đặc biệt là tính toán ảnh hưởng của hiệu ứng “chèn lấn”.

Thứ hai, trung hòa hiệu ứng “chèn lấn” bằng các hợp tác công - tư để cân đối nguồn lực tài chính và giảm bớt áp lực lên thị trường vốn.

Thứ ba, phân bổ hợp lý và cân đối huy động vốn trung, dài hạn từ nguồn trong nước và quốc tế, để đảm bảo sự phát triển của 2 khu vực công - tư cũng như giảm sốc cho hệ thống tài chính. Nếu thiết kế hợp lý, “hiệu ứng chèn lấn” có thể bão hòa, thậm chí kích thích “hiệu ứng hấp dẫn”, trong đó hoạt động của chính quyền và khu vực công thúc đẩy, thu hút thêm nguồn lực cùng đầu tư từ khu vực tư.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho TPHCM. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng cao nhất là 8,5-9%. Kịch bản này mô phỏng dựa vào nền kinh tế năm 2022 đã từng đạt được, khi mà tăng trưởng kinh tế của TP (GRDP) đạt 9,03%.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế này, vốn phải tiếp tục được bơm vào nền kinh tế, lực lượng lao động phải trở lại như trước đây, và quan trọng nền kinh tế có khả năng hấp thụ nguồn lao động và vốn hiệu quả.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng trung bình đạt 7,5-8%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế này, lao động phải đóng góp khoảng 1,8%, vốn đóng góp khoảng 3,2% và TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) đóng góp khoảng 2,8%. Những mức đóng góp này đều đã từng ghi nhận.

Kịch bản thứ ba, tăng trưởng thấp nhất với 6-6,5%. Đây là kịch bản thể hiện mức tăng trưởng khả thi trong bối cảnh năm 2024. Điểm nhấn mạnh trong đó là TFP là yếu tố cải thiện.

Nghị quyết 98/2023/QH15 sẽ mở ra cơ hội cho TPHCM phát huy vai trò trung tâm trong việc khơi dậy sức mạnh đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh từ cơ chế. Do vậy cần tận dụng nội lực cơ chế để thu hút ngoại lực, chuyển hóa cơ chế thành các hành động cụ thể, sẽ góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng TPHCM.

Các tin khác