TPHCM sẵn sàng cho các bước đột phá

(ĐTTCO) - Câu chuyện về cơ chế phát triển TPHCM tưởng như rất cũ lại được bàn thảo, đặt ra đầy quyết liệt, nóng bỏng ở mọi cấp, mọi ngành. Có thể nói TPHCM đã sẵn sàng thí điểm những cơ chế, chính sách mới, vượt trội và đột phá nhất để tạo xung lực phát triển mới cho TP, toàn vùng kinh tế và cho cả nước.
Một góc TPHCM. Ảnh: HUY ĐỨC
Một góc TPHCM. Ảnh: HUY ĐỨC

Tiềm năng, nội lực của TPHCM còn rất mạnh, nếu được "tiếp nhiên liệu" sẽ giúp cho đầu tàu tăng tốc, bứt phá lấy lại vị trí đúng với sứ mệnh được trao.

Điểm sáng và thách thức

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tin tưởng với quyết tâm, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và được Nhân dân ủng hộ TP sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển. Cơ sở nữa để Bí thư Thành ủy đặt niềm tin cho năm 2023, là trong năm 2022 dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kết quả phục hồi kinh tế của TPHCM đạt hơn dự kiến.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước tăng 9,03% so với 2021, vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ (ước đạt khoảng 1/3 thu ngân sách cả nước).

Tuy nhiên, năm 2022 nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được TP tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là giải ngân vốn đầu tư công (tới hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngày 31-1-2023, TPHCM chỉ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 86%), công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đều chậm. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng còn nhiều vướng mắc. Rồi những vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thị trường xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn…

Trong khi đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt ra rất lớn, đòi hỏi TP phải nỗ lực rất nhiều. TPHCM xác định chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.

Theo đó, TP đã xây dựng 17 chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2023 và được phân chia thành 5 nhóm: nhóm 7 chỉ tiêu về kinh tế; nhóm 3 chỉ tiêu về xã hội; nhóm 2 chỉ tiêu về đô thị; 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính và nhóm 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể chỉ tiêu về kinh tế: tốc độ tăng GRDP 7,5-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên; đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1%/GRDP trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; phấn đấu tổng thu du lịch đạt 120.000 tỷ đồng; khách quốc tế đến TP đạt khoảng 4,5 - 5 triệu lượt…

Sẵn sàng thí điểm các cơ chế, chính sách mới

Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM ra đời đã tạo cho TP có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo những điểm nghẽn, giúp TP phát huy hơn nữa vai trò, vị trí đầu tàu, động lực phát triển quan trọng của đất nước, là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục… Nghị quyết 54 đã giúp kinh tế TPHCM phát triển rất tốt. Tăng trưởng từ 7,3% lên 7,8%, và năm 2019 tăng trưởng 7,9%. Nhưng, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021.

Những nội dung trong Nghị quyết 54 chưa triển khai được đầy đủ. Do đó, để đánh giá được Nghị quyết 54 tác động, hỗ trợ thế nào đến kinh tế - xã hội của TPHCM cần có thêm thời gian. Vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất kéo dài thêm thời gian thực hiện Nghị quyết 54 cho đến hết năm 2023.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Thời gian qua, đà tăng trưởng, sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Có thể thấy rõ những điểm nghẽn ở cả sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến giao thông đường bộ, cảng Cát Lái…

Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị chu đáo để khi kết thúc thời gian gia hạn Nghị quyết 54, TPHCM cần có nghị quyết mới tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại; đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách TP cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

TPHCM xác định mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, là tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để TP thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ TP tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao.

Cùng với đó là xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của TP; xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức…

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, nghe báo cáo bước đầu về Đề án Xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của TPHCM.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định đề án này tạo động lực phát triển TPHCM là cần thiết, cấp bách; nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp TP phát triển nhanh, bền vững, theo tinh thần TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM. Chủ tịch Quốc hội đồng ý xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết này theo trình tự rút gọn tại một kỳ họp và đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp Quốc hội tháng 5-2023.

Với việc đề xuất các cơ chế, chính sách mới với tinh thần “dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung vì sự phát triển chung”, TPHCM là địa phương luôn đi đầu trong đổi mới, trong đột phá, nên nếu cần ban hành các chính sách mới, TPHCM sẵn sàng thí điểm.

Các tin khác