Cùng có mặt trên chuyến đi, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đã khẳng định với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng:
Việc đón khách quốc tế quay trở lại là xu thế tất yếu, từng bước phục hồi ngành “công nghiệp không khói”! Trước đại dịch Covid-19, TPHCM là trung tâm du lịch của cả nước, năm 2019 đón hơn 8,6 triệu khách quốc tế, chiếm 50% tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, đóng góp gần 11% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Gần 2 năm qua, đại dịch hoành hành, những người làm trong ngành chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày: hàng loạt công ty kinh doanh du lịch, khách sạn lớn nhỏ, các dịch vụ ăn uống, các khu đón khách tham quan, mua sắm gần như đóng cửa toàn bộ; các nhân viên làm du lịch phải tìm kiếm nghề khác mưu sinh!
PHÓNG VIÊN: Thưa bà, thế giới từng bước kiểm soát dịch bệnh và mở cửa ngành du lịch. Dự báo cuối năm nay, dòng khách trú đông sẽ hồi phục mạnh, tìm đến các thị trường trọng điểm, trong đó có TPHCM. Hiện tại, TP đã chuẩn bị những sản phẩm nào để thu hút du khách quốc tế?
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA: - Thời điểm này, du lịch TPHCM đang nỗ lực làm mới các sản phẩm, trong đó đường thủy là một trong những thế mạnh riêng, rất nên thơ, thú vị trong mắt du khách quốc tế. Chúng ta khảo sát tour mới mang tên “TP xanh bên dòng sông Sài Gòn” khởi hành từ bến Bạch Đằng đi tham quan một số địa điểm ở TP Thủ Đức là một ví dụ.
Du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của TP, chụp ảnh những công trình, kiến trúc mang tính biểu tượng (cầu Thủ Thiêm, tòa nhà Landmark 81), lắng nghe những câu chuyện lịch sử nhìn từ sông Sài Gòn; tham quan Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc; trải nghiệm đạp xe tham quan Bảo tàng Áo Dài, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, nghe làn điệu hát ru truyền thống… Đây là một trong những tour phục vụ khách Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu… trong thời gian tới. Mặc dù được đánh giá cao về chất lượng tour nhưng chúng tôi sẽ ngồi lại cùng các hãng lữ hành để điều chỉnh “thực đơn”, hay việc góp ý sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thái độ phục vụ tại điểm đến…
Đối với các điểm du lịch sẵn có cũng sẽ trau chuốt hơn. Cần Giờ, lâu nay du khách khá thích thú với món đặc sản rau rừng Vàm Sát như rau bui, lìm kìm; tham quan khu bảo tồn dơi nghệ... Các hãng lữ hành cũng cho biết, nhiều đoàn khách Nhật Bản “đến hẹn lại lên” tham gia tour du lịch sinh thái, trồng rừng, trải nghiệm làng nghề tại huyện Cần Giờ… Không bằng lòng với ưu điểm sẵn có, muốn giữ chân dòng khách khá “kỹ tính” này thì doanh nghiệp phải chịu khó đầu tư sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Việc nắm rõ yếu tố văn hóa, tâm lý cũng là những điểm cộng để giữ chân du khách bền lâu.
Ngoài ra, du lịch TPHCM sẽ tập trung vào các điểm nhấn xanh, văn hóa lịch sử dân tộc; về lâu dài sẽ phát triển các trung tâm mua sắm, cung ứng dịch vụ cao cấp phục vụ dòng khách chi tiêu cao.
- Bà có thể nói rõ hơn về cách thức tổ chức, đưa đón, bố trí lưu trú cho du khách quốc tế?
- Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, từ tháng 12-2021, TPHCM sẽ thí điểm cho phép các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện đón khách đến TPHCM theo chương trình du lịch trọn gói khép kín. Khách du lịch đến TP thông qua các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ. Du khách chỉ tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi theo đúng lộ trình định sẵn nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tiếp đó, tháng 1-2022, TP sẽ đón khách quốc tế và có thể kết hợp nhiều điểm đến giữa TP và các địa phương - đã cho phép đón khách. Kể từ tháng 4-2022, TP dự kiến sẽ mở lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, TP cũng đề xuất mở lại một số đường bay quốc tế từ TPHCM đến San Francisco, Los Angeles (Mỹ); London (Anh); Frankfurt (Đức)…
Du khách nước ngoài sinh sống và làm việc tại TPHCM tham quan xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cuối tháng 10-2021
- Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch TPHCM làm thế nào để đảm bảo an toàn cho khách đến tham quan, lưu trú?
- TPHCM hội đủ điều kiện cần thiết để đón du khách. Đó là người dân (18 tuổi trở lên) đã được tiêm vaccine mũi 1 đạt tỷ lệ gần 100%, mũi 2 đạt tỷ lệ trên 90%. Bên cạnh đó, hệ thống y tế TP đã sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế và có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19. Số ca tử vong và chuyển nặng trên địa bàn đã giảm mạnh, hệ thống y tế không còn quá tải.
Đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, tham gia đón khách phải tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tất cả người lao động tham gia trực tiếp vào quy trình đón, phục vụ du khách được tiêm đủ liều vaccine; thực hiện thông điệp “5K” trong quá trình làm việc; thiết lập đường dây nóng, bố trí cán bộ, người lao động làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách; tập huấn an toàn, hướng dẫn khách xét nghiệm nhanh, lưu giữ kết quả… Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú chủ động bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, tôi tin TP có thể tổ chức đón khách du lịch quốc tế, khai thác hiệu quả mùa cao điểm của du lịch quốc tế (mùa trú đông, đón Giáng sinh, năm mới 2022, Tết Nguyên đán, các sự kiện du lịch MICE cuối năm và đầu năm...). Từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, góp phần khôi phục ngành du lịch và các ngành kinh tế dịch vụ liên quan.
- Việc phối hợp xử lý được thực hiện ra sao nếu trong đoàn có khách dương tính với virus SARS-CoV-2, thưa bà?
- Ngành du lịch đã lên sẵn phương án xử lý khi phát hiện các ca lây nhiễm. Quy trình xử lý xuyên suốt, bao gồm tách trường hợp nghi nhiễm đưa về đội phản ứng nhanh ở từng quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý, sau đó đưa đến cơ quan y tế xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định là F0 sẽ xử lý bước kế tiếp theo quy trình của Bộ Y tế. Các đội phản ứng nhanh đóng vai trò “bộ mặt” của ngành du lịch, tích cực hỗ trợ du khách, giúp du khách yên tâm khi đến tham quan TPHCM.
Căn bản là, khách quốc tế đến TPHCM phải đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch. Đó là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng đối với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ). Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận.
Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng. Khách có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm). Khách phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000USD hoặc tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành…
- Xin cảm ơn bà.