Sau khi đoàn của Bộ NN-PTNT có cuộc thăm, làm việc với chợ quốc tế Rungis - chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất trong khối Liên minh châu Âu (EU) và thế giới, đoàn công tác cấp cao của TPHCM vừa có cuộc khảo sát, tìm hiểu để từ đó đối chiếu, phân tích, áp dụng những điểm tối ưu nhất, phù hợp cho hệ thống chợ đầu mối tại TPHCM.
Trên tổng thể, cần xác lập rõ vị thế trung tâm của chợ đầu mối về logistics hàng hóa và kiểm định, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Là trung tâm logistics về hàng hóa, chợ Rungis có địa thế nằm sát sân bay, bao phủ và kết nối mạng lưới giao thông cho cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Mỗi ngày, khoảng 10% lượng hàng tươi sống được chuyển ra sân bay Orly ngay sát chợ để xuất khẩu và kết nối thủy - bộ, cung cấp hàng nông sản thực phẩm cho toàn bộ thủ đô Paris (Pháp) và các vùng phụ cận với 18 triệu dân. Về điểm này, TPHCM với 7 phân khu quy hoạch logistics cần phục hồi và gắn kết trực tiếp với hệ thống giao thông vận tải đường thủy, đường hàng không, nhằm phục vụ giao thương cho 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn.
Đây là điểm then chốt cả về mặt xây dựng các quy hoạch, cả về mặt triển khai cụ thể của chương trình logistics thành phố.
Chợ Rungis là trung tâm kiểm định, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm với 70 cán bộ thú y, thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh thực phẩm từ khâu nhập hàng tới khi xuất hàng.
Các mặt hàng tại chợ Rungis, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, đều có thể truy nguồn gốc. Trung bình mỗi năm, khoảng 10.000 mẫu lấy tại đây được phân tích trong phòng thí nghiệm, tìm dấu vết dư lượng hoóc môn, kháng sinh, hóa chất, hay ký sinh trùng. Ngoài tuân thủ nghiêm ngặt nhiệt độ bảo quản thịt, để đảm bảo vệ sinh cho hàng tươi sống, thịt được treo cao bằng hệ thống rơ-moóc tự động, chứ không bày bán trên bàn. Khu bán thịt tươi sống cũng là một trong khu vực sầm uất nhất của chợ.
Ở đây, thịt sau khi giết mổ sẽ lập tức được bảo quản ở nhiệt độ 3-40C để tránh sự xâm lấn của vi khuẩn. Vì thế, khu vực bán thịt tươi sống luôn được duy trì ở mức nhiệt độ này. Khoảng 30% tổng ngân sách vận hành toàn khu chợ được dành cho lau rửa sàn, thu gom rác, xử lý rác…
Thực địa Rungis cho thấy, chợ buôn bán tất cả hàng hóa nông sản và ngư nghiệp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khu vực bán rau củ quả, trái cây tươi nhiều loại tới từ các trang trại trên khắp nước Pháp; đồng thời còn có hàng nhập khẩu từ các nước trong cộng đồng EU, châu Á, châu Phi...
Chợ đầu mối Rungis là một mô hình của kinh tế tuần hoàn. Người buôn bán vãn dần vào khoảng 7 giờ sáng, sau đó rau quả thực phẩm không có người mua được phân loại nhanh, loại còn dùng được chuyển cho các tổ chức từ thiện, loại bắt đầu hư hỏng đưa đi ủ làm phân bón ruộng. Rác bao bì được xử lý thành điện năng đủ phục vụ cho toàn khu chợ và một phần cho sân bay Orly.
Chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhìn từ bộ máy quản trị, chợ đầu mối là một trung tâm phức hợp (đa chức năng về thương mại - dịch vụ) cũng như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, giao dịch, và thúc đẩy các hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất, người mua hàng, các công ty môi giới (thương lái), các công ty cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Với tính năng phức hợp và giao thương bao phủ như thế, thông qua cuộc khảo sát, tìm hiểu lần này, đã gợi mở cho thành phố về việc cùng đối tác Pháp tư vấn nghiên cứu xây dựng, thậm chí cùng tham gia đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2, hay hợp tác để hình thành kết nối các khu logistics với 3 chợ đầu mối thành phố (giao thông, kho bãi, dịch vụ xuất - nhập khẩu, tài chính - tín dụng, bảo hiểm…), tổ chức lại các chợ đầu mối thành phố theo mô hình phù hợp với xu thế phát triển mới.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cần tập trung khai thác thị trường nội địa, trong đó khai thác mô hình chợ đầu mối với tư cách một hệ thống kết nối, hợp tác phát triển cùng nhau, không chỉ ở lĩnh vực giao thương mà còn kích hoạt các chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, kích cầu mua sắm, tiêu dùng phục vụ cho kinh tế dịch vụ, thương mại của thành phố.
Với TPHCM, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc đã được Ban An toàn thực phẩm thực hiện trong nhiều năm qua. Song, ở cấp độ ban, năng lực lẫn bộ máy chưa thể kiểm soát được tình hình thực tế, nên đang được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố vừa được Quốc hội thông qua.
Góc độ liên kết - hợp tác, rõ ràng chợ đầu mối kết nối toàn bộ người sản xuất và tiêu dùng ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất (từ sản phẩm đến phế phẩm).