(ĐTTCO) - Năm 2016 TPHCM đã có nhiều nỗ lực triển khai thực thiện 7 chương trình đột phá. Trong đó đã bước đầu đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong các lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư
Có nhiều nguyên nhân và kinh nghiệm đúc kết cho thấy có những khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm các động lực đột phá cho TP. Vì vậy những đột phá thật sự mới đủ tiếp sức cho thành công và tạo động lực để vượt qua rào cản. TPHCM sẽ kiên trì tiếp tục đề xuất những đột phá về thể chế vì khát vọng vươn lên của TP. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM |
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết TP đã thực hiện hoàn thành đạt và vượt 9/12 chỉ tiêu kế hoạch năm; 2 chỉ tiêu là cấp nước sạch và xử lý nước thải công nghiệp chưa đạt; các chỉ tiêu về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) chưa được xếp hạng.
Kinh tế TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,05% so cùng kỳ 2015 (cùng kỳ tăng 7,72%), bằng 1,28 lần tốc độ tăng GDP của cả nước (cùng kỳ bằng 1,16 lần), chiếm hơn 23% GDP của cả nước (cùng kỳ 22,8%), hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP: GRDP đạt 8-8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, bình quân 11 tháng tăng 1,76% so cùng kỳ (cả nước tăng 2,47%). Thu ngân sách đạt 101,85% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cải cách hành chính có chuyển biến, môi trường kinh doanh được cải thiện; sản xuất - kinh doanh tiếp tục phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30% GRDP; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn đăng ký (có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,7% so cùng kỳ, tổng vốn đăng ký và bổ sung tăng 35,8% so cùng kỳ).
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo… có tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Các chương trình hành động thực hiện 7 chương trình đột phá của TP được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, đây là cơ sở để đẩy mạnh việc thực hiện trong những năm tiếp theo.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong năm 2016, tính chung cả vốn thu hút dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCN) mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thu hút 3,7 tỷ USD. Qua đó, nâng số vốn FDI đầu tư vào TP đạt 40,99 tỷ USD, với 6.485 dự án FDI còn hiệu lực.
Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới GCN có 713 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,3 tỷ USD (so cùng kỳ tăng 45,3% về số dự án), đồng thời có 174 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 465,6 triệu USD. Đáng chú ý, theo ghi nhận vốn FDI đưa vào thực hiện đạt trên 47.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. TP cũng chấp thuận cho 1.900 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp của TP với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,9 tỷ USD.
Về kế hoạch thực hiện thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới, TP đang tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư để hoàn thành thủ tục đầu tư, đồng thời tập trung giải quyết nhanh các hồ sơ đã và đang tiếp nhận để cấp GCN cho các dự án.
Cụ thể, các dự án do Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP cấp đăng ký đầu tư như dự án Nipro Pharma (Nhật Bản) với vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD; dự án Vivian Holdings (Hàn Quốc) với vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD; dự án Makino (Singapore) với vốn đầu tư dự kiến 4 triệu USD…
Đột phá hạ tầng giao thông
Để vươn lên TPHCM phải có tầm nhìn và tư duy đột phá, đây là điều kiện tiên quyết để xoay chuyển tình thế chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Đó phải là tầm nhìn tổng thể - bài bản, dựa trên sự đổi mới hệ thống thể chế kinh tế quốc gia; đi đầu cải cách mang lại lợi ích quốc gia chứ không chỉ vì TPHCM. Phải để TPHCM vượt trước, đây là nhiệm vụ quốc gia, trách nhiệm của đầu tàu. TPHCM phải là trung tâm dẫn dắt phát triển kinh tế của quốc gia. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Trong bối cảnh đầu tư công thắt chặt, vốn ngân sách hạn hẹp, nhưng TPHCM đã tạo ra sự khác biệt thể hiện qua việc xây dựng cơ chế đột phá trong thu hút vốn, giải phóng mặt bằng, mở rộng các hình thức đầu tư để tìm kiếm nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị, xứng đáng là trung tâm kinh tế năng động của cả nước.
Điển hình, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe đầu năm 2015 với chiều dài 54km, đã kết nối hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây nguyên, duyên hải miền Trung, kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai và hệ thống nhóm cảng biển số 5 Bà Rịa - Vũng Tàu - TPHCM.
Đường cao tốc còn góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, nút giao thông Thủ Đức và cả trên tuyến Xa lộ Hà Nội cũng như rút ngắn thời gian đi từ Dầu Giây, Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân các địa phương trong khu vực công trình đi qua.
Tương tự, công trình cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông TP sau khi thông xe đã giúp kết nối với đường D1, D2 trong Khu công nghệ cao TPHCM ra Xa lộ Hà Nội và đường Lê Văn Việt, tạo ra hướng giao thông mới từ đường vành đai phía Đông ra Xa lộ Hà Nội, rút ngắn khoảng cách lưu thông từ Khu công nghệ cao ra các cảng biển và về phía Tây Nam TP, đồng thời kéo giảm tình trạng quá tải hiện nay trên những cung đường Đồng Văn Cống, đường Mai Chí Thọ ra nút giao Cát Lái.
Trong khi đó, công trình xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (2,7km) với tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng cũng vừa được khởi công xây dựng. Dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh, khép kín tuyến đường Vành đai 2 quan trọng nhất TP, có tác dụng kết nối thuận lợi với các tuyến Quốc lộ 1, 1K, 13, 22, 50 và các tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành… cũng như tất cả tuyến đường hướng tâm và xuyên tâm TP.
Đặc biệt, ngoài dự án đường trên cao vào cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng đang được xúc tiến đầu tư, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM bổ sung quy hoạch một số dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, cầu Cát Lái (nối TPHCM với Đồng Nai) sẽ là cầu dây văng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km (riêng cầu khoảng 3,4km), vận tốc thiết kế 80km/h với 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh sẽ kết nối trung tâm TP với Cần Giờ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thông và tạo sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Ngoài ra các tuyến metro số 1 cũng ngày càng rõ nét, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2020; tuyến metro số 2 đang trong quá trình đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dự kiến hoàn thành trong năm 2024; xúc tiến đầu tư tuyến metro số 5...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, biểu tượng đặc trưng của TPHCM. Ảnh: NGUYỄN XUÂN THANH |
Chỉnh trang đô thị, nâng chất lượng sống
Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, TP sẽ dồn sức để di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư hư hỏng xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng và phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TP được chủ động phân cấp, phân quyền với 5 nội dung, trong đó được chủ động trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để TP xây dựng một TP sống tốt. Quan điểm của TP là dù khó khăn thế nào cũng không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm. Dự án di dời bố trí tái định cư cho người dân sẽ được triển khai theo mô hình đối tác công - tư nhằm giảm thấp nhất việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Với định hướng trên, trong giai đoạn 5 năm tới, TP sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội (giai đoạn 3 và 4)... với quy mô giải tỏa, di dời khoảng 304 căn. Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ (địa bàn quận 4, 7, 8) để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 với quy mô giải tỏa, di dời khoảng 7.031 căn.
Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước gồm rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn. TP phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc 2 bên bờ kênh, rạch.
Thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016-2020, trong năm 2016 TP tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng toàn bộ chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn, hoàn thành việc lựa chọn chủ đầu tư tham gia xây dựng mới thay thế các chung cư cũ hư hỏng nặng đối với 23 chung cư (44 lô) đã có kết quả kiểm định chất lượng cấp D.
Mục tiêu đến năm 2020, thực hiện cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới 50% số lượng chung cư cũ hư hỏng (237 chung cư) trong tổng số 474 chung cư (565 lô) để tiến hành đầu tư xây dựng mới thay thế, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.