TPHCM: Thu hút những ngành nghề công nghệ cao, sử dụng ít đất

(ĐTTCO) - Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM quy định rõ những ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. 

Tăng sức cạnh tranh

Nghị quyết 98 tại Điều 7 quy định danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút, điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng, trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án, ưu đãi và nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược… Quy định này được xem là một trong những cơ chế chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách này được thiết kế nhằm tạo sự thông thoáng về thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, giúp nhà đầu tư chiến lược có thêm động lực để đầu tư tại TPHCM.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, TPHCM đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, chưa có hành lang pháp lý vượt trội so với mặt bằng chung của cả nước hoặc đủ cạnh tranh với các nhà đầu tư trong khu vực. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu qua quy trình thông thường, thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì thường các tập đoàn lớn không tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện rất dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.

May giày thể thao xuất khẩu tại Công ty TNHH Freetrend Industrial (doanh nghiệp FDI tại TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

May giày thể thao xuất khẩu tại Công ty TNHH Freetrend Industrial (doanh nghiệp FDI tại TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Đồng thời, các nhà đầu tư chiến lược thường cân nhắc nhiều địa điểm tại nhiều quốc gia khác nhau để triển khai dự án và tổ chức đàm phán các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thời gian triển khai và địa điểm triển khai. Do đó, nếu không có cơ chế đủ mạnh thì TPHCM không thể cạnh tranh với các địa phương ở các quốc gia khác.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, mặc dù TPHCM đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng kết quả đến nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu thực tiễn. Quỹ đất để thu hút các dự án phục vụ cho sản xuất công nghiệp không còn nhiều. Vì vậy, cần tập trung thu hút những ngành nghề công nghệ cao, sử dụng ít đất.

Mong muốn ưu đãi vượt trội

Góp ý về việc thực hiện thu hút nhà đầu tư chiến lược, Th.S Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thành viên Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho hay, qua khảo sát, “các nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ đang chờ đợi TPHCM đưa ra cơ chế, chính sách bền vững để đầu tư lâu dài, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo, bán dẫn”.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 98 thì khi có 2 nhà đầu tư chiến lược cùng đáp ứng được các điều kiện, sẽ phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, theo Th.S Nguyễn Xuân Thành, nếu vẫn áp dụng chính sách này, các nhà đầu tư chiến lược cho biết sẽ rất khó thu hút dự án. Vì vậy, một số chuyên gia đề xuất lồng ghép cơ chế chỉ định nhà đầu tư chiến lược vào chủ trương đầu tư.

"Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không chỉ nên tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài. TPHCM cũng nên mạnh dạn tạo điều kiện cho nhà đầu tư lớn trong nước tham gia", GS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cũng cho rằng, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn phải có quy mô vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên, hay đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải có quy mô vốn trên 50.000 tỷ đồng… Với các nhà đầu tư tầm cỡ như vậy, yêu cầu họ tham gia đấu thầu có thể bị xem là không tôn trọng họ, thậm chí nếu có mời chưa chắc họ đã làm.

Do vậy, quy định phải tham gia đấu thầu như các loại hình đầu tư khác là không phù hợp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu ra thách thức trong thực thi Nghị quyết 98 là thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng gắn với cơ chế đối tác công tư (PPP). Bởi các dự án theo cơ chế này đòi hỏi phải có phần vốn nhà nước tham gia. Nếu TPHCM không chuẩn bị được nguồn vốn tham gia thì cũng không làm được các dự án PPP.

Do đó, TPHCM cần xác định rõ nguồn vốn. Mặt khác, trong quá trình triển khai PPP sẽ có thể phải đối mặt rủi ro, dẫn đến tranh chấp. Vì vậy, ngay trong bước soạn thảo hợp đồng PPP phải rất chú trọng đến vấn đề bảo lãnh rủi ro, dự phòng các rủi ro.

Điều 7 Nghị quyết 98 quy định ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM là đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ (500 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng hoặc 9.000 tỷ đồng trở lên, tùy lĩnh vực) và kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự với tổng vốn đầu tư có thể từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Các tin khác