Theo đó, báo cáo chỉ số PCI 2024 do VCCI công bố, TPHCM xếp hạng thứ 29 trong tổng số 63 tỉnh, thành được xếp hạng, tụt hai bậc so với kết quả xếp hạng PCI 2023 (đứng thứ 27).
Cùng nhóm 30 với TPHCM còn có các thành phố trực thuộc Trung ương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ. Điểm số của những địa phương này đều có sự cải thiện so với PCI 2023, dù mức độ cải thiện có khác nhau.

Tuy nhiên, xét theo điểm số trung bình PCI của các tỉnh/thành trong giai đoạn 2006-2024 thì TPHCM lại xếp hạng thứ 49.
Báo cáo PCI 2024 cũng cho thấy, năm 2024, TP Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng với 74,84 điểm.
Thứ hạng cao của TP Hải Phòng phản ánh nỗ lực chung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, với các sáng kiến bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư. Những cải cách này góp phần cải thiện ở các lĩnh vực của chỉ số PCI Hải Phòng: có tới 7/10 lĩnh vực điều hành của TP Hải Phòng có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức.

Đứng thứ 2 là Quảng Ninh (73,20 điểm), tụt hạng sau nhiều năm liên tiếp chiếm ngôi đầu bảng. Vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt thuộc về Long An (72,64 điểm) và Bắc Giang (71,24 điểm).
Các địa phương còn lại trong nhóm 10 gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (71,17 điểm), Huế (71,13 điểm); Hậu Giang (70,54 điểm); Phú Thọ (70,35 điểm); Đồng Tháp (70,35 điểm) và Hưng Yên (70,18 điểm).
Đáng chú ý, báo cáo PCI năm nay cũng nêu ra thực tế đáng lo ngại là chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại. Năm 2024, gần 37% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023.
Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước), tỉ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với năm 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023).
Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương cũng nhích từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.