Chương trình bán hàng bình ổn của TPHCM đã trở thành một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả. Thông qua chương trình, ngoài việc khuyếch trương thương hiệu sản phẩm, đã giúp các doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, mở rộng mạng lưới phân phối; góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguồn hàng dồi dào với giá cả phù hợp; góp phần kéo giảm lạm phát, bảo đảm an sinh đối tượng thu nhập thấp. Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn 2012, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM về chương trình này.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiểm tra mặt hàng sữa bột bình ổn giá |
- PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, TPHCM đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Bình ổn giá có phải là giải pháp căn cơ để kiềm chế giá thường tăng mạnh trong dịp Tết và những tháng đầu năm?
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG: - Thông thường, vào thời điểm trước tết âm lịch thị trường diễn biến phức tạp. Nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng từ 20-40% so với ngày thường và sức mua sẽ tiếp tục tăng cao vào thời điểm giáp tết nên giá một số mặt hàng có xu hướng tăng.
Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, ngay từ tháng 4-2011 TP đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012.
Theo đó, đảm bảo số lượng hàng tham gia bình ổn tết chiếm khoảng 30-40% so với nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường phải lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa, niêm yết và bán đúng giá đã cam kết với TP.
Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn cao gấp 3-4 lần số lượng theo kế hoạch TP giao.
UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Sở Công Thương, Sở Tài chính, Chi cục Quản lý thị trường, UBND các quận, huyện… thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ và các cơ quan trung ương; tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống đầu cơ, găm hàng, kiểm tra các biểu hiện liên kết chiếm lĩnh vị trí độc quyền để tăng giá, ép giá, tùy tiện nâng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra việc chấp hành các cam kết của các doanh nghiệp tham gia bình ổn đối với các loại hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo đúng quy định; tập trung theo dõi sát sao tình hình diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả; nâng cao năng lực phân tích, dự báo để kịp thời ứng phó, điều tiết thị trường khi có biến động.
- Năm 2011, triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, TP đã thực hiện hàng loạt giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó có chương trình đưa hàng hóa bình ổn đến các siêu thị, điểm bán lẻ. Đánh giá của bà về kết quả đạt được?
- Mục đích của chương trình là đưa hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng, nên 3 năm qua TP đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển mạng lưới bán lẻ vào các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), các huyện ngoại thành và quận vùng ven. Việc hình thành, phát triển mạng lưới thương mại tiện ích, văn minh đã góp phần giảm chợ tự phát (lấn chiếm lòng lề đường gây ách tắc giao thông), đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần cải thiện tích cực thói quen của người dân trong mua sắm, tiêu dùng.
TP đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng tần suất đưa hàng hóa về các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng ngoại thành, công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Đặc biệt, các đoàn thể của TP đã tích cực tham gia Chương trình bình ổn.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng mặt bằng hiện hữu của gia đình hội viên, đoàn viên để mở các điểm bán các nhóm mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường.
TP thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn vay từ nguồn vốn ngân hàng thương mại, nguồn vốn của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV; tổ chức gặp gỡ, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về vốn, lãi suất vay, nhu cầu ngoại tệ... Tuy nhiên, bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động tìm các hướng đi mới để biến các thử thách thành cơ hội phát triển; khẳng định được tầm nhìn cũng như tính năng động, khả năng tự đổi mới, biết đón đầu các cơ hội, chủ động vượt qua mọi khó khăn, tự tin bước vào quá trình hội nhập kinh tế. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, |
Kết quả, đến nay đã có 4.208 điểm bán bình ổn của 36 doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng 993 điểm so thời điểm đầu chương trình, góp phần giảm bớt khó khăn cuộc sống của người dân; phát triển trên 878 điểm bán bình ổn thị trường tại 151 chợ truyền thống; 456 điểm bán tại các quận ven và huyện ngoại thành.
Đặc biệt, huyện Cần Giờ đã khai trương 5 cửa hàng tiện lợi, phát triển 4 điểm bán lẻ, xây dựng Siêu thị Sài Gòn Co.op tại thị trấn Cần Thạnh. Bên cạnh đó đã phát triển được 9 điểm bán cố định, trong đó có 1 siêu thị, 6 cửa hàng tiện lợi và 2 cửa hàng tại các KCX-KCN.
Dự kiến đến 30-4-2012, chương trình sẽ phủ kín các cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn thị trường tại 13/13 KCN-KCX trên địa bàn TP. Đến nay TP đã tổ chức được 547 chuyến bàn hàng lưu động, trong đó có 335 chuyến bán hàng về khu vực ngoại thành và 89 chuyến về các KCX - KCN, 123 chuyến đến các khu dân cư, ký túc xá sinh viên...
- Thời gian gần đây, lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). TP có giải pháp gì hỗ trợ cho doanh nghiệp, thưa bà?
- Lãnh đạo TPHCM luôn nhận thức vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế của TP. Trong nhiều năm qua, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế hiện nay, chính quyền TP đồng hành, chia sẻ và đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, như ban hành Quyết định 33/2011/QĐ-UBND quy định về các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của TP; trong đó TP sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh các dự án đầu tư trên lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục, sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại.
Các cơ quan chức năng của TP đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.
- Thủ tướng Chính phủ nêu quyết tâm, trong năm 2012 sẽ kéo lạm phát xuống còn 9%. Phó Chủ tịch UBND TP có cho rằng điều này sẽ rất khó khăn?
- TPHCM là trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước. Tỷ trọng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều chiếm 20-30% so với cả nước. Có thể nói, TPHCM có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TPHCM vừa là trung tâm phân phối, trung chuyển vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước, không chỉ lo nguồn hàng cho hơn 10 triệu dân với sức tiêu thụ tăng trưởng 28%/năm, mà còn là đầu mối cung ứng lượng hàng hóa rất lớn cho các địa phương khác. Do vậy, tình hình giá cả tại thị trường TP có những tác động nhất định đến thị trường cả nước.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã đặt ra chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 phấn đấu thấp hơn CPI cả nước (10%), để góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.