TPP-Hoa hồng có gai

Sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi các điều khoản trong Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi. Song với việc hoàn tất đàm phán vào ngày 5-10, TPP đã kết thúc một chặng đường dài sau 10 năm khởi xướng và 5 năm đàm phán của 12 quốc gia, đã đạt được sự đồng thuận mang tính lịch sử. Với Việt Nam, tham gia TPP cũng có nghĩa gia nhập một sân chơi đẳng cấp cao nhất từ trước đến nay. Cơ hội mở ra nhưng thách thức cho chặng đường sắp tới cũng không hề nhỏ.

Sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi các điều khoản trong Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi. Song với việc hoàn tất đàm phán vào ngày 5-10, TPP đã kết thúc một chặng đường dài sau 10 năm khởi xướng và 5 năm đàm phán của 12 quốc gia, đã đạt được sự đồng thuận mang tính lịch sử. Với Việt Nam, tham gia TPP cũng có nghĩa gia nhập một sân chơi đẳng cấp cao nhất từ trước đến nay. Cơ hội mở ra nhưng thách thức cho chặng đường sắp tới cũng không hề nhỏ.

2 ngành chủ lực: Dệt may, thủy sản

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG,  tham gia TPP là cơ hội lớn cho ngành dệt may. Bởi thuế suất bình quân dệt may đang 17,5-18% sẽ xuống còn 0%. Các đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng và sẽ có sự cạnh tranh về giá tốt hơn.

Dù doanh nghiệp còn nhập nguyên vật liệu nhiều từ Trung Quốc, nhưng khi Việt Nam tham gia TPP cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư nguyên phụ liệu (như ở Móng Cái đã có nhà đầu tư bỏ hơn 1 triệu USD vào nhà máy dệt để đón đầu TPP). Như vậy, những doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên vật liệu chi phí sẽ giảm, kéo giá thành sản phẩm giảm theo.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp sẽ là cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt về lao động, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào nhà máy Việt Nam để tìm kiếm cơ hội từ TPP.

Dưới tác động của TPP, Việt Nam sẽ gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dệt, da giày tăng sản lượng và xuất khẩu. Theo đó, tham gia TPP, GDP Việt Nam sẽ tăng 2%, đầu tư toàn xã hội tăng ấn tượng nhất trong các nước thành viên, lên tới 30%. Về giá trị tuyệt đối, Việt Nam sẽ có thêm gần 13 tỷ USD vốn đầu tư, xấp xỉ mức tăng của Nhật Bản, gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Hoa Kỳ.

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Ông Trương Đình Vấn, Phó Giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam), cho rằng để tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức, sắp tới doanh nghiệp sẽ tập trung 3 mũi nhọn: sản xuất, tìm thị trường và nguồn nguyên liệu. Trong đó, nguồn nguyên liệu sẽ đặc biệt được chú trọng.

"Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên về dệt, 100% sợi do trong nước sản xuất, không phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tham gia TPP, chúng tôi sẽ có cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu đa dạng hơn từ nhiều thị trường với mức giá rẻ chất lượng cao. Đó là cơ hội chúng tôi sẽ tận dụng" - ông Vấn nói.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành hưởng lợi lớn nhất là dệt may. Các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP và 31% là mặt hàng quần áo, dệt may và da giày), đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Hoa Kỳ và thứ 3 vào thị trường Nhật Bản. Sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020, dựa trên dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Cũng theo dự báo của WB, tính chung tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành có thể ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.

Bên cạnh đó, thủy sản cũng sẽ có lợi thế tại thị trường Nhật Bản khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình 6,4-7,2% hiện tại.

Tại thị trường Hoa Kỳ, TPP sẽ không tác động lớn đến các doanh nghiệp thủy sản do doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế 0,97USD/kg, các doanh nghiệp cá tra hầu như không thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ do không đủ bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công...

Sức ép cạnh tranh trên sân nhà

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP, tự tin khi cho rằng với hành trang hội nhập 20 năm, Việt Nam đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là sức ép cạnh tranh, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.

"Cuộc đàm phán đã xong nhưng ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Hy vọng đến lúc đó Việt Nam đã cơ bản tái cơ cấu nông nghiệp để sức cạnh tranh lớn hơn và chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì là nước nông nghiệp Việt Nam lại không thắng trong sản phẩm nông nghiệp" - ông Khánh nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam), TPP được kỳ vọng mang tới những lợi ích to lớn. Đó là cơ hội xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng nguồn cung giá hợp lý cho sản xuất, chất lượng dịch vụ tốt hơn và giá rẻ hơn…

Tuy nhiên, đây mới là cơ hội và chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta hành động thích hợp, đáp ứng các điều kiện liên quan. Thách thức xuất hiện từ đây, không phải ở chỗ chúng ta sẽ bị mất những gì, mà chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những lợi ích lẽ ra có thể thu được từ TPP.

Theo đó, cam kết của Việt Nam trong mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước TPP sẽ vấp phải những đối thủ cạnh tranh rất mạnh về năng lực cạnh tranh, quy mô vốn, kinh nghiệm. Nếu không cạnh tranh nổi, doanh nghiệp sẽ mất thị trường, lợi nhuận, doanh thu, thậm chí có thể phải đóng cửa.

Việt Nam sẽ phải chủ động cải cách thể chế để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội TPP mang lại. Các tiêu chuẩn rất cao của TPP về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Để thực thi cam kết TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một khối lượng lớn các quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Trả lời câu hỏi của ĐTTC về việc có lo ngại doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn khi dòng vốn FDI tiếp tục sẽ đổ vào, bà Trang cho rằng chúng ta hay nhìn cơ hội lợi ích từ một cam kết thương mại quốc tế giống như cái bánh. Có người lấy được phần bánh lớn, tức người khác phải chịu phần nhỏ, thậm chí không còn mẩu bánh lợi ích nào.

"Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) giống như cơn mưa, ai hứng được nhiều thì hứng, không hứng được sẽ bỏ phí, không ai làm mất phần của ai cả. Thí dụ, cơ hội xuất khẩu vào các nước TPP với thuế 0%, doanh nghiệp FDI xuất khẩu được, đáp ứng được các điều kiện, họ được hưởng thuế ưu đãi. Doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, Tuy nhiên, cạnh tranh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa sẽ gay gắt hơn, nguy cơ của doanh nghiệp nội sẽ lớn hơn. Song doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế sân nhà như kiến thức về văn hóa, về thói quen tiêu dùng… " -  bà Trang nói.

 Theo Ủy ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế, việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ các nước đối tác TPP dự kiến sẽ gây ra 2 bất lợi trực tiếp.

Thứ nhất, giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lượng thất thu từ thuế nhập khẩu từ các đối tác TPP không thật sự lớn, nên tác động bất lợi này không quá nghiêm trọng.

Thứ hai, giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Hệ quả là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Đây là thực tế đã từng xảy ra khi chúng ta thực hiện các FTA, đặc biệt là ACFTA với Trung Quốc. Nguy cơ này tác động mạnh đến nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn.

Động lực cải cách thể chế

Các chuyên gia, quan chức đều cho rằng động lực quan trọng nhất TPP mang lại là cải cách thể chế. Theo ông Trần Quốc Khánh, giống như tham gia WTO, TPP đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa; chống tham nhũng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này buộc bộ máy hành chính phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của doanh nghiệp, người dân làm trọng tâm phục vụ. Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ tạo ra các bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ. Đây là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam hạn chế nhất.

Cơ hội lớn nhất khi tham gia TPP là ngành dệt may Việt Nam.
Cơ hội lớn nhất khi tham gia TPP là ngành dệt may Việt Nam.

So với cách thức đàm phán chọn-cho của WTO, phương pháp chọn-bỏ của TPP sẽ khiến việc mở cửa dịch vụ của Việt Nam đối với các đối tác TPP thay đổi mạnh mẽ. Đây cũng chính là điểm được suy đoán sẽ tạo ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt hậu TPP.

Bởi lẽ, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là Hoa Kỳ) có thể khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn. Tuy nhiên, cạnh tranh lại là động lực để doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng ngoài vấn đề kinh tế, cũng liên quan tới được - mất, 2 khía cạnh khác của TPP dường như Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất. Thứ nhất, cơ hội về cải cách thể chế khi TPP bao gồm các cam kết cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ... Đây là những việc chúng ta đã và đang làm, các cam kết TPP sẽ cung cấp thêm động lực to lớn để chúng ta thực hiện công việc này hiệu quả hơn.

Thứ hai, cơ hội về xã hội và phát triển bền vững khi TPP chứa đựng các cam kết tham vọng về tiêu chuẩn lao động, môi trường… TPP với các cam kết hỗ trợ kỹ thuật có thể giúp chúng ta thực hiện được các mục tiêu này thuận lợi và nhanh hơn. Tất nhiên mức yêu cầu rất cao, nhưng xét cho cùng đó cũng là mục tiêu tốt đẹp về phát triển chúng ta đang hướng tới.

Các tin khác