Việc Trung Quốc kiến nghị cho thanh toán NDT trực tiếp tại Việt Nam, theo nhiều chuyên gia nếu được chấp thuận sẽ làm gia tăng chi phí quản lý hoạt động thị trường ngoại hối, chi phí can thiệp ổn định tỷ giá và áp lực dự trữ quốc tế, đe dọa an ninh tiền tệ của Việt Nam, đặt nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) vào tình trạng rủi ro tỷ giá. Trao đổi với ĐTTC, TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, phân tích:
Đây là một đề xuất không hợp lý, thiếu tôn trọng chủ quyền và hệ thống tài chính Việt Nam. Đề xuất này, theo tôi không phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Tôi tin rằng Chính phủ và NHNN Việt Nam sẽ không chấp thuận vấn đề này, bởi nó sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam.
Thứ nhất, thúc đẩy tình trạng đô la hóa ở Việt Nam, điều mà Chính phủ và NHNN đã phải rất cố gắng trong nhiều năm qua mới hạn chế và duy trì ở mức như hiện nay. Đô la hóa là việc sử dụng ngoại tệ (bất kỳ đồng tiền nước ngoài nào) trong giao dịch thanh toán tại một quốc gia. Vì thế, nếu cho phép sử dụng NDT, đồng nghĩa với việc thực hiện đô la hóa và mức độ không chỉ tăng lên theo số lượng NDT sử dụng, mà sẽ thúc đẩy việc sử dụng những đồng tiền khác như EUR, JPY... trong nền kinh tế.
Thứ hai, đặt nền kinh tế và DN Việt Nam vào tình trạng rủi ro tỷ giá. Mỗi khi giá trị của NDT tăng hoặc giảm, do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, các DN Việt Nam đều có thể bị ảnh hưởng, ít nhất là phát sinh chi phí để tiến hành những nghiệp vụ phái sinh cần thiết nhằm hạn chế rủi ro.
Thứ ba, chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng NDT tại Việt Nam sẽ thúc đẩy các hoạt động NH hải ngoại, vốn là những hoạt động nhận tiền gửi, cho vay và thanh toán bằng ngoại tệ, cụ thể là đồng NDT. Đây là những hoạt động được phát sinh đầu tiên ở Hoa Kỳ và các nước phát triển nhằm hạn chế hoặc trốn tránh sự kiểm soát và quản lý của NH Trung ương.
Thứ tư, chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT là hạ thấp uy tín của VNĐ. Trong khi chúng ta phải rất cố gắng mới có thể kiểm soát và duy trì lạm phát, ổn định sức mua của VNĐ để củng cố lòng tin và uy tín, phấn đấu từng bước đưa đồng tiền quốc gia trở thành một ngoại tệ chuyển đổi, việc chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT đi ngược lại những cố gắng và mong muốn đó.
PHÓNG VIÊN: - Hiện tại trên thế giới đã có nước nào thanh toán NDT và thực tế có rủi ro hoặc ảnh hưởng gì đối với nền kinh tế của họ, thưa TS.?
Việc chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý hoạt động của các NHTM. Mặt khác, nảy sinh các vấn đề dự trữ ngân quỹ bằng NDT để đáp ứng nhu cầu thanh toán của các DN, gây khó khăn và rủi ro cho các NH trong nước. |
TS. ĐẶNG NGỌC ĐỨC: - Khi đi công tác hoặc du lịch ở các quốc gia đang phát triển trong khu vực như Lào, Campuchia... tôi thấy họ có sử dụng đồng NDT trong thanh toán tại các nhà hàng hoặc mua bán hàng hóa ở quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Những hoạt động thanh toán này mang tính chất không chính thức.
Nói chung, tôi chưa thấy có quốc gia nào sử dụng đồng NDT trong những giao dịch thanh toán chính thức. Mặc dù chưa có đầy đủ thông tin để khẳng định về việc sử dụng đồng NDT ở các nước, song có thể thấy nếu sử dụng NDT hay bất kỳ ngoại tệ nào trong thanh toán đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành chính sách tài chính quốc gia, đặc biệt là việc kiểm soát cung - cầu tiền tệ và sự di chuyển của các luồng vốn.
Hơn nữa, sử dụng ngoại tệ nói chung và đồng NDT nói riêng sẽ đặt DN và nền kinh tế trước nguy cơ rủi ro tỷ giá và sự lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của nước ngoài, nhất là chính sách của Trung Quốc.
- Giả sử Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng NDT, DN nên làm gì?
- Một lần nữa tôi tin tưởng Chính phủ và NHNN sẽ không chấp nhận đề xuất thanh toán trực tiếp bằng NDT hay bất kỳ ngoại tệ nào. Song, vì một lý do nào đó đề xuất này được chấp nhận, các DN Việt Nam sẽ luôn phải đề phòng sự biến động phức tạp của thị trường ngoại hối và tỷ giá của đồng NDT.
DN cũng cần kết hợp chặt chẽ với NH để dự báo sự biến động của thị trường và tỷ giá, đồng thời chấp nhận chi phí để thực hiện các nghiệp vụ phái sinh ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro tỷ giá và rủi ro chính trị để bảo vệ lợi ích và giá trị tài sản của DN.
- Theo TS. kiến nghị này có vi phạm các quy định về quản lý và thanh toán ngoại hối hiện nay?
- Đề xuất về sử dụng đồng NDT trong các giao dịch thanh toán nội địa ở Việt Nam là hoàn toàn trái với Pháp lệnh Quản lý ngoại hối của Việt Nam. Cần phân biệt rõ thanh toán biên mậu và thanh toán quốc tế bằng NDT với thanh toán trực tiếp trong nội địa bằng NDT.
Trong thanh toán quốc tế, theo thỏa thuận hay điều kiện về đồng tiền thanh toán, 2 bên thanh toán có thể sử dụng đồng tiền của nước mình (VNĐ - NDT) hoặc đồng tiền của nước thứ 3 để cả 2 bên không bên nào được lợi hay thiệt hại khi có sự thay đổi giá trị của đồng tiền thanh toán. Điều này hoàn toàn khác với việc chấp nhận đồng NDT được sử dụng thanh toán trực tiếp thay thế cho VNĐ.
Thanh toán biên mậu là thanh toán có phạm vi hẹp nhất định ở khu vực biên giới 2 nước theo quy định của 2 nhà nước. Chính phủ và NHNN Việt Nam có quy định về thanh toán biên mậu ở khu vực biên giới Việt -Trung, theo đó các khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng VNĐ và NDT. Điều này không có nghĩa là thanh toán trực tiếp bằng NDT được các quy định của Việt Nam chấp nhận hay đề cập.
- Trân trọng cảm ơn TS.