Bởi vậy, nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường TPDN trong dài hạn theo định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định 368/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Thực tế, những biện pháp sàng lọc thị trường TPDN hiện nay về cơ bản vẫn chỉ nhắm vào những DN có liên quan đến kinh doanh và đầu tư bất động sản (BĐS), mà từ lâu các chuyên gia cho rằng dòng tiền đang không đi đúng hướng. Đơn cử, trong báo cáo đánh giá về những tác động của các chính sách chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN trong thời gian gần đây, FiinRatings, Công ty xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới.
Quy mô dư nợ TPDN của ngành BĐS hiện nay đã chiếm khoảng 189.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021, và số liệu của FiinRatings chỉ ra rằng 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới 2022-2024. Điều này cùng với những sự kiện gần đây đang tạo áp lực trả nợ lớn hơn cho các DN BĐS, đồng thời tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, cụ thể là các công ty chứng khoán và ngân hàng.
Việc cơ quan quản lý vào cuộc rà soát, những vụ việc bị xử lý đã và đang tạo cơ hội cho các sản phẩm TPDN chất lượng khẳng định chỗ đứng với nhà đầu tư chuyên nghiệp, tạo tiền đề để thị trường TPDN thực hiện tốt chức năng cung cấp nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát thị trường TPDN, dư luận lo ngại động thái này có thể kéo theo những tác động không mong muốn đối với kênh huy động vốn này, đặc biệt là các DN lớn đang đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.
Bởi lẽ, một trong những mục tiêu trọng tâm của đầu tư công Chính phủ đặt ra, là xây dựng thêm 3.800km đường cao tốc trong khoảng 10 năm tới (đến năm 2030). Trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) hạn chế, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn, giải pháp huy động vốn qua phát hành TPDN là hợp lý.
Huy động vốn qua phát hành TPDN hiện đã được luật định, mở ra lối đi cho nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nói cách khác, để có nguồn lực đầu tư các dự án ngoài vốn NSNN hỗ trợ và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức khác qua kênh TPDN là một trong những yếu tố quyết định thành bại đối với các dự án đầu tư công đòi hỏi nhiều vốn và thời gian thu hồi kéo dài. Điều này đã được chứng minh trên thực tế.
Thí dụ, thời gian qua các giải pháp tháo gỡ của Tập đoàn Đèo Cả khi triển các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và tranh chấp pháp lý, như các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đều thành công, đa dạng các phương thức huy động vốn, trong đó có vai trò quan trọng từ kênh TPDN.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), một trong những khó khăn lớn nhất của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP hiện nay chính là nguồn vốn huy động. Vì thế, trong 5 năm qua không có dự án PPP nào được triển khai, 5/8 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư đều do không có ngân hàng nào cấp tín dụng.
Nếu cứ đưa điều kiện vốn huy động phải là tín dụng của ngân hàng, cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP đã ký hợp đồng có thể bị vô hiệu vì khả năng ký được hợp đồng tín dụng sau 6 tháng không nhiều hy vọng.
Việc áp dụng các công cụ pháp lý, cơ chế giám sát đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường TPDN không đồng nghĩa với việc làm khó, tạo ra rào cản không cần thiết khiến DN, nhà đầu tư không thể tiếp cận nguồn vốn chính đáng.