Theo UBCKNN, căn cứ để ban hành Quyết định 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Cung điện Mùa Đông và CTCP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), là theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Luật Chứng khoán về thẩm quyền của UBCKNN: đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).
Vi phạm của 3 công ty trên là do họ đều là công ty chưa đại chúng và không báo cáo UBCKNN về các đợt phát hành, chỉ đăng ký thông tin qua cổng thông tin TPDN của Sở GDCK Hà Nội (HNX). Việc này vi phạm quy định Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Liên quan tới vấn đề này, UBCKNN đang phối hợp với HNX, cơ quan có thẩm quyền, đơn vị có liên quan kiểm tra các tổ chức tư vấn, hồ sơ chào bán, đại lý phát hành cho các đợt chào bán của 3 công ty trên, và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Đại diện UBCKNN cho biết, các DN phát hành (công ty đại chúng và chưa đại chúng), tổ chức trung gian (tư vấn hồ sơ chào bán, đăng ký, lưu ký trái phiếu, đại lý phát hành...) có hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ sẽ bị xử lý theo quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (Nghị định 156/2020/NĐ-CP và Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP).
Với hành vi công bố thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.
Trong một số đợt phát hành, Tân Hoàng Minh thực hiện vai trò của đơn vị bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, đại diện trái chủ của công ty thành viên. Có thể, sau đó Tân Hoàng Minh dùng số trái phiếu này để chào bán cho nhiều nhà đầu tư khác.
Theo Luật Chứng khoán 2019, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, với nhà đầu tư cá nhân, đó là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng… Nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán…
Việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam, với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xung quanh việc phát hành TPDN của các công ty thành viên, cho thấy có thể vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc chào bán TPDN đến các nhà đầu tư khác không đúng quy định, thông tin đưa ra không chính xác hoặc sử dụng sai mục đích sử dụng vốn sau phát hành.
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC Nhà đầu tư khó đòi lại tiền ngay Vụ việc Tân Hoàng Minh phát hành và chào bán TPDN thông qua các NHTM ra thị trường có tính chất rất phức tạp và rủi ro nghiêng về phía người mua nhiều hơn. Thứ nhất, theo quy định tại các Khoản 6 và 9, Điều 8 về “Vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ”, Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP: “Hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật” có thể bị phạt tiền từ 400-500 triệu đồng. Thứ hai, theo quy định tại các Khoản 5, 5a, 5b và 6, Điều 42 về “Vi phạm quy định về công bố thông tin”, Nghị định 156/2020/NĐ-CP: “Hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, sẽ bị phạt tiền từ 200-300 triệu đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm”. Cùng với đó, quy định cũng nêu: “Người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét xử lý” khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 42. Thứ ba, vấn đề hủy giao dịch mua bán TPDN. Đối với vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, hiện nay vẫn chưa thể hủy giao dịch, vì việc hủy chỉ được phép khi giao dịch chưa hoàn thành, như giao dịch đang dở dang, đang trong quá trình chào bán phát hiện sai sót, vi phạm nên yêu cầu dừng lại. Còn hành vi “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, cụ thể trong việc phát hành TP, nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015, không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 về “Đình chỉ chào bán chứng khoán ra công chúng”, và cũng không thuộc trường hợp nào trong số 3 điều kiện hủy bỏ chào bán theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 về “Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng”, Luật Chứng khoán năm 2019. Trong trường hợp của Tân Hoàng Minh, muốn hủy bỏ việc phát hành TPDN phải theo bản án hay quyết định của tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 nêu trên. Còn theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, cũng không quy định nào về việc hủy bỏ phát hành TP. |
TS. BÙI TRINH Quy định xếp hạng tín nhiệm TPDN Theo số liệu đến năm 2021, số TP không có tài sản đảm bảo lên đến 83.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng lượng TP phát hành. Trong môi trường đầu tư đầy biến động cho thấy rõ rủi ro của nhà đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý nào quy định cụ thể về phát hành các loại TP không có tài sản bảo đảm. Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, DN huy động vốn TP riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Như vậy Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP phải chăng còn nhiều lỗ hổng trong quy định liên quan đến TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao? Vấn đề đặt ra lúc này là cần có quy định đối với DN như thế nào mới được phát hành TP, không thể như hiện nay DN nhỏ hay lớn đều có thể phát hành TP, còn nhà đầu tư phải chịu rủi ro mà không có gì đảm bảo quyền lợi của họ. Hoặc khi DN niêm yết thông tin phải có cơ quan hoặc tổ chức nào đó thẩm định các thông tin về tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh của DN đó. Về việc tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành TP đúng mục đích, cần bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại TP phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng TP được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của TP, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần bổ sung quy định về đại diện người sở hữu TP để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn TP của DN phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của DN phát hành. |