Liên quan đến TPDN Tân Hoàng Minh: Loạt tổ chức không thể “phủi” trách nhiệm?

(ĐTTCO) - 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ đang làm xôn xao dư luận những ngày qua. Điều bất ngờ là không có tổ chức trung gian nào nhận mình “dính líu” đến việc đầu tư hay phân phối lượng TP khổng lồ đó. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Việc phát hành, chào bán sơ cấp được thực hiện trong vòng tròn hẹp giữa công ty mẹ và các công ty con, rồi sau đó TP được phân nhỏ lô và “tống” cho các nhà đầu tư (NĐT) thứ cấp, kể cả người dân bình thường.
Sao phải đi vay nếu có thể “bán một cơ hội đầu tư lãi suất cao”?
Ngay sau khi có thông tin hơn 10.000 tỷ đồng các lô TP nói trên bị hủy, những tổ chức bao gồm ngân hàng thương mại (NHTM), công ty chứng khoán (CTCK) bị “đính tên” lên bản chào mời mua TP Tân Hoàng Minh đã vội vã ra thông báo về trách nhiệm của mình.
CTCK Bảo Việt nói mình chỉ tư vấn phát hành. Và kết quả thực hiện chào bán sơ cấp là toàn bộ số lượng TP giá trị 800 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao Việt được một NĐT tổ chức là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh mua.
CTCK An Bình cũng chỉ nhận tư vấn hồ sơ 1 đợt phát hành với tổng trị giá 800 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil. Toàn bộ số TP của đợt phát hành này đã được bán cho một NĐT tổ chức là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Các NHTM như SHB, Vietinbank cũng khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô TP trên, mà chỉ cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành.
Như vậy xem ra việc phát hành TP riêng lẻ của nhóm công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực chất là mua bán lòng vòng cho nhau. Tập đoàn Tân Hoàng Minh là bên mua sơ cấp của các đợt TP do công ty con phát hành. TP vốn là nợ, vậy tại sao Tân Hoàng Minh không cho vay trực tiếp các công ty con, mà phải “đánh bóng” khoản vay bằng TP?
Lý do có thể đơn giản, một khoản vay bình thường thì chẳng bán cho ai được để huy động vốn thực, còn TP là một công cụ tài chính “lấp lánh”, rất hợp mốt trong bối cảnh bùng nổ phát hành TPDN vài năm trở lại đây.
TPDN, nhất là TPDN bất động sản bùng nổ thời gian qua, nhưng một phần khá lớn vẫn là phát hành chính thức qua kênh NH, tức là NH có đánh giá, thẩm định, bảo lãnh, thậm chí là người mua sơ cấp và đầu tư chính TP đó. Đây là một nghiệp vụ NH đầu tư thông thường. Nói cách khác, đó là những TP có độ rủi ro tương đối thấp kể cả khi NH phân phối cho các NĐT cá nhân hoặc chính người gửi tiết kiệm của mình. Vậy nếu một DN muốn “làm tất ăn cả”, tự mình phát hành, tự mình phân phối TP qua các kênh khác nhau thì sao?
Câu trả lời là Tân Hoàng Minh. Thay vì ngửa tay đi vay, các công ty con của Tân Hoàng Minh tự phát hành TP riêng lẻ cho công ty mẹ thông qua các đợt chào bán riêng lẻ bình thường, có đủ các khâu theo quy định. Công ty mẹ phân nhỏ lô TP đó và “bán một cơ hội đầu tư lãi suất cao” cho các NĐT thu về tiền thật.
Có thể thấy theo quy định các đợt phát hành TP riêng lẻ như vậy cần có các tổ chức trung gian. Và không thể nói các tổ chức tài chính chuyên nghiệp không “ngửi thấy mùi” bất thường khi công ty con phát hành TP riêng lẻ cho công ty mẹ. Vì thế những CTCK hay NHTM nói trên rất có khả năng chỉ là “xếp mâm” cho đủ thủ tục.
Các nghiệp vụ tài chính nghe thì hoành tráng nhưng cũng chỉ như “chuồn chuồn đạp nước” và nhẹ nhàng ôm một khoản phí phi rủi ro, đúng hơn là chỉ rủi ro về mặt thương hiệu nếu sự vụ vỡ lở như lần này.
TP Tân Hoàng Minh bán như hàng đa cấp
TP phát hành riêng lẻ chỉ có thể bán cho các NĐT chuyên nghiệp, thường là tổ chức. Tuy nhiên sau thời hạn nhất định có thể được giao dịch thứ cấp cho các “NĐT có nhu cầu”, mà thực chất là bất kỳ ai khi một môi giới có thể kết nối được điện thoại.
Người viết bài này đã từng liên tục bị “dội bom” để mua TP có tên “TP Soleil 2”: “Đó là một cơ hội đầu tư tuyệt vời với lãi suất lên tới 11,2%/năm và lô khởi điểm chỉ là 100 triệu đồng. Kỳ hạn đầu tư linh hoạt 3 tháng 1. Tài sản đảm bảo cho TP là bất động sản của một công ty ở Phú Quốc, nhưng cái tên Tân Hoàng Minh cũng là đủ để quý khách cảm thấy an toàn”!
Điểm thuyết phục là những cái tên của CTCK hay NHTM được “đính kèm” mập mờ như “tổ chức tham gia phát hành” hay “đại lý quản lý tài khoản và thanh toán”, dễ nhầm lẫn với việc các tổ chức đó tham gia như một yếu tố đảm bảo uy tín. Sẽ không có môi giới nào nói thẳng rằng “anh/chị có thể cho công ty vay 100 triệu đồng với lãi suất 11,2%/năm?”.
“Đại lý phát hành” TP có nhiệm vụ “tống khứ” khoản vay đó cho NĐT chỉ là những cái tên đi kèm con số điện thoại trên một danh sách dưới danh nghĩa một cơ hội đầu tư, một kiểu bán hàng đậm mùi đa cấp. Bất kỳ lời hứa hẹn nào cũng có thể đưa ra, thậm chí là hỗ trợ xác nhận “là NĐT chuyên nghiệp”, hay mua lại TP bất kỳ khi nào NĐT có nhu cầu dù không có gì đảm bảo sẽ thực hiện được.
Không rõ cả chục ngàn tỷ đồng TP Tân Hoàng Minh thì bao nhiêu đã được “tống” cho các NĐT cá nhân qua mạng lưới “khủng bố” điện thoại như vậy, nhưng rõ ràng phải có kết quả nhất định. 
Kết cục rõ ràng nhất đến thời điểm này cũng mới chỉ là một văn bản Tân Hoàng Minh gửi đến “Quý khách hàng” (văn bản không có dấu và chữ ký), rằng số tiền đầu tư sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng chắc chắn đây sẽ là một “mớ bòng bong” khổng lồ khi các NĐT có thể chỉ nắm giữ một phần của TP (vì đã được xé nhỏ).
Khả năng chi trả của Tân Hoàng Minh đến đâu, pháp lý ràng buộc như thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, quan hệ pháp lý là trái chủ hay một bên góp vốn hợp tác đầu tư... là số ít trong nhiều yếu tố mà người bình thường không thể hiểu hết được, và hành trình đòi nợ rất nhiều gian truân. Điều cần làm lúc này là nên tập hợp các “NĐT” lại và có các biện pháp hỗ trợ pháp lý.

Các tin khác