Trái phiếu doanh nghiệp: Cái “bẫy” được báo trước

(ĐTTCO) - Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định (NĐ) để điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo đó, đến cuối năm 2021, thị trường TPDN chiếm 16,6% GDP, ước khoảng 1,15 triệu tỷ đồng. Trong năm 2021 ước tính trên 520.000 tỷ TPDN được phát hành thì có đến 214.000 tỷ đồng do các DN bất động sản (BĐS) phát hành.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lỗ hổng pháp lý kích hoạt lòng tham DN
Dù liên tục điều chỉnh các quy định phát hành TPDN, cả NĐ163/2018 đến NĐ81/2020 sửa đổi NĐ163/2018 và hiện nay là NĐ153/2020 ban hành ngày 31-12-2020, đều đề cập đến một nguyên tắc: “Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành TP của DN phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành” (Điều 5).
Nghĩa là, theo hồ sơ phát hành TP luôn yêu cầu DN phát hành phải trình bày mục đích phát hành TP để làm gì. Điều 5 và Điều 13 NĐ153 quy định DN chỉ được phép phát hành TP cho 3 mục đích: (1) để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; (2) để tăng quy mô vốn hoạt động; (3) cơ cấu lại nguồn vốn của chính DN.
Theo quy trình phát hành TP quy định tại Điều 11, và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành quy định tại Điều 13 NĐ153/2020, đều không qua cơ quan chức năng quản lý nhà nước, mà tự DN lập hồ sơ theo quy định và phê duyệt. Điều này cho thấy việc phê duyệt phương án phát hành, bán cho đối tác nào, và sử dụng tiền huy động được hoàn toàn thuộc thẩm quyền của DN. Tức  tự DN làm đầy đủ hồ sơ theo quy định, sử dụng tiền đúng với mục đích đăng ký trong hồ sơ.
Trong cả 3 NĐ ban hành, việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp, quản lý và giám sát mà hoàn toàn theo tinh thần tự giám sát tại công ty.
Do vậy, tiền sau khi huy động thành công từ các đợt phát hành TP liệu có sử dụng đúng mục đích theo NĐ quy định hay không khó ai biết. Những công ty con, công ty TNHH khó có cơ chế giám sát hoạt động này mà hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò, tác động của công ty mẹ.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua vai trò của các công ty con để phát hành TP không tránh khỏi sự can thiệp, chi phối của ông chủ lớn. Để rồi, ông chủ lớn sử dụng tiền phát hành để đi thu gom đất…
 Cơ quan quản lý trực tiếp đứng ngoài cuộc
Điều 14 NĐ163/2018, hay Điều 13 NĐ153/2020 cũng đều đề cập đến DN phát hành TP xây dựng phương án phát hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và làm căn cứ để công bố thông tin. Nhưng cấp có thẩm quyền lại chính là DN, không phải là cơ quan quản lý nhà nước theo Khoản 2, Điều 14, NĐ153/2020.
Tương tự ở Khoản 1, Điều 14 NĐ153/2020, quy định một loạt các tài liệu, hồ sơ, tiêu chí… cần có trong phương án phát hành để trình cơ quan có thẩm quyền là… “DN”. Theo đó, nếu là chuyện của DN để DN quyết định, nhưng nếu là cần quản lý phải có cơ quan quản lý nhà nước, mà đại diện theo Luật Chứng khoán là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Theo quy định tại Điều 39, trách nhiệm của UBCKNN chỉ thông qua vai trò giám sát hoạt động công bố thông tin, hoạt động giao dịch TP để ra quyết định xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán. Vậy thử hỏi, DN làm sai hồ sơ ai phát hiện? Việc giải ngân vốn không đúng mục đích ghi trong hồ sơ ai phát hiện? 
Điều 38, quy định về trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng cũng chỉ đề cập đến nội dung sau phát hành như công bố thông tin, giao dịch TP. Hay tại Điều 19 quy định về nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán TP sẽ được chuyển đến Sở Giao dịch với nội dung công bố thực hiện theo Thông tư 122/2020 của Bộ Tài chính. Qua đó, sở tổ chức giám sát phương án phát hành có tuân thủ theo NĐ ban hành hay không.
Việc gửi công bố thông tin này đến sở chỉ cần trước ngày chào bán 1 ngày, còn trách nhiệm của sở giám sát hồ sơ này bao nhiêu ngày không đề cập. Nghĩa là DN chủ động phát hành, người mua tự chịu trách nhiệm dựa trên hiểu biết của mình về các quy định để thẩm định hồ sơ. 
Qua câu chuyện của Tân Hoàng Minh, người mua TP gần như bị động trong lý do này. Trong hồ sơ công bố thông tin phát hành lô TP WTPCH2125003 trị giá 3.230 tỷ đồng do CTCP Cung điện Mùa Đông phát hành ngày 16-12-2021, lại không có đề cập đến mục đích sử dụng vốn, trong khi 2 lô phát hành riêng lẻ trước đó có đề cập đến mục đích sử dụng vốn.
Phần lỗi này có thể đến từ công ty không báo cáo, nhưng phát hiện thiếu sót từ Sở giao dịch chứng khoán thì không có thời hạn. Và người mua càng bị động hơn là tiền cho DN vay liệu có được sử dụng đúng mục đích hay không, hoàn toàn tin tưởng vào DN. NĐ không đề cập đến cơ quan có thẩm quyền nào có thể kiểm tra giám sát phát hiện việc sử dụng tiền đúng mục đích như phương án đã nêu.
Thực ra các NĐ quy định với mong muốn DN huy động vốn sẽ được sử dụng có địa chỉ rõ ràng cụ thể cho chương trình, dự án đầu tư, hay bổ sung quy mô vốn lưu động, vốn đầu tư vào công trình, dự án nào đó, chứ không thể dùng để đi thâu tóm, thôn tính, sở hữu cổ phần hay mua lại cổ phần của người khác. Song do thiếu cơ quan quản lý nên việc diễn giải các nội dung khoản mục này theo những kiểu khác nhau.
Hay theo Điều 13, NĐ153/2020 quy định về phương án phát hành TP phải có các nội dung về một số chỉ tiêu tài chính của DN phát hành 3 năm về trước năm phát hành, và những thay đổi sau phát hành. Với tư cách là người trong ban quản trị công ty tất yếu những chỉ tiêu này không xa lạ với họ, nhưng được trình bày trong phương án để trình cho chính họ nghe có vẻ không phù hợp. 
Tính đến cuối năm 2021, quy mô thị trường TPDN được phát hành bởi các công ty phi tài chính đã lên đến 780.000 tỷ đồng, chiếm 68,9% tổng lượng TP lưu hành được phát hành thông qua các NĐ 163, 81 và 153. Và cũng chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, các công ty BĐS đã phát hành lên đến 362.000 tỷ đồng TP với hơn 30% không có tài sản đảm bảo, nếu có tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phiếu và tài sản hình thành trong tương lai. Ước tính phân kỳ trả nợ 14,5% trong năm 2022, 28,9% năm 2023, 22,8% năm 2024. 
Liệu rằng người mua TP ngày hôm nay có trở thành “cổ đông” của các công ty hay dự án trong tương lai cho mớ tài sản đảm bảo đó? Và họ sẽ làm gì trong những công ty mà phần vốn của họ quá nhỏ bé, được tạo ra không rõ lai lịch?
 Trong cả 3 NĐ ban hành, việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp, quản lý và giám sát mà hoàn toàn theo tinh thần tự giám sát tại công ty.

Các tin khác