Trăn trở tìm lối đi riêng

Nhìn lại hơn 11 năm có mặt trên thị trường, điều làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Kiến trúc - Xây dựng Nhà Vui Nguyễn Thu Phong (ảnh) tự hào nhất là tên tuổi công ty được nhiều khách hàng, đối tác biết tới. Nhưng đó cũng chính là áp lực đối với anh, khi phải nghĩ cách để hình ảnh công ty luôn mới và tạo được đột phá trong hoạt động.

Nhìn lại hơn 11 năm có mặt trên thị trường, điều làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Kiến trúc - Xây dựng Nhà Vui Nguyễn Thu Phong (ảnh) tự hào nhất là tên tuổi công ty được nhiều khách hàng, đối tác biết tới. Nhưng đó cũng chính là áp lực đối với anh, khi phải nghĩ cách để hình ảnh công ty luôn mới và tạo được đột phá trong hoạt động.

Đổi mới để phát triển

Vào năm 2000, khi còn là giảng viên Trường đại học Kiến trúc TPHCM, kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thu Phong đã chứng kiến khá nhiều người thân, bạn bè ăn không ngon, ngủ không yên trước việc làm sao xây dựng được căn nhà ưng ý với giá thành phù hợp.

Trong khi đó, những đồng nghiệp của anh mải miết chạy theo việc thiết kế những công trình lớn, mảng thiết kế nhà ở gần như bị bỏ quên. Chính vì thế, anh quyết định làm người tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng nhà ở.

Công ty TNHH Nhà Vui ra đời trong năm đó. “Tôi lấy tên công ty như vậy với mong muốn khách hàng luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp khi ở trong ngôi nhà của mình” - Nguyễn Thu Phong chia sẻ.

Buổi ban đầu, công ty chỉ có vài thành viên, nguồn vốn hạn hẹp nên mọi tư vấn, tiếp cận khách hàng đều thông qua website nhavui.com. Giai đoạn này thương mại điện tử là một khái niệm còn khá xa lạ tại Việt Nam, chọn hướng đi này Nhà Vui trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng trên cả nước áp dụng hình thức kinh doanh mới.

Việc xuất hiện một nhóm kiến trúc sư trẻ nhiệt tình tư vấn khách hàng đã tạo được tiếng vang và khách hàng bắt đầu tìm đến Nhà Vui. Những hợp đồng thiết kế đầu tiên chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/căn nhà hoặc thiết kế một ngôi nhà 5 tầng chỉ với giá 10 triệu đồng. Công việc kinh doanh trong những năm 2000-2003 của Nhà Vui phát triển nhanh vì dường như không có đối thủ cạnh tranh.

- Như vậy định hướng đi vào phân khúc nhà ở của anh là một lựa chọn chính xác? - tôi hỏi.

- Định hướng đúng và mang tính khác biệt đó đã giúp chúng tôi nhanh chóng có được thành công. 

Lẽ thường, miếng bánh ngon không dành cho một người. Khoảng năm 2004, 2005 Nhà Vui bắt đầu bị chảy máu chất xám, có thời điểm 50% nhân viên ra ngoài thành lập công ty riêng, trở thành đối thủ của Nhà Vui . Cạnh tranh là quy luật tất yếu, nhưng cạnh tranh không lành mạnh chính là điều khiến Phong đau đầu. Đưa ra mức giá thấp hơn là cách mà không ít đối thủ của Nhà Vui tiến hành.

Để giữ người và tồn tại, phát triển trước các đối thủ vốn là “người một nhà”, Nguyễn Thu Phong phải vắt óc tìm hướng đi mới. Nhà Vui đã mở các chi nhánh, văn phòng giao dịch, đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất và giao khoán cho các giám đốc chi nhánh việc trả lương. Với mô hình này, các kiến trúc sư thấy mình là chủ, được kinh doanh độc lập, có nhân viên phụ việc và không chịu áp lực quá lớn về lỗ lãi, lại có khách hàng từ Nhà Vui nên yên tâm gắn bó với công ty.

Tuy nhiên khó khăn khác lại ập đến. Ngoài những chi nhánh tại Hà Nội, TPHCM, những chi nhánh Nhà Vui tại các tỉnh, thành phố khác đều lỗ. Suy thoái kinh tế, chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên tăng trong khi số người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền cho việc thuê kiến trúc sư không nhiều, nên doanh thu tại nhiều văn phòng bị ảnh hưởng.

Việc thu hẹp hoạt động của hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch là một trong những phương án được lãnh đạo Nhà Vui tính tới. Nguyễn Thu Phong thêm một lần đau đầu tìm mô hình mới. Năm 2011, Nhà Vui tập trung kiến trúc sư, nhóm chuyên gia, các bộ phận thiết kế, thi công… vào tòa nhà chung của Nhà Vui để phục vụ nhu cầu trọn gói của khách hàng; bao gồm thiết kế, thi công nhà, cung cấp vật liệu thiết bị, trang trí nội thất...

- Mô hình này liệu có đem lại hiệu quả khi chuyên ngành của Nhà Vui là thiết kế? - tôi thắc mắc.

- Nhờ những đổi mới trong mô hình hoạt động, chúng tôi đã vượt qua nhiều thời điểm khó khăn. Nhà Vui không chỉ thiết kế nhà ở, tức làm xác nhà, mà chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng một phong cách, môi trường sống hoàn thiện. Thực tế, trước đây chúng tôi đã phung phí chính nguồn tài nguyên khách hàng khi không cung cấp được dịch vụ trọn gói - Nguyễn Thu Phong thẳng thắn thừa nhận.

Không “chơi lấn sân”

Không mạo hiểm giữa con sóng lớn là điều mà anh Phong đã chiêm nghiệm ra sau những lần lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác. Năm 2007, anh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với kỳ vọng sau 5-7 năm sẽ thu lợi. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế khiến bất động sản đóng băng, các dự án này trở thành gánh nặng cho Nhà Vui.

Một trong những dự án khiến nhiều người không khỏi quan ngại là 2 dự án khu nghỉ dưỡng Lăng Cô và nhà ở cho người thu nhập thấp tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhà Vui đổ vào đó khoảng 20 tỷ đồng đầu tư, nhưng đến nay việc thu hồi vốn vẫn là bài toán khó. Năm 2008, giá thép tăng đạt đỉnh, ngân hàng lại siết chặt cho vay, trong khi đó thị trường nhà ở - phân khúc Nhà Vui chọn - lại không tăng. Đối tượng khách hàng này thuộc hạng trung, những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định làm nhà của họ, gây ảnh hưởng đến Nhà Vui.

Doanh thu, lợi nhuận giảm trong khi công ty phải gánh quá nhiều chi phí, nhất là chi phí của các dự án “lấn sân”, khiến có thời điểm Nhà Vui phải nợ lương nhân viên, không ít người nản lòng muốn ra đi.

Nhà Vui tại Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2010 - Vietarc 2010.

Nhà Vui tại Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2010 - Vietarc 2010.

Nguyễn Thu Phong phải thuyết phục từng người để giữ chân họ, chờ đợi thời cơ vực dậy công ty. "May mắn là tình hình khó khăn chỉ kéo dài sang đầu năm 2009, khi nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân tăng trở lại, công ty như được hồi sinh. Qua lần đó tôi đã được những bài học vô giá, đó là phải thận trọng trong quyết định đầu tư vào lĩnh vực không phải sở trường, đồng thời phải biết quan tâm đến đời sống từng nhân viên của công ty" -  Nguyễn Thu Phong tâm sự.

Bài học nhớ đời đó đã trang bị thêm cho vị “thuyền trưởng” bản lĩnh vững vàng lèo lái Nhà Vui vượt qua 2 năm liên tiếp khó khăn 2010, 2011. Riêng năm 2011, khó khăn của thị trường buộc Phong phải tính đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng kinh doanh phải hiệu quả hơn.

Bài toán đặt ra là doanh thu có thể không tăng, nhưng lợi nhuận phải cao hơn. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ trọn gói cho khách hàng, một cuộc sàng lọc nhân sự theo hướng tinh, gọn, hiệu quả đã diễn ra tại Nhà Vui. Trong cả năm có gần 20% nhân sự bị cắt giảm.

“Quá trình tái cấu trúc vẫn được chúng tôi tiến hành trong năm 2012 để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Vấn đề quan trọng là làm sao những người ở lại phải nhận được mức lương cao hơn và đóng góp năng suất nhiều hơn” - Nguyễn Thu Phong chia sẻ. Cả công ty chưa ai dám khẳng định hiệu quả tái cấu trúc sẽ đến đâu, nhưng ai cũng kỳ vọng tương lai tốt đẹp. Bởi họ từng chứng kiến “thuyền trưởng” của mình cùng đồng nghiệp bao lần vượt cạn thành công.

Doanh nhân yêu nghề

Trăn trở tìm lối đi riêng ảnh 3Chúng tôi không lo lắng cho triển vọng lâu dài, vì hoạt động của Nhà Vui hướng tới nhu cầu rất cơ bản của mọi người là nhà ở. Nhu cầu nhà ở lúc nào cũng có, nó chỉ chững lại tại một thời điểm nhất định. Tôi tin năm 2012 sẽ lặp lại kịch bản của năm 2009, tức nhu cầu xây nhà sẽ tăng trở lại sau một năm kìm nén vì tình hình kinh tế khó khăn chung. 
Trăn trở tìm lối đi riêng ảnh 4

Ông NGUYỄN THU PHONG,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Kiến trúc - Xây dựng Nhà Vui

- Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng Nhà Vui có phần im hơi, lặng tiếng? - tôi nêu vấn đề.

- Không hẳn vậy, chúng tôi chỉ ít làm các hoạt động truyền thông, marketing. Song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc không làm mới mình trong mắt người tiêu dùng mà chỉ tập trung vào chuyên môn cũng khiến hình ảnh, thương hiệu của chúng tôi ít nhiều bị giảm sút.

Khi nói về nghề kiến trúc, anh Phong chia sẻ kiến trúc sư từng thiết kế nhà ở sẽ rất khó bỏ công việc này. Vì thông thường phải 6 tháng sau khi thiết kế hoàn thiện một ngôi nhà, người kiến trúc sư mới có thể thấy được những nét vẽ đầu tiên của mình thành hình.

Đó là chưa kể không ít kiến trúc sư thiết kế công trình xong nhưng phải đợi đến một vài năm mới thấy tác phẩm của mình trở thành hiện thực. Đó luôn là niềm vui, sự tưởng thưởng và là một thứ… gây nghiện đối với kiến trúc sư. “Ngoài lý do trên, nghề kiến trúc còn thú vị ở những chuyện ngoài chuyên môn.

Lắm khi gặp những khách hàng khi nghe giá thiết kế nhà đã kêu “sao đắt thế”. Nhưng khi biết việc thiết kế nhà sẽ giúp mình giảm được chi phí phát sinh nhưng vẫn được ngôi nhà ưng ý, số tiền công ấy là công sức mà kiến trúc sư phải làm việc miệt mài trong mấy tháng liền, khách lại bảo “hóa ra vẫn còn rẻ”. Đó là điều đã giữ tôi và các đồng nghiệp gắn bó với nghề, dù có làm gì đi nữa” - Nguyễn Thu Phong nói.

- Khi công việc kinh doanh bộn bề, anh có lo mình bị tụt hậu trong nghề nghiệp? - tôi hỏi.

- Không ai có thể làm tốt một lúc nhiều việc. Khi công việc chính của tôi là làm sao cho việc kinh doanh của công ty phải thuận lợi, nhân viên có thu nhập cao thì việc không thạo nghề bằng các anh em khác cũng là chuyện đương nhiên. Song hàng năm tôi vẫn phải luyện tay nghề bằng cách tham gia thiết kế 1-2 công trình.

Có lẽ do hàng ngày vẫn làm việc cùng các đồng nghiệp bên các mẫu thiết kế và thường xuyên va chạm trong môi trường rất cụ thể như màu sắc, chất liệu, không gian... và việc giảng dạy cũng giúp tôi rút ra những kiến thức bổ ích, cập nhật thường xuyên các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên tôi thấy cũng không hụt hẫng nhiều - anh Phong chia sẻ.

Nguyễn Thu Phong được biết không chỉ qua vị trí chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui, mà còn qua nhiều cương vị khác như: Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, Trưởng ban điều hành Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ toàn quốc... Anh chính là người gầy dựng phong trào kiến trúc sư trẻ ở TPHCM và cả nước, tạo ra sân chơi với nhiều hoạt động lành mạnh, bổ ích để các kiến trúc sư trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi trong công việc. Nhà Vui là doanh nghiệp nhiều lần phối hợp với Hội Kiến trúc Việt Nam tổ chức triển lãm kiến trúc Việt Nam.

Các tin khác