Trắng tay vì tín dụng đen

(ĐTTCO)- Nhiều vùng quê đã không còn yên bình bởi hình thức "tín dụng đen" mà người đi vay và cho vay đều quen biết, cho nhau vay trực tiếp với lãi suất cao.
Giờ đây nhiều làng quê đã không còn thanh bình bởi các vụ vỡ nợ "tín dụng đen".
Giờ đây nhiều làng quê đã không còn thanh bình bởi các vụ vỡ nợ "tín dụng đen".

Thời gian gần đây, tại các làng quê, hình thức "tín dụng đen" mà người đi vay và cho vay đều quen biết, cho nhau vay tiền trực tiếp với lãi suất cao dù đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên VTV đã phát hiện, hình thức "tín dụng đen" đã tồn tại lâu đời này dù lãi suất không cao như "tín dụng đen" công nghệ, nhưng lại là mầm mống khó phát hiện, đang âm thầm tàn phá nặng nề tới đời sống của người dân thôn quê. Thậm chí, có người còn đi huy động vốn để đem cho vay nặng lãi nhưng sau đó vỡ nợ, kéo theo hậu quả dây chuyền nặng nề, làm cho cả làng quê rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Lãi suất 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cần vốn làm ăn, một người phụ nữ đã vay tiền trên 3 tỷ đồng của bà Vũ Thị Dung tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vay rồi trả rồi lại vay, nhưng không may việc làm ăn không suôn sẻ, cộng với "lãi mẹ đẻ lãi con" từng ngày, bà đã không thể trả nợ. Đến nay, sau nhiều năm, số tiền gốc vay chỉ còn vài trăm triệu đồng, nhưng số tiền lãi đã nhân lên gấp hàng chục lần.

"Lãi suất cũng cao. Không có để mà trả, không có nguồn thu gì, bây giờ không còn gì cả, mất hết rồi", người đi vay nặng lãi nói.

Không cần thế chấp, chỉ cần tờ giấy như trên là đã có thể vay tiền. Chính sự đơn giản này đã khiến cho "tín dụng đen" có cơ hội phát triển tại các làng quê và gây ra nhiều hệ lụy. Người vay do lãi suất cao đã không thể trả nợ. Còn người cho các đối tượng "tín dụng đen" vay cũng không thể lấy được tiền.

Tích góp cả đời được gần 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hường (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã cho Vũ Thị Dung vay để lấy lãi. Nhưng lãi chưa thấy đâu thì bà Dung đã tuyên bố vỡ nợ. Đúng lúc này bà Hường phát hiện mắc bệnh ung thư. Tiền không thể đòi về, bà đành phải rao bán nhà để lấy tiền chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hường cho biết: "Cho bà ấy vay cũng lồi lên được một tí, có 1,5% ấy mà bà ấy cho người ta vay 4,5 % cơ. Sau này mới biết là bà ấy cho vay nặng lãi, cứ nghĩ là bà ấy đi buôn bất động sản thì cho bà ấy vay. Bao nhiêu lần tôi đến nhà tôi khóc lóc đòi cũng không được. Giờ phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh".

Không chỉ bà Hường, ở thị trấn Diêm Điền, có đến vài chục hộ gia đình lâm vào vòng xoáy nợ nần khi cầm cố cả nhà cửa để đem tiền cho bà Dung vay mượn, hoặc là vay nặng lãi từ người phụ nữ này, với tổng số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho hay: "Khuất lần khuất lượt rồi chị ta báo mất thanh khoản, sau này tôi tìm hiểu ra là chị ta lấy tiền của chúng tôi đi cho nặng lãi, lãi suất cao. Lúc tôi đòi thì chị ta còn nghe điện thoại. Sau này nhắn tin thì thưa dần cắt liên lạc rồi chị ấy bỏ nhà đi lúc nào chúng tôi không được biết".

Đại diện Công an huyện Thái Thụy cho biết, gần đây công an huyện đã triệt phá được 5 vụ, khởi tố 5 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen". Tuy nhiên, tình trạng cho vay nặng lãi tại các làng quê vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó phát hiện khi diễn ra giữa người quen biết nhau.

Thượng tá Vũ Mạnh Hùng - Phó trưởng Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: "Những người trót vay lại không chủ động đến cơ quan chức năng để cung cấp. Đến khi cơ quan chức năng bắt xử lý thì người ta mới tìm đến trình diện. Thậm chí có trường hợp công an phải tự đi tìm. Qua việc này rất mong người dân chủ động đến cơ quan công an trình báo để xử lý".

Giờ đây nhiều làng quê đã không còn thanh bình bởi các vụ vỡ nợ "tín dụng đen". Bệnh tật của bà Hường đang ngày càng có diễn biến xấu. Bà không rõ những năm tháng cuối đời, liệu có còn cơ hội để lấy lại số tiền mà bà đã cả đời tích góp hay không.

Các tin khác