Giá hàng hóa hiện đang giảm tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để Bắc Kinh có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 2 tháng nhằm ngăn giá cả tăng quá cao và hạ bớt chi phí đầu vào cho các nhà máy, theo Bloomberg đưa tin.
Giới chức Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp, từ hạn chế giao dịch cho đến công bố cụ thể về dự trữ của nhà nước. Giới chức Trung Quốc đang cố gắng ngăn lạm phát bằng cách làm hạ nhiệt giá hàng hóa. Giá của nhiều loại hàng hóa đang giảm, đặc biệt giá thép đã giảm khá sâu.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao nhiêu phần trong mức sụt giảm đó do các biện pháp ngăn chặn giá cả tăng nóng từ Bắc Kinh, còn kết quả không phải lúc nào cũng đồng nhất. Giá than đá đang tăng trở lại trong khi giá kim loại và thực phẩm giảm. Quan trọng nhất, việc giá cả giảm có thể sẽ không kéo dài lâu và những nỗ lực của Trung Quốc trong kiềm chế giá hàng hóa tăng có thể sẽ không phát huy tác dụng mạnh được như trước kia.
Đối với Bắc Kinh, thách thức lớn nhất chính là bối cảnh toàn cầu đã thay đổi. Dù rằng vẫn đang giữ vị trí nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã không còn ở vị trí trung tâm của ngành hàng hóa toàn cầu. Việc giá hàng hóa giảm sâu trong tuần trước có nguyên nhân từ việc Cục dự trữ liên bang (Fed) thể hiện quan điểm cứng rắn trong tuần trước, ngoài ra cũng do chiến dịch giảm giá hàng hóa của Bắc Kinh.
Cũng tương tự như vậy, nếu những chuyên gia có quan điểm lạc quan về giá hàng hóa đúng và việc suy giảm giá hàng hóa chỉ diễn ra trong ngắn hạn, có thể thấy Bắc Kinh đã sử dụng phần lớn những công cụ mà họ đã có.
Việc can thiệp cũng có thể giúp làm giảm áp lực, thế nhưng thật khó để thay đổi xu thế. Lạm phát hàng hóa được đẩy cao chủ yếu do tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chứ không phải chỉ Trung Quốc. Trung Quốc chỉ giữ vai trò bên hỗ trợ điều chỉnh giá”, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại Bocom International – bà Hao Hong nhận xét.
Để có thể hiểu được điều gì sẽ đến, cũng cần phải nhìn vào từng thị trường riêng lẻ. Dưới đây là rà soát về một số thị trường hàng hóa quan trọng nhất của Trung Quốc và việc giá hàng hóa biến động như thế nào:
Đồng
Giá đồng tương lai trong tuần trước đóng cửa ở mức thấp nhất trong 2 tháng sau cú sốc kép từ phía Bắc Kinh. Việc Trung Quốc cam kết xả kho dự trữ quốc gia có thể cho thấy Bắc Kinh đang cam kết muốn kiềm chế giá cả, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp nhà nước giảm tham gia vào thị trường hàng hóa quốc tế. Thế nhưng ngay cả nếu khả năng dự trữ chiến lược được bán ra thị trường, nhiều người cũng không tin vào khả năng giá sẽ giảm trong thời gian đủ dài.
Giá đồng đã mất đà tăng nóng khi mà Trung Quốc công bố dự trữ nhà nước. Chuyên gia phân tích thuộc Citigroup, bà Tracy Liao, phân tích: “Chúng tôi không nghĩ rằng quá trình tăng giá hàng hóa đã qua đi. Các biện pháp của Trung Quốc nhắm đến ngăn kỳ vọng và đầu cơ chứ không chỉ giải quyết các vấn đề mất cân bằng cung cầu. Khi mà dự trữ giảm, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ mua vào ngay khi giá giảm, chính vì vậy giá hàng hóa sẽ lại tăng trong những tháng tới”.
Thịt lợn
Diễn biến giá thịt lợn lại khác hoàn toàn so với các loại hàng hóa khác. Giá thịt lợn bán buôn ở Trung Quốc hiện đã giảm gần 50% so với ngưỡng vào giữa tháng 1/2021, mức giảm này sâu đến nỗi mà chính phủ dường như đã muốn ngăn giá thịt lợn giảm sâu. NDRC trong tuần trước đã hối thúc các nhà chăn nuôi duy trì việc sản xuất ở mức hợp lý sau khi giá giảm 16 tuần liên tiếp dẫn đến hệ thống cảnh báo sớm về giá cả phải hoạt động.
Giá thịt lợn đã giảm 50% tính từ giữa tháng 1/2021.
Tính từ khi dịch tả lợn châu Phi căng thẳng, quy mô đàn lợn từ đó đến nay đã phục hồi tương đối. Giá thấp tuy nhiên đã cản đà phục hồi. Yếu tố mùa vụ, doanh số bán thịt lợn giảm và nhập khẩu tăng cao không khỏi khiến cho giá thịt lợn ngày càng giảm.
Công ty chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc - Muyuan Foods vào tháng 5/2021 cho biết công ty đang kỳ vọng vào khả năng giá thịt lợn thực phẩm nội địa giảm và nhiều khả năng sẽ không lập đáy cho đến năm sau hoặc năm 2023.