"Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ làm việc cùng Trung Quốc, bằng sự tôn trọng lẫn nhau, giải quyết hợp lý các khác biệt, và hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực hơn nữa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày vào chiều ngày 20/1 theo giờ Bắc Kinh, vài giờ trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden.
"Chúng tôi luôn tin tưởng quan hệ Trung-Mỹ là quan trọng và việc duy trì ổn định quan hệ giữa hai nước là phù hợp với lợi ích của hai nước và của cộng đồng quốc tế", bà Hoa nói.
Bà Hoa cũng kêu gọi chính quyền mới của Mỹ đưa ra đánh giá của riêng mình về vấn đề Tân Cương, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo của chính quyền Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump gọi cách giải quyết vấn đề Tân Cương của Bắc Kinh là "diệt chủng".
Phát biểu trên được ông Pompeo đưa ra ngày 19/1 khi nói về chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các tộc người thiểu số khác ở Tân Cương. Tuyên bố của ông Pompeo đẩy căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của ông Antony Blinken - người được ông Biden chọn cho cương vị Ngoại trường trong nội các của ông.
Trong cuộc họp báo ngày 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tránh chỉ trích trực tiếp ông Blinken khi được hỏi về phát biểu của ông. Bà Hoa chỉ nói bà hy vọng "chính quyền mới của Mỹ có thể có đánh giá riêng hợp lý và tỉnh táo về vấn đề Tân Cương cũng như các vấn đề khác".
Trong một diễn biến sau đó, chỉ vài phút sau khi ông Biden nhậm chức, Trung Quốc tuyên bố áp lệnh trừng phạt lên 28 quan chức trong chính quyền ông Trump, bao gồm ông Pompeo. Tuyên bố của Bộ Ngại giao Trung Quốc nói biện pháp trừng phạt nhằm vào "những người vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và những người chịu trách nhiệm chính cho những hành động như vậy của Mỹ trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc".
Lệnh trừng phạt của Trung Quốc cấm các quan chức trên và các thành viên trực hệ trong gia đình của họ nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao. Họ và tất cả các công ty và tổ chức liên quan cũng bị hạn chế có các hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.
Nhà Trắng gọi động thái trên của Trung Quốc là "không mang lại điều gì" và chỉ là một nỗ lực nhằm gây bất hòa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ khi ông Biden nhậm chức.
Tuần trước, Mỹ ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn đưa ra quan điểm rằng nước này đang chống chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương.
"Chúng tôi phản đối bất kỳ cáo buộc nào dựa trên suy đoán", bà Hoa nói. "Chúng tôi hoan nghênh và hy vọng có sự giao tiếp trên cơ sở bình đẳng và tin tưởng lẫn nhau. Chúng tôi sẽ không bao giờ chần chừ trong việc giữ vững lợi ích quốc gia, chủ quyền và các lợi ích phát triển của mình".
Ông Biden trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống thấp sau nhiệm kỳ của ông Trump - khoảng thời gian 4 năm mà Washington và Bắc Kinh căng thẳng trong hàng loạt vấn đề từ Tân Cương đến thương mại và Covid-19.
Khi bàn về chủ trương đối ngoại của ông Biden, giới quan sát tập trung vào việc chính quyền mới sẽ có chính sách như thế nào với Trung Quốc. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, ông Biden sẽ duy trì phần lớn chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc trong một thời gian nhất định để tập trung vào giải quyết khủng hoảng kinh tế và đại dịch trong nước. Cùng với đó, ông Biden có thể tập hợp các đồng minh của Mỹ để phát triển một chiến lược đa phương về vấn đề Trung Quốc.