Trung Quốc mở cửa, Việt Nam hưởng lợi gì?

(ĐTTCO) - Trung Quốc nới lỏng Zero Covid có thể xem là tin tốt hiếm hoi cho kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cuối tháng 11 đến cuối tháng 12. Nhiều chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đồng loạt xanh trong bối cảnh các chỉ số chính của toàn cầu vẫn đỏ. Nhiều tín hiệu cho thấy dòng vốn quốc tế đang đảo chiều chảy ngược về Trung Quốc.
Trung Quốc mở cửa, Việt Nam hưởng lợi gì?

Trung Quốc nới lỏng Zero Covid và mở cửa nền kinh tế

Công bằng mà nói, không chỉ nới lỏng chính sách Zero Covid, mà Trung Quốc còn có chính sách bơm tiền hỗ trợ bất động sản, nới lỏng quản lý với các công ty công nghệ, mở đường cho phía Mỹ tiếp cận với các tài liệu kiểm toán của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.

Một người bạn của tôi làm ở giới tài chính Hồng Kông nhận xét, bản thân chính sách Zero Covid đã ngăn cản các hoạt động giao thương quốc tế, hoạt động kinh tế thực, xây dựng, mua bán trên thị trường bất động sản. “Ai sẽ mua nhà khi mà Zero Covid còn đó”, là một câu hỏi của nhiều nhà phân tích phương Tây đặt ra vào giai đoạn tháng 8 đến tháng 10-2022. Và khi bắt đầu chuyển từ thắt chặt sang hỗ trợ, bất động sản của Trung Quốc mới có tín hiệu đảo chiều.

Vì vậy, nới lỏng Zero Covid có nhiều ý nghĩa. Một học trò cũ của tôi làm việc ở một cơ quan thuộc thành phố Thượng Hải lý giải: đó là một biểu tượng quan trọng của sự thay đổi, nghĩa là phát đi tín hiệu các quan điểm chủ chốt của chính sách kinh tế-xã hội đã thay đổi.

Wang Tao, chiến lược gia chính của UBS về kinh tế châu Á và kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư này ở Trung Quốc, đã đưa ra một tóm lược về Hội nghị kinh tế trung ương được tổ chức gần đây của Trung Quốc: “Quan điểm hàng đầu là mở cửa lại nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục, bên cạnh các chính sách chủ chốt khác như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ thị trường bất động sản, ổn định vĩ mô và tự sáng tạo, dựa vào nội lực (self-reliance)”.

Tác động đến Việt Nam

Tiến trình mở cửa lại của kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang mang lại một tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng liệu nó sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào? Chúng ta có thể nhìn qua 3 vấn đề thương mại, đầu tư FDI và du lịch.

Đồ thị mức thay đổi chỉ số chứng khoán các thị trường chính trong tuần cuối tháng 11-2022 đến tuần cuối tháng 12-2022

Đồ thị mức thay đổi chỉ số chứng khoán các thị trường chính trong tuần cuối tháng 11-2022 đến tuần cuối tháng 12-2022

Về thương mại, nhìn chung sẽ có những tác động tích cực. Xét giai đoạn trước Covid-19, thì năm 2019 có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,86 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam hơn 41,41 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,45 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

Cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2019 thâm hụt lên tới hơn 34 tỷ USD. Thực ra trong nhiều hàng Trung Quốc được nhập vào Việt Nam đóng vai trò sản phẩm trung gian, tức nhập vào để làm đầu vào sản xuất ra hàng hóa xuất đi nước khác. Vì vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế, hoạt động giao thương đình trệ, nhiều linh kiện, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc khó khăn hơn.

Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến cho chuỗi cung ứng ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn, có thể góp phần khiến chi phí đầu vào giảm xuống. Ngoài ra, những ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng, thủy sản sang Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng của họ dự kiến sẽ được thúc đẩy sau khi kinh tế mở cửa trở lại.

Về du lịch, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng. Năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, con số này của 11 tháng năm 2022 là 55.000 người. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng trở lại của khách du lịch Trung Quốc là rất lớn, dù có thể cần thời gian.

Tuy nhiên, du lịch quốc tế không thể hồi phục ở mức thần kỳ được, ngay cả với những nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn. Nói cách khác, tác động đối với du lịch vẫn chỉ nằm ở vấn đề tiềm năng, bởi so với Nhật, Hàn, Thái, thì Việt Nam vẫn chưa phải là điểm đến hàng đầu của người Trung Quốc.

Đó là những tác động tích cực có thể thấy từ thương mại và du lịch, nhưng cũng có những mặt ít tích cực hơn mà chúng ta cần chú ý. Thứ nhất, như số liệu thương mại ở trên cho thấy, về cơ bản nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có bản chất về mặt cấu trúc. Một phân tích gần đây do Caixin Global đăng tải tính rằng, chỉ số áp lực cạnh tranh của Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam là 85,5% trong khi ngược lại Việt Nam chỉ là 9,3%.

Điều này cho thấy nhiều khả năng khi giao thương thông thoáng hơn giữa hai nước, áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng. Nếu Việt Nam không tăng được phần xuất siêu nhanh hơn sang các nước khác, thì áp lực lên cán cân thương mại sẽ gia tăng và ảnh hưởng đến tỷ giá.

Về nguồn vốn FDI, do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế, nhiều dòng vốn FDI đã được chuyển sang Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng chung của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư sang Việt Nam để tránh những khó khăn của sản xuất ở Trung Quốc.

Nay khi nền sản xuất của công xưởng hàng đầu thế giới này hồi phục lại, có thể dòng vốn FDI này vào Việt Nam sẽ chậm lại. Như vậy nếu không có những dòng vốn FDI khác thay thế, diễn biến này có thể làm chậm dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Tất nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, nếu kinh tế Trung Quốc mở cửa quá nhanh sẽ dẫn đến tốc độ lạm phát của Trung Quốc bật lên, khiến giá hàng hóa toàn cầu đi lên, tạo thành một vòng thứ hai nữa đối với lạm phát toàn cầu. Nhưng cá nhân người viết nhận định khả năng này thấp, bởi Trung Quốc đã có kinh nghiệm từ các nước đi trước trong năm 2022 nên sẽ thận trọng hơn.

Vì vậy có thể tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc nếu quá trình mở cửa diễn ra có một hoặc hai quý tăng trưởng tốt dần lên, nhưng sau đó chính quyền có thể sẽ có những biện pháp để tăng trưởng trong tầm kiểm soát mà không quá nóng.

Vừa qua ở các nước mở cửa sau dịch Covid, nhưng quốc gia nắm chuỗi cung ứng lớn như Trung Quốc lại không mở cửa, nên đã góp phần vào việc thúc đẩy giá của nhiều thứ tăng lên. Cú sốc thứ hai là cú sốc đối với xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến giá dầu tăng lên.

Do vậy trong lần mở cửa này của Trung Quốc, ít nhất là không có cú sốc đầu tiên, mà còn làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu dễ chịu. Còn khả năng một cú sốc giá năng lượng tăng hơn 2 lần cũng rất ít cơ hội diễn ra. Do đó áp lực lên lạm phát toàn cầu hay Việt Nam là không quá lớn.

Có thể kỳ vọng những tác động tiêu cực lên FDI hay lạm phát ở Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa trở lại là không quá lớn. Nhưng cũng không nên quá kỳ vọng, vì hiệu ứng truyền dẫn của nó sang Việt Nam cần thời gian và nhiều khả năng là sẽ không có tác động bùng nổ.

Các tin khác