Trung Quốc ráo riết “săn đầu người”

(ĐTTCO)-Ngày 3-12, báo Nikkei của Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã thành công trong việc lôi kéo 3.000 kỹ sư bán dẫn của Đài Loan làm việc cho mình, bằng cách tăng gấp 3 mức lương, thưởng so với công ty cũ. Báo cáo làm dấy lên quan ngại về chương trình “Ngàn nhân tài”, được Bắc Kinh khởi xướng từ năm 2008 để thu hút chất xám cho chiến lược đầy tham vọng “Made in China 2025”.
TSMC là một trong các công ty bán dẫn Đài Loan bị "chảy máu chất xám" sang Trung Quốc.
TSMC là một trong các công ty bán dẫn Đài Loan bị "chảy máu chất xám" sang Trung Quốc.
Đe dọa ngành bán dẫn Đài Loan 
Theo Nikkei, ngành công nghiệp bán dẫn đang là “gót chân Achilles” của Trung Quốc, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch tuyển dụng nhân tài, thu hút các giám đốc điều hành và kỹ sư hàng đầu ngành công nghiệp chip của Đài Loan.
Tính đến nay, đã có hơn 3.000 kỹ sư bán dẫn Đài Loan đến làm cho các công ty Hoa lục. Con số này tương đương 10% số nhân lực 40.000 kỹ sư bán dẫn của Đài Loan. 
Richard Chang chuyển đến Hoa lục vào năm 2000, sau khi doanh nghiệp Đài Loan của ông được nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới - Công ty Sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) mua lại.
Chang đã đưa hàng trăm nhân viên của mình sang Thượng Hải và ra mắt Công ty Sản xuất bán dẫn Quốc tế (SMIC) tại đó. SMIC hiện là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ 5 trên thế giới và là đối thủ chính của TSMC.
Cựu giám đốc điều hành của TSMC, Chiang Shang-yi, và giám đốc nghiên cứu và phát triển, Liang Mong-song, hiện đảm nhận vai trò cao cấp tại các công ty liên kết nhà nước ở Trung Quốc. Trong khi Charles Kao, "cha đỡ đầu" ngành DRAM của Đài Loan, vào năm 2015 cũng đã gia nhập Tsinghua Unigroup - công ty chuyên về bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên của Trung Quốc.
Những chuyển dịch như vậy đang tăng tốc theo kế hoạch "Made in China 2025" của Bắc Kinh, với mục tiêu thúc đẩy sự tự lực trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Điều này đang tạo sức ép lớn với các công ty Đài Loan.
"Chúng tôi đang cải thiện mức lương thưởng của mình, nhưng rất khó để cạnh tranh với các công ty đại lục" - Chủ tịch Công nghệ Nanya Lee Pei-ing nói. Đài Loan đã cập nhật đạo luật bí mật thương mại vào năm 2013, áp dụng án tù lên tới 10 năm với việc rò rỉ bí mật công ty bên ngoài hòn đảo. Nhưng điều này đã không ngăn cản sự chuyển hướng sang Hoa lục trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiệu quả của việc thu hút chất xám rất đáng chú ý. Công ty Changxin Memory Technologies và Yangtze Memory Technologies của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip bộ nhớ, một trong những thế mạnh của Đài Loan, và Bắc Kinh dự kiến sẽ vượt Đài Loan trở thành nước lớn nhất thế giới vào năm tới.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tung thảm đỏ cho người Đài Loan nói chung, như một bước tiến tới mục tiêu thống nhất lâu dài. Trung Quốc đã công bố 26 biện pháp vào tháng 11 nhằm đối xử bình đẳng với người Đài Loan như với người Trung Quốc đại lục, ủng hộ nhiều người Đài Loan làm việc và học tập ở Hoa lục.  

Kế hoạch "Ngàn nhân tài"
 Chương trình “Ngàn nhân tài” thu hút chất xám cho chiến lược “Made in China 2025” sẽ làm bùng phát cuộc chiến công nghiệp toàn cầu, được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến Tổng thống D. Trump tiến hành thương chiến với Bắc Kinh. 
Kế hoạch "Ngàn nhân tài" là chương trình tuyển dụng cấp nhà nước, còn được gọi là "Chương trình tuyển dụng chuyên gia toàn cầu". Chương trình này từ lâu đã là mối quan tâm đặc biệt đối với các chính phủ nước ngoài, đặc biệt với Mỹ.
Được Bắc Kinh đưa ra vào tháng 12-2008, chương trình nhằm thu hút các học giả và nhà nghiên cứu đến Trung Quốc, bị Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) mô tả là phương tiện cho phép chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc từ Mỹ.
Theo Epoch Times, chương trình này đã tuyển dụng được khoảng 8.000 người kể từ khi ra đời. Tuy nhiên, kể từ tháng 8-2018 Trung Quốc đã xóa các thông tin liên quan đến chương trình. Biện pháp này nhằm tránh thu hút sự chú ý của các dịch vụ an ninh nước ngoài, chẳng hạn như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Xie Tian, GS. tại Đại học South Carolina Aiken, cho biết chương trình Ngàn nhân tài sử dụng những cách thức bình thường để tuyển dụng nhân tài, như lương cao, đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chương trình hy vọng ứng viên mỗi năm chỉ làm việc vài tháng ở Trung Quốc, trong khi vẫn giữ được việc làm ở các nước khác. Trên thực tế, nó muốn ứng viên làm việc xuyên quốc gia. Theo GS. Xie, điều này có thể nhắm đến việc chuyển dữ liệu công nghệ từ các công ty nước ngoài.
Vào tháng 4-2018, NIC đã đưa ra một phân tích mô tả kế hoạch Ngàn nhân tài là chương trình tài năng hàng đầu của Trung Quốc nhận được ngân sách rất lớn. Một hội đồng nêu quan ngại về mục tiêu không công bố của chương trình, đó là tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng hợp pháp và bất hợp pháp công nghệ, sở hữu trí tuệ và bí quyết của Mỹ đến Trung Quốc.
Vào tháng 8-2018, FBI đã tổ chức một cuộc họp mặt chưa từng có với các nhà lãnh đạo hàng đầu của các Tổ chức Y tế và Học thuật ở Texas, để cảnh báo về các mối đe dọa nước ngoài đối với các tổ chức nghiên cứu và học thuật.
Vào ngày 13-9-2018, Nghị sĩ Mỹ Francis Rooney đã giới thiệu Đạo luật Ngăn chặn trộm cắp giáo dục Đại học (SHEET) năm 2018, với nhiệm vụ ngăn chặn dịch vụ tình báo nước ngoài sử dụng các chương trình trao đổi đại học để đánh cắp công nghệ, tuyển dụng tình báo và tuyên truyền. Ông nói, Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để đánh cắp công nghệ từ Mỹ. Theo Rooney Viện Khổng Tử đang thực hiện phương pháp này, cho phép Bắc Kinh thâm nhập các trường đại học Mỹ để khai thác môi trường nghiên cứu và phát triển mở, tuyển dụng tình báo.
"Mối đe dọa này đối với an ninh quốc gia của chúng ta nên được thực hiện nghiêm túc" - ông Rooney nói. Ông cho biết Đạo luật SHEET sẽ cho phép FBI chỉ định các mối đe dọa tình báo nước ngoài đối với giáo dục đại học, bao gồm các giáo sư và sinh viên liên quan đến kế hoạch Ngàn nhân tài. "Điều này là cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ" - ông Rooney nói.

"Made in China 2025"
Chương trình Ngàn nhân tài công bố lần đầu tiên vào năm 2015, được cho để hỗ trợ nguồn nhân lực cần thiết cho chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc đến năm 2025, 2035 và 2049. Chương trình nhằm chuyển đổi Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới theo hướng công nghệ hiện đại.
Trước đó, trong năm 2014, Bộ Công nghiệp - Công nghệ thông tin, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính, Tổng cục Giám sát, Kiểm tra và Kiểm dịch, hơn 20 phòng ban liên quan của nhà nước và 50 học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cùng hơn 100 chuyên gia soạn thảo "Made in China 2025”, trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Ngày 8-5-2015, kế hoạch đã được Hội đồng Nhà nước công bố và ban hành ngày 19-5-2015.
“Made in China 2025” đề ra kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược, như công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới và y sinh học. Ngoài ra, từ năm 2017, Bắc Kinh đã triển khai chiến lược phát triển trí thông minh nhân tạo. Mục tiêu chính là sự độc lập về công nghệ, giảm thiểu phụ thuộc vào Mỹ.
Cụ thể, đến năm 2025 Trung Quốc tự cung cấp 70% linh kiện cốt lõi và nguyên vật liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và viễn thông; 40% lượng chip điện thoại di động; 70% bộ phận của robot công nghiệp và 80% số thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.  

Các tin khác