Đa phần giới chuyên gia cho rằng viễn cảnh Mỹ cấm vận SWIFT nhằm vào Trung Quốc ít có khả năng xảy ra, nhưng xuất hiện tiếng nói ngày một lớn tại nước này kêu gọi chính quyền chuẩn bị sẵn biện pháp dự phòng để kết nối tài chính với phần còn lại của thế giới mà không cần phải phụ thuộc vào SWIFT.
Washington chưa tiết lộ cụ thể sẽ sử dụng đòn cấm vận nào nhằm vào giới chức và các tổ chức tài chính Trung Quốc. Nhưng ngay từ bây giờ, Trung Quốc không loại trừ trường hợp xấu nhất. Một số quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nói đến việc cần phải chấm dứt sự lệ thuộc vào đồng USD càng sớm càng tốt, cùng với đó là thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT).
Ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Chứng khoán Trung Quốc, là người đầu tiên cảnh báo nguy cơ Trung Quốc bị ngắt khỏi hệ thống đồng USD và mạng lưới thanh toán quốc tế qua SWIFT trong trường hợp Mỹ-Trung leo thang căng thẳng.
Kế đến, Giám đốc Ủy ban Giám sát Ngân hàng Bảo hiểm Trung Quốc Guo Shuqing và cựu Chủ tịch Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Zhou Li lên tiếng yêu cầu sớm chấm dứt sự lệ thuộc vào đồng USD.
Ngày nay, phần lớn các giao dịch quốc tế của Trung Quốc được thực hiện bằng đồng USD. NDT chỉ chiếm khoảng 19% tổng thanh toán quốc tế của Trung Quốc trong năm 2019. Tuy nhiên, việc sử dụng Hệ thống chi trả Liên ngân hàng xuyên biên giới Trung Quốc (CIPS) vẫn chưa thực sự phổ biến. Đơn cử, CIPS mới chỉ xử lý khoảng 19,4 tỉ USD giao dịch/ngày trong năm ngoái, trong khi đó con số này của SWIFT là 5.000 tỉ USD/ngày.
Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc hẳn nhiên sẽ phải tính đến hệ quả tiềm ẩn của việc ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT. Hơn thế, trên thế giới cũng đã có một số tiền lệ. Triều Tiên và Iran đã bị loại khỏi SWIFT, gây ra tác động lớn trong quá trình xử lý các giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế với hai nước này.
Ảnh hưởng, chi phối của Mỹ với SWIFT và giải pháp đặt ra với Trung Quốc
Về mặt kĩ thuật, SWIFT là thiết chế đa phương, có trụ sở đặt tại Bỉ. Nhưng trên thực tế, Mỹ thể hiện sức mạnh tài phán ngày một lớn đối với SWIFT và sử dụng cơ chế này như là một công cụ để thực thi chính sách cấm vận. Vì lẽ đó SWIFT chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ và đó là lý do Trung Quốc lo ngại về hệ thống này – ông Xu Xuemei, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhìn nhận.
Theo chuyên gia này, Mỹ đã từng nhiều lần ép buộc SWIFT thực thi cấm vận chống Triều Tiên và Iran. Do là phần quan trọng nhất trong hạ tầng tài chính quốc tế, SWIFT không thể phớt lờ các yếu tố chính trị và sự bá chủ của đồng USD.
SWIFT vì thế vẫn sẽ là cơ chế để Mỹ viện tới nhằm thực hiện các đòn cấm vận tài chính. Ông phân tích, Chủ tịch SWIFT là một đại diện của Mỹ, còn Giám đốc điều hành là một người châu Âu, một cơ chế như vậy không thể bảo đảm tính công bằng, trung lập cho SWIFT.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ khung thể chế, SWIFT chính thức chịu quy định của pháp luật châu Âu, chứ không phải Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ, đồng USD vẫn có vị thế quá lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đó là lý do tại sao SWIFT cũng như nhiều tổ chức đa phương khác không thể phớt lờ ý kiến của Mỹ.
Theo Shi Jiayou, Giáo sư tại Trường Luật Đại học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhiệm vụ chủ chốt là phải giảm phụ thuộc vào đồng USD, tăng cường tính đa dạng cho hệ thống tài chính toàn cầu.
“Do phần lớn các giao dịch quốc tế gắn chặt với đồng USD, SWIFT sẽ không thể thoát khỏi lệ thuộc vào Mỹ. Rất khó để kỳ vọng vào bất kỳ cải cách thực sự nào đối với SWIFT trong tình hình hiện nay. Chúng ta cần chủ động thúc đẩy việc đa dạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu, chấm dứt sự bá chủ của đồng USD càng sớm càng tốt, cùng với đó là thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT”, ông Shi Jiayou nêu quan điểm.
Chuyên gia này nhìn nhận, Trung Quốc thời gian tới cần phát triển mạnh hơn nữa CIPS và đẩy mạnh quảng bá hệ thống trên thế giới. Kết hợp tiến trình này với việc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), khuyến khích sử dụng đồng NDT trong xác lập giá và thực hiện giao dịch, ít nhất là với các nước tham gia BRI.
Để chấm dứt thế bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, điều cốt yếu nhất là phải định ra được các cơ chế mới về thanh toán quốc tế. Một trong những cơ chế đó có thể là đồng tiền điện tử (tiền kĩ thuật số), một công cụ cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới tức thời, không cần đến một hạ tầng tài chính phức tạp cùng với hệ thống ngân hàng tương ứng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) trong nhiều năm qua đã nghiên cứu phát triển đồng NDT kĩ thuật số. Đồng tiền điện tử này đã được thử nghiệm tronng phạm vi giới hạn ở bốn tỉnh, thành phố và sẵn sàng cho việc phát hành, lưu thông trên diện rộng.
Theo PBC, đồng NDT kĩ thuật số sẽ thay thế giao dịch tiền mặt và cũng là đồng tiền hiến định như đồng NDT thông thường. Nếu dự án này thành công, Trung Quốc sẽ là cường quốc tài chính lớn đầu tiên trên thế giới đưa đồng tiền kĩ thuật số quốc gia vào lưu thông. Nó sẽ mở ra một chân trời mới cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT.