Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM theo hướng nào?

(ĐTTCO) - Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TPHCM theo hướng nào, trong khi TP Đà Nẵng cũng có tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM theo hướng nào?

Ngày 6-10-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng ban tham mưu Chính phủ, nghiên cứu, phối hợp giải quyết các công việc trong quá trình xây dựng đề án TTTC khu vực và quốc tế.

Với TPHCM, phác họa ban đầu cho thấy TTTC quốc tế có 4 khối chính gồm: công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số; thị trường tài chính; khu tài chính-thương mại Thủ Thiêm; sàn giao dịch hàng hóa. Còn TP Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành TTTC quy mô khu vực và trung tâm fintech quốc gia; điểm rất đặc biệt là sẽ hình thành TTTC offshore.

Khối cấu trúc TTTC quốc tế TPHCM và Đà Nẵng đều hướng tới trở thành trung tâm fintech và hội nhập thị trường tài chính khu vực và quốc tế, nên không biết sẽ phát triển ra sao để tránh chồng lấn. Độc đáo nhất là Đà Nẵng đặt tham vọng trở thành TTTC offshore, trong khi TPHCM thì chưa thấy đề cập.

Một bộ luật đẳng cấp cho TTTC quốc tế, nhưng người thừa hành không tương xứng thì "thiện ác" khó phân minh.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, TTTC offshore dù được tạo ra hợp pháp, nhưng cũng có nhiều điểm không rõ ràng, như trốn thuế và rửa tiền.

Vào năm 2007, IMF định nghĩa chính thức về TTTC offshore: Đó là quốc gia hoặc khu vực pháp lý cung cấp dịch vụ tài chính cho người không cư trú ở quy mô lớn hơn nhiều lần quy mô GDP quốc gia. “Không gian nhỏ, số tiền lớn”, thể hiện dễ hiểu và sinh động các TTTC offshore hàng đầu thế giới. Chẳng hạn quần đảo Cayman, là TTTC offshore với khoảng 58.000 dân và GDP dưới 3 tỷ USD, nhưng thu hút trên 4.100 tỷ USD vốn quốc tế từ các ngân hàng quốc tế, quỹ phòng hộ và vốn FDI, gấp 1.500 lần GDP.

Kể từ năm 2000, IMF cùng với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã đặt ra các quy định tuân thủ về tính minh bạch trong các giao dịch tài chính để chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và chế độ thuế, khiến cho các TTTC offshore ngày càng giảm đi sự hấp dẫn.

Khi không còn các ưu đãi thuế và bí mật, TTTC offshore không khác gì TTTC quốc tế hoặc khu vực theo nghĩa truyền thống. Nó không còn hiểu theo nghĩa như trước: giữa thiện (TTTC quốc tế truyền thống) và ác (TTTC offshore).

hgstho-1062.jpg

Lấy dẫn chứng TTTC quốc tế truyền thống Dubai, tồn tại dưới dạng đặc khu tài chính tự do, ưu đãi thuế, có một bộ luật đẳng cấp quốc tế cao nhất, song do hoạt động giống như TTTC offshore trong khi quản lý không xuể, nên từng mang tai tiếng trong danh sách xám rửa tiền.

Hay TTTC quốc tế truyền thống Singapore, Hồng Kông cũng được gọi là offshore, nhưng ít mang tai tiếng do quản lý tuân thủ tốt hơn. Tóm lại, một bộ luật đẳng cấp cho TTTC quốc tế nhưng người thừa hành không tương xứng, thì "thiện ác" khó phân minh.

Offshore là thuật ngữ ngoài khơi, ý nói các vùng đất được phân biệt với các vùng đất trên bờ (onshore), nhưng không nhất thiết vì vị trí, mà vì nó xác định lãnh thổ hoặc lĩnh vực tài phán có các quy định về ưu đãi thuế, và quy định thông thoáng khác với phần còn lại của quốc gia.

“Ngoài khơi” cũng báo hiệu rạn nứt sâu sắc trong thể chế quốc gia: đó là biểu thị sự phân chia không gian pháp lý về chủ quyền thành các không gian biệt lập nhưng phụ thuộc tương đối lẫn nhau, có thể tạo ra vùng xám thể chế.

Quay trở lại Đà Nẵng, muốn có được TTTC offshore theo nghĩa một khu vực tài phán, thì Quốc hội có thể phải thông qua Luật hoặc Nghị quyết riêng. Trong trường hợp này, có khả năng cả 2 TTTC quốc tế TPHCM và Đà Nẵng sẽ có 2 quy định riêng.

Vậy hệ lụy thế nào nếu một quốc gia, khu vực có phân mảnh quy định khác nhau cho các TTTC quốc tế?

Còn nhớ nhân Hội nghị Thượng đỉnh ngân hàng toàn cầu năm 2020, ông Axel Weber, Chủ tịch UBS và cũng là cựu Chủ tịch Bundesbank, khi trả lời trên tờ Financial Times cho rằng, sở dĩ các TTTC quốc tế hàng đầu châu Âu như Frankfurt, Paris không thể nào phát triển bằng London là do bị phân mảnh quy định, vô hình trung tất cả đang tham gia cuộc chơi có tổng bằng 0, kẻ này thắng thì kẻ khác ắt phải thua.

Như vậy nếu không phân mảnh để tránh cuộc đua xuống đáy, có thể TPHCM và Đà Nẵng đều áp dụng chung một khung quy định. Như thế sẽ phù hợp xu thế ranh giới phân biệt ngày càng mờ nhạt giữa TTTC offshore và truyền thống. Nếu thế, thế mạnh TTTC offshore của Đà Nẵng hoàn toàn có thể bị TPHCM chia sẻ, thậm chí lấn át, nhưng cũng có thể cả 2 thay vì trở thành ống “dẫn xuất” lại biến dạng thành ống “nhấn chìm” dòng tài chính quốc tế.

Phát triển TTTC quốc tế còn có thể phạm sai lầm do tư duy cục bộ, tệ hơn là cho các mục tiêu phi kinh tế. Năm 2007, Chính phủ Ấn Độ thành lập Ủy ban Cấp cao bao gồm hầu hết các bộ quan trọng trong chính phủ, và đã hoàn chỉnh bản đề án xây dựng TTTC quốc tế do Thủ tướng lúc bấy giờ là Manmohan Singh Đảng Quốc Đại chỉ định đặt tại Mumbai.

Họ cho rằng đó là một bước phát triển tự nhiên của thành phố với tư cách là trung tâm thương mại, tài chính của Ấn Độ hàng trăm năm nay. Đất xây dựng TTTC quốc tế được chỉ định tại khu phức hợp Bandra Kurla (BKC), vốn là điểm đến hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư ham muốn bấy lâu.

Thực ra Mumbai với tư cách là trung tâm thương mại-tài chính không phải là dự án được quy hoạch theo nghĩa bắt buộc một cách gượng ép phải đẻ ra bằng được. Nó nổi lên một phần từ bến cảng tự nhiên với hàng loạt định chế tài chính, tập đoàn kinh tế đang hoạt động. Với lợi thế tự nhiên, Ủy ban Cấp cao (2007) và Thủ tướng Manmohan Singh kỳ vọng, TTTC quốc tế theo mô hình SEZ tài chính đủ sức cạnh tranh với các trung tâm hàng đầu ở Dubai, Qatar và Singapore.

Vào năm 2014, sau khi Đảng Nhân Dân Ấn Độ (BJP) lên nắm quyền, Thủ tướng Modi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ, đã quyết định thay đổi toàn bộ kế hoạch ban đầu của Manmohan Singh.

Nếu không phân mảnh để tránh cuộc đua xuống đáy, có thể TPHCM và Đà Nẵng đều áp dụng chung một khung quy định. Nó phù hợp xu thế ranh giới phân biệt ngày càng mờ nhạt giữa TTTC offshore và truyền thống. Nếu thế, thế mạnh TTTC offshore của Đà Nẵng hoàn toàn có thể bị TPHCM chia sẻ, thậm chí lấn át, nhưng cũng có khả năng cả 2 thay vì trở thành ống “dẫn xuất” thì lại biến dạng thành ống “nhấn chìm” dòng tài chính quốc tế.

Thủ tướng Modi cho ban hành luật mới về Trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế (IFSC). Chính phủ của Modi đã cho phát triển TTTC quốc tế tại GIFT City bang Gujarat.

Trước chất vấn của Quốc hội về vấn đề này, Đảng BJP cầm quyền khẳng định: “Chỉ sau khi TTTC quốc tế Gujarat được sử dụng tối ưu, và chỉ khi toàn bộ tiềm năng của nó được phát hiện và khai thác, chúng ta mới có thể nghĩ xa hơn”. Hàm ý chỉ khi nào TTTC quốc tế Gujarat khai thác hết công suất mới đến lượt TTTC quốc tế Mumbai.

Những người phản đối cho rằng, dự án TTTC quốc tế Gujarat mang động cơ chính trị, vì đó là quê hương Thủ tướng Modi. Chủ tịch Đảng Quốc đại Sharad Pawar, viết thư cho Modi nói rằng, để Gujarat thay thế Mumbai với tư cách là một TTTC quốc tế trụ cột là “sai lầm và không chính đáng”.

Pawar nhắc Modi rằng, Mumbai chính thức được công nhận là một trong 10 trung tâm thương mại hàng đầu thế giới xét về dòng tài chính toàn cầu, tạo ra 6,1% GDP của Ấn Độ, 25% sản lượng công nghiệp và 70% giao dịch vốn cho nền kinh tế. Pawar kêu gọi Modi xem xét lại quyết định của mình, vì sẽ tạo ra những xáo trộn chính trị không cần thiết. Nó sẽ gây thiệt hại tài chính cho đất nước và mất uy tín quốc tế, bằng cách làm suy yếu tầm quan trọng của TTTC quốc tế Mumbai.

Ai đúng, ai sai trong câu chuyện trên không dễ phán xét. Chỉ biết rằng liên tục nhiều năm qua cả Mumbai và Gujarat đều níu kéo nhau trong nhóm giữa bảng Chỉ số xếp hạng TTTC quốc tế (GFCI), mặc cho Gujarat dường như đang bứt tốc mạnh do nhận được những ủng hộ tuyệt đối từ chính quyền trung ương.

Nhiều nhà phê bình nói rằng, câu chuyện trên thể hiện tư duy cục bộ trong xây dựng TTTC quốc tế của Ấn Độ. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, Mumbai phải tự trách mình. Bởi toàn bộ kế hoạch và chương trình hành động của Ủy ban cấp cao xây dựng TTTC quốc tế (2007) được sự ủng hộ tuyệt đối của nguyên Thủ tướng Manmohan Singh, nhưng bộ phận thừa hành chỉ có ngồi trên bản vẽ và các khuyến nghị, trong khi không có bất kỳ hành động nào cụ thể trong khoảng thời gian 10 năm từ 2007-2017, nên để mất cơ hội vào tay TTTC quốc tế Gujarat.

TPHCM tổ chức nhiều hội thảo, viết đề án TTTC quốc tế từ 2 thập niên qua vẫn chưa thấy lối ra, cũng phần nào các bộ ngành chưa bị thuyết phục, nay lại có thêm TTTC offshore và fintech của Đà Nẵng chồng lấn, thì bài toán càng khó hơn, không khéo có khi vô nghiệm.

Cách hiểu đúng thế nào là TTTC offshore và bài học về Mumbai và Gujarat của Ấn Độ, có thể là điển cứu để Ban chỉ đạo TTTC quốc tế cân nhắc, tránh sai lầm về một cuộc đua xuống đáy để tìm ra chương trình hành động khả thi và thật cụ thể, để biến giấc mơ TTTC quốc tế Việt Nam tại TPHCM (hoặc các khu vực có đủ điều kiện) sớm trở thành hiện thực như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đề ra.

Các tin khác