Ai có triển vọng là chủ nhân Nhà Trắng?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi cả thế giới phải căng mình chống đại dịch COVID-19 mà Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đại dịch làm cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên khó lường đến phút chót. Hiện tại, đương kim tổng thống (đảng Cộng hòa) đang bị thách thức bởi ứng cử viên Joe Biden (đảng Dân chủ) - người được biết đến nhiều nhất với tư cách là Phó Tổng thống của ông Barack Obama nhưng đã tham gia chính trường Mỹ từ thập niên 1970.
Gần 30 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống, phá kỷ lục, so với chỉ 6 triệu người vào thời điểm này trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong đó, Florida - tiểu bang "chiến trường" - mở bầu cử sớm hôm 19-10. Giới chuyên gia nói rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người bỏ phiếu trước thời hạn để tránh đông người tại các điểm bỏ phiếu vào ngày 3-11, mặc dù một số cử tri sớm cũng phải xếp hàng dài.
Ngày bầu cử đang đến rất gần và các công ty thăm dò ý kiến tiếp tục ráo riết tìm cách đánh giá tâm trạng của quốc gia bằng cách hỏi cử tri xem họ thích ứng cử viên nào hơn. Ông Joe Biden hiện là người dẫn đầu toàn quốc trong các cuộc thăm dò dư luận.
Ứng viên Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ, ngày 29-9. Ảnh: AFP. |
Nhưng, ông Biden lại dẫn đầu ít hơn ở vài bang quan trọng - nơi sẽ quyết định kết quả cuối cùng. Trong khi gần như hầu hết năm nay, ông Joe Biden luôn dẫn trước ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia. Tỉ lệ ủng hộ của ông dao động quanh mức 50% trong những tuần gần đây và có lần dẫn trên ông Trump đến 10 điểm. Còn vào năm 2016, các cuộc thăm dò không rõ ràng hơn nhiều và bà Hillary Clinton chỉ cách ông Donald Trump một vài phần trăm ở một số thời điểm khi ngày bầu cử gần đến.
Hầu hết tiểu bang gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng, có nghĩa là trên thực tế chỉ có một số tiểu bang mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây là những nơi diễn ra cuộc bầu cử quyết định ai thắng ai bại và được biết đến như là những tiểu bang "chiến địa". Vì vậy, các ứng cử viên thường dành thời gian để vận động ở những nơi này nhiều hơn.
Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò ở các tiểu bang "chiến địa" có vẻ tốt cho Joe Biden nhưng đến ngày đi bầu thì mọi thứ có thể thay đổi, đặc biệt khi liên quan đến ông Trump. Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Biden đang dẫn đầu ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - 3 tiểu bang công nghiệp mà đối thủ đảng Cộng hòa của ông giành được với tỉ lệ hơn bà Hillary Clinton chỉ dưới 1% trong năm 2016.
Nhưng, những tiểu bang "chiến trường" nơi ông Trump thắng lớn năm 2016 là nơi nhóm vận động tranh cử của ông lo lắng nhất, theo BBC. Tỉ lệ thắng của ông ở Iowa, Ohio và Texas ở vào khoảng từ 8-10% vào thời điểm đó, song hiện tỉ lệ ủng hộ của ông Trump đang kề sát ông Biden trong kỳ bầu cử này. Đó là một trong những lý do tại sao một số nhà phân tích chính trị đánh giá cơ hội tái đắc cử của ông Trump khá thấp. FiveThirtyEight - một trang web phân tích chính trị - nói rằng, ông Biden được "yêu chuộng" để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trong khi The Economist cho hay, ông "có khả năng" đánh bại ông Trump.
Tờ L'Express trong một bài trang nhất với cái tít "Tất cả về Biden" nói về một số khía cạnh khiến ông Biden "sẽ làm bạn ngac nhiên". Tờ tạp chí Pháp này nêu bật các ưu tiên kinh tế của ông Biden từ vấn đề bảo vệ công ăn việc làm, y tế, cho đến việc phát huy năng lượng xanh... - những chủ trương giống như những người tiền nhiệm trong đảng Dân chủ của ông, khác xa với thứ mà ông Trump đã lên án.
Và ông Joe Biden nhận được ủng hộ tài chính kỷ lục. Trong tháng 9, đương kim Tổng thống "chỉ nhận được" 283 triệu USD, trong khi cựu Phó Tổng thống được 383 triệu USD (tuần trước con số đã lên đến 432 triệu USD so với 251 triệu của ông Donald Trump).
Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump được 46% số phiếu của cử tri. Lần này, theo các cuộc khảo sát, ông Trump vẫn được hơn 40% cử tri ủng hộ. Do đó, tờ Le Monde của Pháp nhận định, điểm tín nhiệm của ông Donald Trump không giảm sút nhiều sau 4 năm "ồn ào và giận dữ". Trong khi đó, nước Mỹ đang bị rung chuyển bởi COVID-19 và suy thoái kinh tế, "pháp thuật" của ông Trump vẫn phát huy tác dụng.
Ứng viên Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Không ít nhà quan sát cho biết, ông Trump đang nỗ lực trổ tài như thời tranh cử cách đây 4 năm. Ông gặp gỡ cử tri và chỉ xoáy vào những vấn đề đang khiến họ lưu tâm hoặc bức bối rồi ông đưa ra lời hứa xử lý. Hơn thế nữa, các nhà quan sát thấy ông Trump đang chơi chiêu mà ông rất giỏi: Đánh đúng những vấn đề cử tri Mỹ lưu tâm, nhắc đi nhắc lại để người ta nhớ. Và Tổng thống Mỹ vẫn trung thành với mục tiêu giảm thuế cho người giàu, giảm quyền lực công đoàn...
Vì thế, hôm 17-10, ban vận động tranh cử của ông Joe Biden đã kêu gọi người ủng hộ không nên "tự mãn" và "mất cảnh giác", dù kết quả các cuộc thăm dò gần đây nghiêng về phía ông hơn. "Chúng ta đều biết rằng, ngay cả cuộc thăm dò dư luận tốt nhất cũng có thể sai (...) nên chúng ta cần phải tiếp tục vận động như thể đang bị dẫn trước" - bà Jen OMalley Dillon, Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, nhấn mạnh.
Phía đảng Dân chủ cũng thừa nhận, cuộc đua lần này rất sít sao. Nhưng, các nhà quan sát cũng thấy một dấu hiệu đáng ngại cho ông Trump: Dựa theo lịch sử bầu cử, một khi cử tri đi bầu sớm ồ ạt thì đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn có sự thay đổi!
Theo hệ thống cử tri đoàn mà Mỹ dùng để bầu tổng thống, mỗi tiểu bang được cấp một số phiếu cử tri dựa trên dân số. Tổng cộng nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.
Cục diện khó đoán
Nhìn cục diện sát ngày bầu cử Tổng thống Mỹ như trên, ông Bilahari Kausikan - cựu quan chức ngoại giao cấp cao Singapore và hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore - phân tích trên tờ Straits Times (Singapore) nói về chính sách đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống. Chuyên gia này nhận định, trong trường hợp ứng viên Joe Biden đánh bại Tổng thống Donald Trump cũng không nên kỳ vọng vào một sự thay đổi cơ bản trong quỹ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ.
Những sự thay đổi, điều chỉnh sẽ chủ yếu là về phong cách, môi trường xung quanh và trong những tiến trình mà thông qua đó, các quyết định được đưa ra và được truyền đạt. Những điều đó là quan trọng nhưng không phải là những thay đổi cơ bản, chủ chốt.
Tính cách cá nhân của ông Trump là duy nhất. Nhưng, ông và các chính sách của ông là những dấu hiệu biểu hiện của sự chuyển đổi trong chính thể Mỹ và các xu hướng toàn cầu vốn đã xảy ra khi ông Trump được bầu làm tổng thống vào năm 2016. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra sau khi ông rời nhiệm sở. Bất kỳ ai kế nhiệm ông Trump, dù là trong năm 2021 hay vào năm 2025, đều phải đối mặt với những thay đổi và xu hướng này.
Mỹ sẽ không tìm cách rút ra khỏi thế giới. Điều đó là bất khả thi. Tuy nhiên, Washington đang tìm kiếm một cách thức để tạo thế cân bằng mới. Mỹ đã tái điều chỉnh các phương thức can dự của mình về kinh tế và quân sự, xác định các lợi ích một cách thu hẹp hơn và ít quan tâm, cân nhắc hơn tới các đồng minh và bạn bè.
Khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống vào năm 2008 với khẩu hiệu "Change we can believe in" (Thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng), cử tri Mỹ không hiểu rằng ông chủ yếu nói đến sự thay đổi ở nước ngoài. Họ coi đó như một lời hứa rằng các vấn đề trong nước bị bỏ quên lâu nay sẽ được giải quyết và đã đến lúc phải đưa ngôi nhà của chính nước Mỹ vào nề nếp. Trong bối cảnh đó, kế hoạch hồi sinh lĩnh vực chế tạo "Made in all of America" của ông Biden là phù hợp.
Gần 30 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh: AP. |
Cách thức ứng phó COVID-19 và đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng là bài toán lớn nhất đặt ra trong cuộc bầu cử lần này. Nếu đắc cử, ưu tiên của ông Biden sẽ là giải quyết các hậu quả kinh tế trong nước do đại dịch COVID-19 gây ra, chứ không phải chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ không thể hoàn toàn "rảnh tay". Những chia rẽ sâu sắc trong đảng Dân chủ được thể hiện trong các cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa được giải quyết. Nếu ông chiến thắng, những chia rẽ này chắc chắn sẽ nhanh chóng nổi lên và kéo các chính sách của ông Biden đi theo những hướng khác nhau.
Nếu ông Trump giành chiến thắng một lần nữa, ông sẽ coi đây là sự minh chứng chứng minh rõ ràng và sẽ tiếp tục thúc đẩy những gì mình đang làm. Do đó, những gì xảy ra tiếp theo sẽ tập trung vào các vấn đề có thể phát sinh nếu ông Biden giành chiến thắng. Bởi tình hình và bối cảnh nguyên trạng như trước khi ông Trump lên nắm quyền sẽ không thể quay lại.
Về vấn đề Trung Quốc và thương mại, thì trong các cương lĩnh tranh cử, không có vấn đề nào quan trọng hơn mối quan hệ Mỹ-Trung. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden đã cam kết sẽ trở nên cứng rắn với Trung Quốc. Ông Biden sẽ không dỡ bỏ những hạn chế đối với việc xuất khẩu các mặt hàng kỹ thuật công nghệ tới Trung Quốc, mặc dù ông sẽ cố gắng làm ổn định mối quan hệ và cải thiện bầu không khí của hai nước bằng cách thực hiện chúng một cách trật tự, minh bạch hơn. Như vậy, có thể nói, cách tiếp cận nói chung của ông Biden đối với vấn đề thương mại dường như sẽ là "cách tiếp cận của ông Trump nhưng nhẹ nhàng hơn".
Ông Biden sẽ không tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ không xóa bỏ những sửa đổi của ông Trump đối với các hiệp định tự do thương mại khác. Ông Biden cũng không mặn mà với các vấn đề thuế quan như ông Trump nhưng sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp thuế quan hiện tại hoặc từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ông Biden đã cam kết sẽ cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết "có những hành động thực thi thương mại tích cực".
Đối với châu Âu và Nga, các chính quyền kế nhiệm của Mỹ đã thúc ép châu Âu phải làm nhiều hơn nữa trong hệ thống quốc phòng của chính mình và tất cả đều đã thất bại nên ông Biden chắc chắn không có khả năng làm tốt hơn. Chưa kể, những đồng minh châu Âu của Washington không còn dám tin vào "giấc mơ Mỹ" dù ông Trump hay ông Biden thắng cử. Một mặt do châu Âu đã có cách nhìn khác về Mỹ, mặt khác do xã hội Mỹ cũng thay đổi sâu sắc trong nhiệm kỳ của ông Trump (2017-2021).
Trong 4 năm, Tổng thống Trump đã “kịp” rút Mỹ khỏi hầu hết thỏa thuận, hiệp định quốc tế quan trọng (khí hậu, hạt nhân Iran...), mà nhiều đồng minh châu Âu là đối tác. Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng nằm trong danh sách những định chế bị chính quyền ông Trump chỉ trích.
Việc thiết lập lại quan hệ Mỹ-Nga cũng khó xảy ra.
Mỗi tổng thống mới đều cảm thấy có nghĩa vụ phải "làm mới thế giới". Tuy nhiên, Báo Les Echos dẫn nhận định của học giả Jacques Attali trong bài viết "Chia tay với giấc mơ Mỹ" thì dù ai là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, ít có cơ hội là tình hình được cải thiện nhanh chóng.
Và dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2025, người đó cũng sẽ phải đối phó muôn ngàn ngổn ngang do COVID-19 để lại.