Mùa hè năm 2009, kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại. Chúng tôi đã dọc ngang các cung đường từ Đông qua Tây Trường Sơn. Những ký ức xưa, những cung đường năm ấy hiện về. Loạt bài ký sự trở lại Trường Sơn gây dư luận mạnh, sức lan truyền cao và thu hút các tầng lớp xã hội hướng về một phong trào nghĩa tình mạnh mẽ.
Nụ cười Trường Sơn
Eo Bù - Chút Mút đầu năm 2012 ở Tây Trường Sơn có Làng Ho diệu vợi giữa mây trắng sương giăng. Nơi đó là mảnh làng của những người anh em Vân Kiều sinh sống. Già Hồ Uôi, 73 tuổi, từng một thời là lính của bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559.
Giữa cơi lửa xua lạnh, già nói: “Mình sống ở đây cả đời, tổ tiên mình ở đây cả đời, dưới những căn nhà xập xệ, nhưng đời mình đã đổi rồi, ở tuổi bảy chục, mình được báo SGGP, Công ty Phong Phú, cái biên phòng xây dựng cho căn nhà tình nghĩa. Đây là nhà tình nghĩa đầu tiên của anh em miền Nam ra tặng tại vùng Làng Ho, Chút Mút này.
Mình được hưởng đầu tiên, mừng lắm, đời bố mình, ông của mình chưa có cái nhà chắc chắn thế này. Đây là tình cảm, là căn nhà lá lành đùm lá rách mà dân bản hay kể cho nhau”. Hồ Uôi là một trong 10 hộ gia đình được Tổng CTCP Phong Phú tài trợ xây nhà tại tuyến biên giới Quảng Bình.
Hồ Uôi vui mừng đón Tổng Biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển trước căn nhà mới được |
Dù ở trong căn nhà mới vách làm bằng ván rừng hơn 1 năm, Hồ Uôi và vợ con vẫn còn mừng: “Ở đây ấm lắm, căn nhà này chừ cả xóm đến chơi vui lắm, ngủ êm lưng, dậy đi êm chân do sàn nhà tốt. Cái bụng anh em miền Nam thiệt tốt”. Ở giữa Eo Bù - Chút Mút, mưa rừng mùa đông thổi bần bật, xác xơ muôn vàn lau trắng, Hồ Uôi vẫn cười vui bên bếp lửa tí tách, bởi đời già đã có mái ấm ở vùng biên cương.
Không biết bao nhiêu lần đi Trường Sơn, nhưng mỗi chuyến đi trong khuôn khổ của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn trong tôi luôn văng vẳng những khúc tráng ca một thời khói lửa, hào hùng của bao thế hệ cha ông cống hiến xương máu và tuổi xuân trên những nẻo đường.
53 năm trước, khắp nẻo Trường Sơn là chiến đấu, hy sinh, những địa danh như Truông Bồn (Nghệ An), Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đường 20 Quyết Thắng, phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị)… mỗi khi nhắc đến là lòng người ứa nghẹn bi thương. Bao nhiêu công sức đã nhuốm thắm đất đai bờ bãi, sông suối qua ngã Trường Sơn để vun đắp cho hòa bình, cho cuộc sống được dựng xây.
53 năm sau ở Trường Sơn, những người lính biên phòng sát cánh cùng các dân tộc anh em, viết tiếp trang sử vàng của người lính cụ Hồ. Họ giúp dân, thương dân, vì dân để vươn tới cuộc sống có một tương lai bền vững.
Trải mình về những đồn biên phòng từ Nghệ An, vào Hà Tĩnh, qua Quảng Bình, vô Quảng Trị… và dọc dài tuyến biên giới Việt - Lào, Nghĩa tình Trường Sơn thấm thía ân nghĩa quá khứ xưa với cuộc sống thực tại của đồng bào các dân tộc anh em. Khó khăn là điệp khúc chúng tôi chứng kiến và nghe thấy.
Bộ đội biên phòng không thể quán xuyến hết mọi ngõ ngách đời sống mỗi căn nhà, từng cuộc đời đồng bào vùng cao. Cần một chương trình tài trợ đủ lớn để cùng bộ đội biên phòng giúp dân có cuộc sống tốt hơn.
Theo sơ kết giai đoạn 1 của Ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn báo SGGP triển khai thực hiện, từ năm 2009-2011 các nhà tài trợ, mạnh thường quân trong cả nước như Vietcombank, Sabeco, Tổng CTCP Phong Phú, Pepsico Việt Nam… tài trợ gần 60 tỷ đồng thông qua báo SGGP.
Từ khoản tiền tài trợ đầy ắp nghĩa tình ấy, gần 700 căn nhà tình nghĩa, 5 trạm xá quân dân y kết hợp, nhiều cầu nông thôn, 2 đền đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đã được xây dựng; 1.300 suất học bổng được trao tặng; nhiều nơi khó khăn được hỗ trợ trang thiết bị y tế.
Đối tượng thụ hưởng chương trình là các gia đình nghèo vốn là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn và đồng bào dân tộc sinh sống trên các địa bàn tuyến đường Trường Sơn đi qua. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã góp phần vun đắp cuộc sống đồng bào các dân tộc dọc biên giới, các cựu binh và cựu thanh niên xung phong đường Trường Sơn.
Niềm vui từ vùng siêu lũ
Mùa lũ năm 2010, Bắc miền Trung hứng đợt siêu lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Ban tổ chức Nghĩa tình Trường Sơn báo SGGP đã phát động cứu trợ lũ lụt.
Công ty Pepsico Việt Nam và một số nhà tài trợ đã nhiệt tình tham gia. Trường tiểu học Số 1 Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị lũ càn tan hoang, lớp học đổ nát, 370 học sinh mất trắng sách vở, bàn ghế. Trước tình cảnh đó, chương trình đã trao tặng 150 triệu đồng để dựng lại 3 phòng học bị lũ cuốn mất.
Đón nhận tấm lòng nghĩa tình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc, xúc động: “Hết sức cảm ơn Ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn báo SGGP và Công ty Pepsico. Nếu không có sự giúp đỡ chí tình này chúng tôi không biết khi mô mới khôi phục được 3 phòng học đổ nát”.
Trường mầm non Quảng Long (Quảng Trạch) mất trắng đồ chơi của con trẻ, chương trình đã ủng hộ trang thiết bị trị giá 80 triệu đồng. Ở Quảng Long, chương trình còn hỗ trợ 40 triệu đồng cho 11 hộ gia đình khó khăn nhất bị thiệt hại do lũ.
Những đóng góp của Ban tổ chức Nghĩa tình Trường Sơn giúp cho đồng |
Vùng rốn lũ nặng nhất là xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh, trạm y tế xã được hỗ trợ 80 triệu đồng mua sắm thiết bị y tế mới. Khi đón nhận tấm lòng của các nhà tài trợ, bà Lê Khánh Toàn, Trưởng trạm, ứa nước mắt: “Không có sự giúp đỡ này không biết khi mô trạm y tế trở lại hoạt động bình thường. Một lời cảm ơn cũng chưa đủ mà phải nhiều lời cảm ơn mới tường rằng qua hoạn nạn mới tỏ lòng nhau”.
Còn tại Nghệ An, chương trình cũng trao hơn 120 triệu đồng cho các gia đình vùng lũ. Đó là tình nghĩa mà Ban tổ chức chương trình sẻ chia với những mất mát tang thương của đồng bào vùng lũ.
Còn nhớ, về xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) lúc đó, Chủ tịch xã Nguyễn Công Hoan đã khóc lúc phát biểu trước bà con đến nhận quà. Ông khóc vì xã của ông không cô đơn khi hoạn nạn trước cánh đồng Ruộng Hoái bị lũ quần nát.
Nghĩa tình Trường Sơn đã đi qua một chặng đường. Ngay khi giai đoạn 2 bắt đầu triển khai, chương trình đã nhận được cam kết tài trợ 52 tỷ đồng từ NHTMCP Công Thương (VietinBank). Và vẫn còn rất nhiều tấm lòng đang tiếp tục đến với chương trình, đến với bà con sinh sống trên mảnh đất Trường Sơn huyền thoại, vốn đang còn nhiều gian khó.
Những nhà tài trợ vẫn tiếp tục đồng hành cùng báo SGGP, bởi từng đồng tiền góp vào chương trình đều được trân trọng để góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống của đồng bào Trường Sơn, các cựu chiến binh Đoàn 559 và cựu thanh niên xung phong trên các cung đường đầy đạn bom, khói lửa năm xưa.