Truyện "Bác vật xà bông" người Việt và dùng hàng Việt

Trong các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, có một truyện ngắn trong tập “Hương rừng Cà Mau” nói về tinh thần “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khá thú vị. Đó là truyện “Bác vật xà bông”.

Trong các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, có một truyện ngắn trong tập “Hương rừng Cà Mau” nói về tinh thần “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khá thú vị. Đó là truyện “Bác vật xà bông”.

Câu chuyện xưa

Truyện tóm tắt như sau: Cách nay gần 70 năm, ở vùng Xẻo Bần có vài chục hộ dân sống bằng nghề lấy củi và đánh cá trên biển. Một ngày nọ, có một ông bác vật (nhà nghiên cứu khoa học) đến xây nền đúc, cất nhà ngói, tự xưng là chủ đất, được dân địa phương đón chào nhiệt liệt.

Ông tỏ ra nhã nhặn, thân ái với mọi người và được người dân nơi đây gọi là “dượng Hai”. Ông chủ đất giàu có, học thức nhưng rất bình dân, vui vẻ mời từng người vào phòng làm việc của mình, nơi có nhiều dụng cụ thí nghiệm hóa học, những thứ rất lạ lẫm với tất cả mọi người ở đây.

Từ đó, bà con bàn tán xôn xao về nhà bác vật, người nói ông là người “kỳ tài”, kẻ nói ông “làm quốc sự”...

Một phiên chợ hàng Việt tại vùng quê.
Một phiên chợ hàng Việt tại vùng quê.

Một bữa, sau khi đi Bến Tre về, dượng Hai tuyên bố sẽ lập một xưởng chế tạo xà bông. Bấy giờ, giá xà bông tăng gấp 3 lần, bởi không nhập được các hóa chất do tình hình chiến sự. Ông hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công.

Ông hào hứng nói: “Mình cần dùng có 2 món: dầu dừa với nước tro. Dầu dừa đã sẵn sàng: Ra Hòn Tre mua dừa khô về thắng lại. Nước tro là tro than đước, tro bẹ dừa, tro cây mắm. Nhứt là cây mắm, mọc đầy bãi biển, tro nó mặn và rẻ vốn hơn hết”.

Ông nói sơ về quy trình sản xuất xà bông cho bà con nghe, rồi “biểu diễn” cho mọi người xem. Ai nấy đều trố mắt nhìn. Nhưng từ bữa đó, dân Xẻo Bần bỗng có cùng suy nghĩ: Mình cũng có thể tự chế tạo được xà bông, tội gì đi làm mướn cho dượng Hai. Bà con đều có thể tự mở ra mỗi người một xưởng nhỏ.

Trong khi dượng Hai thí nghiệm xà bông tại nhà, đằng này bà con xóm Ngọn cũng bỏ hết công việc làm để sản xuất với kiến thức tối thiểu của mình. Nước tro cây mắm, dầu dừa và nước lạnh trộn trong chảo, bắc lên bếp. Dĩ nhiên, không thể thành công.

Rồi có người nảy ra ý: đi ăn cắp nước tro của ông bác vật về nếm thử, sau đó bắt chước làm giống vậy. Họ còn tìm cách chế cái ống thủy đo độ mặn để đảm bảo nước tro cũng có vị mặn như nước tro của nhà bác vật. Thế là vài ngày sau mỗi người đều có một ống thủy riêng biệt.

Độ nửa tháng sau, tình cờ có người mời mua xà bông, ông bác vật mới té ngửa rằng trong xóm hầu như nhà nào cũng mở xưởng sản xuất xà bông. Đến bây giờ, dượng Hai mới hiểu tại sao hổm rày người trong xóm khi gặp dượng là họ chào hỏi sơ qua rồi kiếu từ lập tức, sắc mặt không được tự nhiên.

Tức thì xà bông sản xuất ở ngọn Xẻo Bần được tung ra khắp thị trường miền Hậu Giang. Mọi người hào hứng khoe với nhà bác vật: “Trăm sự cũng nhờ khoa học của dượng đó, dượng ạ!”. Có người còn tính khắc con dấu Việt Tân, Việt Hưng gì đó để đóng vô, kèm theo hình mặt trời cho cục xà bông nó “mạnh” một chút!

Tinh thần người Việt

Cuối truyện, Sơn Nam viết: “Năm 1945, cả xóm ngọn Xẻo Bần không nấu xà bông nữa. Họ phải lo những chuyện khác cao cả hơn. Nhưng ý nghĩa của cuộc chiến đấu mới nào có gì lạ hơn là làm cho dân giàu nước mạnh, phát triển nội hóa. Có lẽ vì lý do đó mà họ hăng hái hơn ai hết. Vì họ đã thấy rõ một lần rồi”.

Một câu chuyện khá giản dị từ cấu tứ đến cốt truyện nhưng tinh thần câu chuyện lại khá đặc sắc và thú vị. Chuyện phản ánh sự nhạy bén, sáng tạo của người Việt. Họ biết “chớp thời cơ”, biết “bắt chước”, biết cạnh tranh.

Trên thực tế, tính gắn kết cộng đồng của người Việt không phải lúc nào cũng tốt, nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, được sự gợi mở, thuyết phục, tinh thần đó sẽ bùng phát mạnh mẽ. Đó là tinh thần tự lực, tự cường của người Việt. Dẫu tinh thần này không phải có ở tất cả mọi người và ở mọi lúc, nhưng nếu được khơi gợi, dẫn dắt sẽ dễ trở thành một làn sóng mạnh mẽ.

Câu chuyện có cái kết mang tính dự báo cao. Đó là sự kết hợp giữa “dân giàu nước mạnh” và “phát triển hàng nội hóa”. Nói theo ngôn ngữ bây giờ thì “phát triển nội hóa” là tiết kiệm ngoại tệ, tích lũy nội lực để tạo tiền đề phát triển sản xuất, từ đó có thêm điều kiện để xây dựng đất nước.

Sẽ rất khó phát triển đất nước nếu nhập khẩu tràn lan, dễ dãi vay vốn nước ngoài, phụ thuộc đầu tư FDI... mà không chú trọng phát huy nội lực. Như vậy, tinh thần chú trọng phát triển nội lực chính là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Điều đó hoàn toàn đúng với hoàn cảnh nước ta hiện tại.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã qua hơn 2 năm thực hiện và đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Trên hết, cuộc vận động này đã tác động sâu sắc đến tình cảm, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Tuy nhiên, để cuộc vận động đi vào chiều sâu và có tác dụng tích cực hơn nữa, cần tác động nhiều hơn đến yếu tố bản sắc, văn hóa thay vì chỉ chú trọng đến yếu tố sản xuất, kinh tế. Đó là sự tác động, khơi gợi, dẫn dắt tinh thần yêu nước, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần tự lực tự cường... từ những đặc điểm truyền thống.

Đọc lại truyện “Bác vật xà bông”, ta càng hiểu hơn về tinh thần Việt Nam, tinh thần Nam bộ của Sơn Nam, càng hiểu hơn về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của người dân Việt. Trải qua bao biến cố của lịch sử, điều đó lại càng được khẳng định, chứ không hề bị phai nhạt.

Các tin khác