TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Quản trị nhà băng đang đi ngược với các nước phát triển'

(ĐTTCO) - Hoạt động quản trị rất quan trọng khi góp phần giúp các ngân hàng tránh được rủi ro tiển ẩn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi những người trong HĐQT phải có chuyên môn về quản trị.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Quản trị nhà băng đang đi ngược với các nước phát triển'

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Việt Nam chưa đặt ra những yêu cầu về chuyên môn đối với những người ngồi ở ghế chủ tịch HĐQT. Những chủ tịch HĐQT là người nhiều tiền nhất trong NH và trở thành chủ. Vì thế các quyết định trong NH thường là ý chí của giới chủ.

PHÓNG VIÊN: - Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực NH trong và ngoài nước, ông thấy có sự khác nhau như thế nào trong quy định về tư cách, cũng như cách thức hoạt động của HĐQT tại các NH ở Việt Nam so với nước khác?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trước nhất, trình độ chuyên môn của các lãnh đạo, trong đó có chủ tịch HĐQT, tại Việt Nam và tại Mỹ có sự khác biệt rất lớn. Ở Mỹ, chủ tịch HĐQT phải qua những khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp và quản trị NH. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy có quy định nào bắt buộc các chủ tịch phải qua những khóa huấn luyện về chuyên môn như vậy.

Bên cạnh đó, ở Mỹ thông thường mỗi năm các lãnh đạo NH có một thời gian gọi là “retreat” (cấm phòng). Đó thời gian các lãnh đạo của NH, đặc biệt là thành viên HĐQT đến một nơi thật yên tĩnh và biệt lập, không tiếp xúc với ai ngoài việc học hỏi, thảo luận và động não để đưa ra những kế hoạch cho NH của mình. Ở Việt Nam, tôi không thấy chuyện đó.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Quản trị nhà băng đang đi ngược với các nước phát triển' ảnh 1

Về quản trị, ở các NH nước ngoài chủ tịch HĐQT là những người phải có kiến thức về NH, nếu không họ phải trải qua những chương trình huấn luyện đặc biệt trong thời gian làm việc. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng không có. Tôi đã tham gia nhiều HĐQT tại Việt Nam, thấy rằng phần lớn lãnh đạo, chủ tịch có những quyết định dựa trên phán đoán riêng của họ, nên nhiều khi không chuẩn mực.

Hơn nữa, khả năng phán đoán của lãnh đạo NH nội rất thấp so với lãnh đạo các NH tại nước ngoài. Đáng nói, những quyết định của HĐQT NH nội không phải là quyết định dân chủ, tức không dựa vào số đông mà phần lớn dựa vào quyết định của chủ tịch HĐQT. Đồng thời, thể thức họ đi đến những quyết định rất máy móc và là cơ chế quyết định được sắp đặt.

Tôi lấy thí dụ, biên bản họp HĐQT ở Việt Nam là mẫu định sẵn, chỉ để trống số người tham dự. Ngay cả quyết định cũng có mẫu sẵn, đã được sắp đặt sẵn. Biên bản của phiên họp HĐQT được ký ngay tại chỗ, sau đó thư ký gửi và yêu cầu tất cả thành viên HĐQT ký vào.

Như vậy các thành viên HĐQT sẽ không đủ thời gian để xem biên bản đó có được soạn thảo phù hợp với những trao đổi hay không. Bên cạnh đó, những biên bản này không đưa ra những số liệu biểu quyết chính xác, chẳng hạn như bao nhiêu số phiếu thuận, không thuận hay phiếu trắng. Họ chỉ ghi tỷ lệ biểu quyết các quyết định được chấp thuận. Các lập luận, lý lẽ của những thành viên đồng thuận, không đồng thuận hay bỏ phiếu trắng cũng không được ghi chi tiết.

- Cơ chế quyết định được sắp đặt như vậy đưa đến hệ quả gì và cần phải cải thiện như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta hãy nhìn lại những sai phạm tại một số nhà băng mấy năm trước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong NH. Nhiều sai phạm bắt nguồn từ chủ tịch HĐQT hoặc được chủ tịch HĐQT hậu thuẫn, phê chuẩn tín dụng cho các bên liên quan, công ty con, công ty liên quan của các thành viên HĐQT, cho đến lập chứng từ khống để cho vay. Cuối cùng, số tiền đó vào túi của lãnh đạo các NH. Hệ quả, NH và cổ đông cùng chịu tổn thất.

Nhìn lại những sai phạm NH, có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong NH. Nhiều sai phạm bắt nguồn từ chủ tịch HĐQT hoặc được chủ tịch HĐQT hậu thuẫn, phê chuẩn tín dụng cho các bên liên quan, công ty con, công ty liên quan của các thành viên HĐQT, cho đến lập chứng từ khống để cho vay.

Do vậy, những vấn đề tôi nêu ở phần trên cần được cải thiện. Những biên bản họp và việc quyết định phải được ghi nhận dân chủ, để có những ý kiến có thể trái chiều hoặc đối lập thay vì chỉ là ý chí của chủ tịch HĐQT. Bởi lẽ, từ những ý kiến trái chiều sẽ nảy sinh những sáng kiến để xây dựng NH.

Vì thế, các NH Việt Nam phải thay đổi cách quản trị. Tôi luôn luôn phân biệt 2 khái niệm quản trị và quản lý. HĐQT sẽ làm công việc quản trị. Khi HĐQT đưa ra quyết định sẽ chuyển cho ban điều hành là các nhà quản lý thực hiện, chịu trách nhiệm trước các nhà quản trị. Đây là cơ chế cả thế giới đang thực hiện. Việt Nam cần tuân thủ cơ chế, đó là cơ chế mà các nền kinh tế hiện đại đang áp dụng.

Ở đây, tôi cũng muốn nhắc đến vai trò của thành viên độc lập HĐQT. Vai trò này cần được tăng cường. Bản thân tôi cũng từng là thành viên độc lập của một HĐQT, thấy rằng vai trò của tôi lúc đó hầu như rất mờ nhạt, không được để ý. Thành viên HĐQT độc lập trong các NH Việt Nam không được tôn trọng, không thể hiện được vai trò và tiếng nói rất nhỏ bé.

Cũng may là dự thảo Luật TCTD sửa đổi bổ sung có quy định tăng số lượng thành viên độc lập trong HĐQT, đồng thời quy định HĐQT phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành TCTD. Điều này nhằm tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ.

- Vậy theo ông, quy định này có giúp các thành viên HĐQT độc lập thể hiện được vai trò xác đáng hơn, có tiếng nói mạnh hơn?

- Điều này nếu được thông qua sẽ là điều tích cực của dự thảo sửa đổi để tăng cường vai trò của thành viên độc lập. Theo đó, các HĐQT phải chấp nhận và thực hiện quy định này. Các HĐQT phải được tổ chức theo cơ chế dân chủ và phải tách biệt khỏi chức năng điều hành, tức là các thành viên HĐQT không được phép can thiệp trực tiếp vào những quyết đinh của ban điều hành, ban tổng giám đốc. Nhiệm vụ của HĐQT là định chiến lược và kế hoạch cho NH và đưa những chiến lược và kế hoạch cho ban điều hành thực hiện, sau đó đứng qua một bên để giám sát và điều chỉnh kế hoạch nếu ban điều hành đi sai đường.

Chủ tịch HĐQT các NH phải chấp nhận vai trò và tăng cường vai trò của thành viên độc lập, những người không có cổ phần, tức họ không có quyền lợi trong công ty, nên những ý kiến của họ mang tính độc lập. Tuy nhiên để có được hiệu quả, bản thân các thành viên độc lập phải thể hiện vai trò đó.

Thực tế hiện nay, nhiều thành viên HĐQT vì lợi ích riêng nên không thể hiện vai trò của họ. Thay vào đó, họ mang tính đồng thuận rất cao để giữ vị trí của mình ở trong HĐQT. Chính vì vậy, nếu chỉ có quy định sẽ không cải thiện được nhiều. Theo tôi, bên cạnh quy định, cả HĐQT phải nỗ lực trong vấn đề tăng cường vị trí của thành viên độc lập mới là vấn đề then chốt.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác