TT Vàng: Công cụ tài chính, giải pháp thị trường

Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành đã nhận được nhiều sự kỳ vọng sẽ giúp thị trường vàng đi vào nề nếp, lập lại trật tự hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng nữ trang. Mặc dù vẫn có nhiều băn khăn, hoài nghi, nhưng việc NH Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng đã tạo niềm tin sớm xóa bỏ sự chệnh lệch bất hợp lý của giá vàng trong nước và thế giới hiện nay.

Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành đã nhận được nhiều sự kỳ vọng sẽ giúp thị trường vàng đi vào nề nếp, lập lại trật tự hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng nữ trang. Mặc dù vẫn có nhiều băn khăn, hoài nghi, nhưng việc NH Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng đã tạo niềm tin sớm xóa bỏ sự chệnh lệch bất hợp lý của giá vàng trong nước và thế giới hiện nay.

Có cơ sở tạo liên thông giá vàng

Khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được công bố, sự chênh lệch bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, dù những ngày qua giá vàng thế giới đang trong xu thế giảm.

Giới kinh doanh vàng dự đoán giá vàng trong nước sẽ vẫn đứng ở mức cao hơn giá thế giới và xu thế “lặn sóng” của thị trường vàng sẽ tiếp tục cho đến khi Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 25-5.

Việc độc quyền của NHNN về gia công sản xuất vàng miếng cũng như thu hẹp đối tượng được kinh doanh vàng miếng thời gian đầu có thể gây nhiều bỡ ngỡ cho người dân và tạo nên những diễn biến phức tạp. Nhưng đây là tín hiệu tốt định hướng cho dòng tiền của người dân tập trung vào đầu tư sản xuất kinh doanh thông qua NH và các kênh đầu tư khác. Từ đó cơ quan quản lý là NHNN có thể tận dụng được nguồn lực vàng trong dân để bình ổn thị trường vàng trong nước.

Ông ĐẶNG XUÂN HUY,
Phó Tổng giám đốc VietABank

Tuy nhiên, sự chênh lệch giá này không tác động tiêu cực quá lớn đến thị trường để có thể gây nên tình trạng nhập lậu vàng và tạo áp lực lên tỷ giá. Bởi lẽ trước khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN và UBND TPHCM (chủ quản của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC) đã quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng của SJC, không để xảy ra việc nhập lậu vàng rồi hợp thức hóa để gia công vàng SJC.

Hiện nay vàng miếng thương hiệu khác đang bị “dội chợ” do người dân chủ yếu bán ra, nên phần nào cũng có tác động tích cực trong việc ngăn ngừa nhập lậu vàng.

Vấn đề người dân còn băn khoăn về việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng liệu có trị được căn bệnh kinh niên “2 giá” của thị trường vàng, trong đó cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu có thể không nhanh nhạy, linh hoạt càng khó giúp giá vàng trong và thế giới liên thông.

Theo một chuyên gia về vàng, nếu NHNN đưa ra được giá vàng chuẩn, sự liên thông giá chắc chắn thực hiện được. Vì thế, để giúp Nhà nước quản lý tốt thị trường vàng cần thiết phải ủng hộ Nghị định 24. Độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN là đúng.

Bởi NHNN với chức năng được phát hành, sản xuất vàng miếng cũng giống như phát hành tiền, chắc chắn sẽ đưa ra giá vàng chuẩn. Nghị định 24 quy định rõ NHNN nhập vàng nguyên liệu không còn chịu thế nhập khẩu, cộng với phí gia công vàng miếng khoảng 40.000 đồng/lượng, giá vàng bán ra sẽ có chênh lệch hợp lý với thế giới.

Và khi NHNN định giá vàng miếng sẽ không có NH thương mại (NHTM) hay đơn vị kinh doanh vàng nào dám bán giá cao hơn. Đây không phải là biện pháp hành chính mà là biện pháp thị trường để can thiệp giá vàng một cách hữu hiệu.

Khi đó tự động giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá thế giới, giải quyết được nhiều vấn đề bất ổn của thị trường vàng, triệt tiêu tình trạng người dân nháo nhào đi mua bán vàng khi giá biến động để đầu cơ.

Thương hiệu vàng quốc gia đi ra quốc tế

Một điểm tích cực nữa về việc độc quyền của NHNN trong sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng là trong tương lai nước ta sẽ có vàng chuẩn quốc gia, tiến đến vàng chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi NHNN phải đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt.

Với Nghị định 24, NHNN tận dụng được nguồn lực vàng trong dân để bình ổn thị trường. Ảnh: LÃ ANH

Với Nghị định 24, NHNN tận dụng được nguồn lực vàng
trong dân để bình ổn thị trường. Ảnh: LÃ ANH

Thực tế, hiện nay vàng SJC của Việt Nam là thương hiệu được ưa chuộng và uy tín nhất trong nước nhưng vẫn không được thế giới công nhận, vẫn bị xem là vàng tạp. Khi NHNN độc quyền phát hành vàng, tức vàng đó phải mang thương hiệu SBV, vì Nghị định 24 cho phép NHNN dùng vàng làm dự trữ ngoại hối quốc gia.

Khi đó, trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia của NHNN ngoài dự trữ vàng thỏi Thụy Sĩ còn có cả vàng SBV do NHNN sản xuất. Thực tế cũng cho thấy việc đổi từ thương hiệu vàng SJC sang thương hiệu SBV không khó khăn, chỉ cần đổi khuôn dập vàng và điều này NHNN hoàn toàn có kinh nghiệm làm được.

 Có vàng chuẩn quốc gia, việc giao dịch vàng sẽ thuận tiện và NHNN không chỉ có cơ sở dự trữ bằng vàng do mình phát hành, mà còn tạo niềm tin rằng Nhà nước thực sự nắm quyền điều hành chứ không phải độc quyền doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi có vàng mang thương hiệu SBV, NHNN dễ dàng điều hành giá vàng trong nước theo sát thế giới. Thí dụ, nếu mức chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới tăng, NHNN sẽ xuất kho một lượng vàng dự trữ vừa đủ để can thiệp các hành vi thao túng thị trường, đưa chênh lệch về mức hợp lý.

Bên cạnh đó, khi NHNN sản xuất vàng mang thương hiệu SBV có thể điều tiết vàng bằng các chính sách giống như điều tiết tiền tệ. Đó là những quy định nhằm ổn định giá vàng như ổn định giá VNĐ, USD, tồn quỹ, hạn mức phát hành, hạn mức dự trữ… Bởi đặc thù ở nước ta vàng không phải là hàng hóa mà yếu tố tiền rất cao, nay Nhà nước độc quyền phải đảm nhiệm luôn vai trò đó.

Đề án huy động vàng phải hấp dẫn

Theo nhiều chuyên gia, để Nghị định 24 của NHNN đi vào đời sống, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực cần sớm ban hành đề án huy động vàng. Hiện nay, NHNN đang lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án huy động vàng trong dân thông qua các NHTM. Tuy nhiên dự thảo đề án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thị trường vàng có bị biến tướng sang xu hướng vàng nhẫn hay không còn tùy thuộc vào đề án huy động vàng trong dân. Khi chứng chỉ, giấy tờ có giá bằng vàng đủ hấp dẫn thì người dân sẽ không mua vàng nhẫn để làm gì. Chính sự hấp dẫn của trái phiếu vàng sẽ giúp nước ta không bị vàng hóa và vàng huy động có thể trở thành chứng khoán hóa vàng.

Ông BÙI TẤN TÀI,
Phó Tổng giám đốc ACB

Trong khi đó, thời hạn đến đầu tháng 5 tới các NHTM phải chấm dứt huy động vàng trong dân dưới dạng chứng chỉ vàng và thực tế các NHTM đang dần chuyển sang giữ hộ vàng có trả lãi suất cho người nhờ giữ trong khi chờ đợi đề án huy động vàng của NHNN ban hành. Theo một chuyên gia NH, phương án huy động vàng trong dân đang được giới chuyên gia và các NHTM ủng hộ là hướng đến việc nỗ lực làm sao để chống vàng hóa trong nền kinh tế.

Tức hạn chế tình trạng người dân giao dịch mua bán vàng vật chất vừa không an toàn vừa tạo xu hướng vàng hóa trong dân. Nhưng để làm được điều này NHNN cần lấy kinh nghiệm từ nhiều nước, như NHNN đứng ra phát hành tín phiếu vàng, chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng.

Các NHTM sẽ là đại lý huy động vàng bằng các loại giấy tờ có giá trên cho NHNN thông qua mạng lưới hoạt động rộng khắp của NH trên cả nước. Với sự phân chia ấy, các NHTM sẽ được lợi là hưởng hoa hồng để bù đắp lại chi phí tổ chức huy động. Việc huy động bằng giấy tờ có giá sẽ dẹp bỏ tất cả hoạt động mua bán vàng vật chất vốn dễ tạo cho người dân có tâm lý đầu cơ, làm bất ổn thị trường.

Có nhiều ý kiến cho rằng có thể người dân sẽ không tin và chấp nhận mua giấy tờ có giá bằng vàng. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào chính sách lãi suất, cam kết nhận vàng hay tiền cũng kỳ hạn của tín phiếu, trái phiếu vàng có đa dạng và phù hợp với nhu cầu của người dân hay không.

NHNN có thể tăng tính hấp dẫn của trái phiếu vàng như huy động cả với các thương hiệu vàng khác ngoài SJC, SBV nhưng khi khách hàng nhận vàng ra có thể nhận vàng SBV. Điều này giúp NHNN có thể chuyển đổi dần các loại vàng miếng khác trên thị trường sang duy nhất một loại vàng miếng mang thương hiệu của NHNN.

Có thể ban đầu sẽ chỉ có một số người cảm thấy để vàng vật chất ở nhà vừa không được lợi lại không an toàn, họ sẽ đem vàng đi gửi để mua chứng chỉ vàng, một vài người mua sẽ kéo thêm nhiều người khác mua theo.

Điều then chốt nhất của Nghị định 24 là Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp của vàng, khi người dân không phải lo lắng về tài sản vàng của mình không được công nhận họ sẽ chọn giải pháp đầu tư vàng an toàn và có lợi nhất. Những chứng chỉ, trái phiếu vàng do NHNN phát hành sẽ theo cơ chế thị trường, người dân thấy có lợi thì mua, không thích không mua chứ không ép buộc.

Đó là một trong những kênh đầu tư và quản lý thị trường bằng công cụ tài chính chứ không phải bằng công cụ hành chính. Thực tế các NHTM đi mua tín phiếu tiền đồng do NHNN phát hành rủi ro bằng 0 thì không có lý gì NHNN phát hành trái phiếu vàng mà người dân không mua.

Các tin khác